Tiền Giang tiếp lực phát triển hợp tác xã kiểu mới

Trần Đáng Thứ ba, ngày 01/11/2022 16:30 PM (GMT+7)
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, tính đến tháng 6/2022, tỉnh có 176 HTX, với 43.335 thành viên. Trong đó, 170 HTX nông nghiệp đang hoạt động và 6 HTX ngừng hoạt động.
Bình luận 0

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX

Hiện, Tiền Giang đã định hình được một số mô hình HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cây trồng chủ lực. Đơn cử như HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công (thị xã Gò Công) cung cấp sản phẩm thịt gà ta Gò Công cho các siêu thị, chợ đầu mối tại TP.HCM với sản lượng khoảng 1 tấn sản phẩm/ngày; HTX Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Tân Mỹ Chánh (TP.Mỹ Tho) gia tăng công suất lò giết mổ, bình quân 80 - 100 con gia súc/ngày cung ứng thị trường../.

Để hỗ trợ phát triển HTX, tỉnh Tiền Giang đã hướng dẫn HTX thực hiện dự án và kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 07/2019/NQ-HDND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang tiếp lực phát triển HTX kiểu mới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Kiệt - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (Tiền Giang) giới thiệu sản phẩm của HTX. Ảnh: Trần Đáng

Tiền Giang tiếp lực phát triển HTX kiểu mới - Ảnh 2.

Theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND, các đối tượng tham gia dự án liên kết sẽ được hỗ trợ như sau: Chủ trì liên kết được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết; dự án liên kết được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ 50% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX; hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Chỉ tính trong 2 năm 2019 - 2020, đã có 35 HTX được hỗ trợ đầu tư 42 công trình kiện toàn cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 32 tỷ đồng theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với chính sách hỗ trợ các HTX của Nhà nước, giai đoạn 2013 - 2021, Tiền Giang đã phân bổ 89 tỷ đồng vốn đầu tư công; 1,1 tỷ đồng vốn sự nghiệp và 58,2 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước khác hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, như: Chính sách đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ mới; chính sách tiếp cận vốn; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...

Tiếp tục hỗ trợ đổi mới, phát triển kinh tế tập thể

Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, nhằm tiếp tục hỗ trợ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực của địa phương. 

Từ đó, đưa kinh tế tập thể mà nòng cốt là mạng lưới HTX cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc; tạo động lực cho sự phát triển bền vững địa phương trong giai đoạn phát triển mới.

Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tiền Giang phấn đấu bình quân mỗi năm thành lập mới thêm 5 HTX để đến năm 2025 có khoảng 195 HTX nông nghiệp. Đến năm 2030 nâng lên khoảng 220 HTX nông nghiệp. Số thành viên và người lao động trong HTX nông nghiệp tăng bình quân 5%/năm; doanh thu và lãi bình quân của mỗi HTX tăng 5%/năm...

Dự kiến đến năm 2030, Tiền Giang xây dựng được ít nhất 50 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực địa phương, như: Rau an toàn, gạo chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, sản phẩm chăn nuôi… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem