Rau muống, rau cải OCOP đắt hàng, mỗi ngày HTX bán cả tấn

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 20/10/2022 13:00 PM (GMT+7)
Với thế mạnh về mặt hàng rau xanh, hoa màu, nhiều HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác đang có kế hoạch đưa các sản phẩm rau đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại TP.HCM.
Bình luận 0

Rau OCOP đắt hàng

Rau muống và cải ngọt đạt OCOP 3 sao của HTX Phước An (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) đang được tiêu thụ tốt. Đây là 2 sản phẩm OCOP đầu tiên thuộc nhóm rau xanh được UBND TP.HCM đánh giá, công nhận.

"Tôi đang hối thúc các hộ sản xuất, tranh thủ quỹ đất trống chưa gieo trồng để xuống giống. Các đơn hàng rau muống, cải ngọt đang tăng. Siêu thị, trường học cũng đặt nhiều hơn đối với hai sản phẩm OCOP này, hiện mỗi ngày tiêu thụ khoảng nửa tấn rau muống, cải ngọt, chiếm khoảng một nửa sản lượng rau ra thị trường" - ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX Phước An nói.

Tín hiệu vui từ rau OCOP - Ảnh 1.

Sơ chế rau tại HTX Phước An (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: Hồng Phúc

Rau được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM và là nhóm sản phẩm được định hướng tham gia vào Chương trình OCOP. Rau chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.HCM.

HTX Phước An gắn bó với mô hình trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP hơn chục năm nay tại TP.HCM. Rau xanh của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP có ý nghĩa quan trọng. Nhờ được chứng nhận OCOP, giờ đây, thị trường của HTX Phước An được mở rộng hơn, có nhiều điều kiện quảng bá cũng như kết nối với các hệ thống phân phối lớn.

Ông Thích cho biết thêm một số sản phẩm rau và hoa màu khác của HTX đang được tiếp tục đề xuất đánh giá, xếp hạng OCOP năm 2022. Đây đều là các sản phẩm chủ lực của HTX Phước An, mang tính địa phương cao và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong và ngoài xã nhiều năm qua.

"Bộ tiêu chí đánh giá OCOP rất quan trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với nhóm rau xanh, thực phẩm tươi sống. HTX chúng tôi rất khắt khe về tiêu chuẩn an toàn. Hộ tham gia sản xuất phải thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP, mẫu được kiểm tra thường xuyên. Các hộ sản xuất phải cam kết thực hành theo tiêu chuẩn an toàn"- ông Thích nói.

Hiện HTX Phước An canh tác theo mô hình chuỗi an toàn thực phẩm từ vùng trồng, sản xuất, sơ chế, đóng gói tập trung rồi phân phối đến tay người tiêu dùng. Trên bao bì sản phẩm đều có truy xuất nguồn gốc, khi truy xuất thì người tiêu dùng biết được thông tin hộ sản xuất an toàn.

Sẽ có thêm nhiều loại rau OCOP

Rau được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM và là nhóm sản phẩm được định hướng tham gia vào Chương trình OCOP. Rau chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.HCM, phù hợp điều kiện sinh thái, kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đầu ra ổn định và giá trị kinh tế cao. 

Tổng diện tích canh tác rau tại TP.HCM hiện nay hơn 3.500ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Bình quân giai đoạn 2016-2022, diện tích gieo trồng rau tăng hơn 8%/năm, sản lượng tăng gần 10% mỗi năm.

Sau HTX Phước An, hiện nhiều sản phẩm rau xanh của các HTX, doanh nghiệp chuyên về sản xuất nông nghiệp cũng đang trở thành sản phẩm OCOP tiềm năng của TP.HCM. 

Các sản phẩm rau xanh tiềm năng OCOP hiện tập trung chủ yếu tại huyện Hóc Môn: Rau mầm HB, rau mồng tơi, rau muống hạt, rau cải xanh (Công ty SXCN HB), cải thìa Rasafood (HTX Rau sạch GAP), cải bó xôi Nông Phát, dưa lưới Nhật Bản Nông Phát (Công ty Nông Phát).

Nhiều HTX khác chuyên về rau quả tại TP.HCM như Phú Lộc, Mai Hoa, Ngã Ba Giồng, Phước Bình, Nhuận Đức, Nấm Việt, liên tổ rau an toàn Tân Trung… với thế mạnh về trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang có định hướng, kế hoạch đưa sản phẩm đánh giá, xếp hạng OCOP tại TP.HCM.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem