Hội Nông dân Bắc Giang “nâng đỡ”, hội viên nâng tầm sản phẩm OCOP

Thu Hà Thứ hai, ngày 29/04/2024 07:27 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tích cực thực hiện Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP".
Bình luận 0

Với nhiều hoạt động thiết thực, các cấp Hội Nông dân phát huy vai trò, trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.

Khẳng định vai trò của Hội Nông dân

Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 4 đề án lớn và giao Hội Nông dân tỉnh chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2020-2025. Các đề án lớn này đã tạo ra cơ chế và đề cao vai trò của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh.

Hội Nông dân Bắc Giang “nâng đỡ”, hội viên nâng tầm sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thăm mô hình trồng dưa công nghệ cao của nông dân tỉnh Bắc Giang. Ảnh: N.S

Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện đề án, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Công tác tuyên truyền được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các cấp Hội đã thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền như phối hợp mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài, tạp chí của tỉnh và Trung ương Hội; tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo, diễn đàn, sinh hoạt chi hội; tuyên truyền thông qua ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook... Kết quả, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp truyên truyền trên 2.500 buổi cho trên 220.000 lượt người; 12 chuyên trang trên Báo Nông thôn Ngày nay và Báo điện tử Dân Việt; 10 chuyên trang trên Tạp chí Nông thôn mới; 5 tin bài trên website Hội Nông dân Việt Nam, phát 60 tin, 50 phóng sự trên Báo Bắc Giang, Đài PT - TH tỉnh. "Công tác tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức nông dân về vai trò của hợp tác, liên kết để sản xuất nông sản hàng hóa trong giai đoạn hiện nay; phát huy thế mạnh của địa phương, tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP"- ông Lã Văn Đoàn nói.

Trong đó, thực hiện Đề án "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP" giai đoạn 2022 – 2025, đến nay các cấp hội đã tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 97 HTX, 289 tổ hợp tác, 87 mô hình liên kết; 462 tổ hội và 71 chi hội nông dân nghề nghiệp. Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang hướng dẫn, xây dựng mới 62 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nâng cao chất lượng 49 sản phẩm.

Riêng năm 2023, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng mới 40 sản phẩm OCOP (đạt 400% kế hoạch); thành lập mới 33 HTX, 63 tổ hợp tác bước đầu đi vào hoạt động hiệu quả. Trong đó có một số chủ thể là nông dân trẻ, sáng tạo khởi nghiệp từ tham gia chương trình OCOP như HTX nông nghiệp sạch Thùỳ Dương ở thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng có 4 sản phẩm; HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc ở xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng có sản phẩm đoạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất…

Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát triển được vùng ba kích tím hàng hóa với diện tích trên 30ha; xây dựng được hàng trăm mô hình điểm về vận động nông dân ứng dụng, canh tác lúa thân thiện với môi trường, áp dụng 3 kỹ thuật để nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

Hội Nông dân huyện Yên Dũng là một trong những đơn vị huyện Hội tích cực hướng dẫn, hỗ trợ hỗ trợ 11 chủ thể xây dựng mới sản phẩm OCOP 3 sao. Đại diện các HTX được tham gia nhiều buổi tập huấn, tư vấn về phát triển ý tưởng sản phẩm; tìm hiểu bộ tiêu chí chấm điểm, cách thức triển khai, vận hành chương trình OCOP; xây dựng kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì; hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký mã số mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu…

Bà Nguyễn Thị Uyên - Giám đốc HTX nuôi cấy đông trùng hạ thảo Hùng Uyên (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng) chia sẻ: "Nhờ Hội Nông dân các cấp hướng dẫn, mới đây, sản phẩm đông trùng hạ thảo khô của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao. Trước đây, HTX bán lẻ là chủ yếu. Khi xây dựng thành công thương hiệu, chúng tôi có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng".

Hội Nông dân Bắc Giang “nâng đỡ”, hội viên nâng tầm sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Niềm vui của các thành viên HTX dứa sạch Hương Sơn (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) khi sản phẩm dứa Hương Sơn được công nhận sản phẩm OCOP.

Trợ giúp nông dân nâng tầm sản phẩm OCOP

Năm 2024, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cũng giao chỉ tiêu thi đua để các huyện, thành hội thực hiện Đề án theo hướng rõ việc, rõ kết quả; đồng thời thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện đề án tại cơ sở.

Không chỉ hỗ trợ xây dựng mới các sản phẩm OCOP, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang còn có nhiều cách làm hay để duy trì, phát triển, nâng chất lượng sản phẩm đã được gắn sao. Dứa Hương Sơn (huyện Lạng Giang) cũng là một trong số nhiều sản phẩm chủ lực của huyện và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Để duy trì, nâng sao cho sản phẩm, thời gian qua, Hội Nông dân huyện, xã hướng dẫn các thành viên HTX cùng nhiều hộ dân khác áp dụng biện pháp thời vụ tạo ra quả dứa trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân trồng dứa tại địa phương thu từ 300-350 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.

Vừa qua, Hội Nông dân huyện Lạng Giang tiếp tục hướng dẫn đại diện HTX dứa sạch Hương Sơn cùng cộng sự tham gia cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ X" (2022-2023) do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức. Kết quả, đề tài "Áp dụng biện pháp thời vụ trong việc xử lý dứa ra quả trái vụ" của nhóm tác giả đã được Ban tổ chức trao giải Nhì. Dứa Hương Sơn còn được lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Giang năm 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong tổ chức triển khai thực hiện xây dựng các sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tập trung tư vấn, hỗ trợ chủ thể thực hiện tốt 5 yếu tố cốt lõi của sản phẩm: chất lượng, đặc điểm, bao bì, kiểu dáng, nhãn hiệu và 3 nguyên tắc của sản phẩm OCOP: sản xuất địa phương hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin, sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực.

Những kết quả của hội viên nông dân và Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã góp phần đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được trên 900 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gần 300 sản phẩm OCOP, đứng vị trí thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc, đứng thứ 7 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.

Để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân các cấp trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp với các huyện, thành ủy, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giải bài toán về kinh phí trong triển khai chương trình OCOP; quan tâm phát triển sản phẩm có thương hiệu, chế biến sâu, theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh của từng địa phương.

Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo thành lập các HTX, tổ hợp tác, vì đây là nền móng để xây dựng các sản phẩm OCOP. Các cấp Hội Nông dân thực hiện tốt vai trò cầu nối liên kết 4 nhà (nhà nông - nhà khoa học - nhà nước - nhà doanh nghiệp).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem