Kinh tế lao đao, công ty Nhật vẫn ủng hộ chính quyền Abe "làm căng" với Hàn Quốc

20/08/2019 11:11 GMT+7
Bất chấp kim ngạch xuất khẩu giảm tháng thứ 8 liên tiếp và các tín hiệu kinh tế xấu đi, các công ty Nhật vẫn ủng hộ lập trường cứng rắn của Thủ tướng Shinzo Abe trên mặt trận xung đột thương mại Nhật Hàn, theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến của Reuters.

Đa số công ty Nhật ủng hộ lập trường cứng rắn của Chính quyền Abe

Không chỉ khảo sát của Reuters, nhiều cuộc thăm dò ý kiến khác đều cho thấy sự ủng hộ của doanh nghiệp và công chúng Nhật với hành động kiểm soát xuất khẩu của ông Abe

Khoảng 75% các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát hàng tháng của Reuters đồng ý với những lý do mà Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra khi tiến hành kiểm soát xuất khẩu hóa chất, vật liệu sản xuất chip sang Hàn Quốc hồi tháng trước. Khoảng 94% ý kiến được khảo sát dự đoán Tokyo sẽ chiến thắng nếu Seoul khiếu nại hành động hạn chế xuất khẩu này lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, một tỷ lệ tin tưởng gần như tuyệt đối. 

Cuộc khảo sát được Reuters tiến hành từ ngày 31.7 đến 14.8 với 504 nhà sản xuất và xuất khẩu lớn tại Nhật Bản, trong bối cảnh chính quyền ông Abe đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu 3 hóa chất cần thiết trong công nghệ sản xuất chip và màn hình hiển thị sang Hàn Quốc từ hồi tháng 7 do cáo buộc các hóa chất này được Seoul vận chuyển qua Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon  Jae-in sau đó lên tiếng phủ nhận hoàn toàn, nhưng không thay đổi được quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại tin tưởng của Nhật Bản.

Gạch tên Hàn Quốc khỏi danh sách trắng đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu của Nhật Bản cần thực hiện nhiều thủ tục hành chính chặt chẽ hơn để được cấp phép xuất khẩu sang Hàn Quốc, điều có thể kéo dài thời gian, chi phí thông quan và xuất khẩu. Bởi vậy, việc đa số các doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ lập trường cứng rắn của Thủ tướng Abe là điều khá bất ngờ.

Một cách khái quát, kết quả khảo sát của Reuters cho thấy sự chia rẽ trong quan điểm của các công ty Nhật Bản về xung đột thương mại Nhật Hàn. Theo đó, số ít doanh nghiệp bày tỏ mối quan ngại sâu sắc khi căng thẳng Nhật Hàn có khả năng làm suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp cũng như khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Về lâu dài, không loại trừ khả năng suy thoái kinh tế do xuất khẩu giảm mạnh, sản xuất đình trệ. 

“Chúng ta đang đứng trước bờ vực suy thoái kinh tế trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ Trung leo thang. Và chúng ta không mong muốn một căng thẳng nào khác đẩy nền kinh tế đến bờ vực suy thoái lúc này” - CEO một công ty Nhật Bản nằm trong nhóm thiểu số phản đối chính sách kiểm soát xuất khẩu cho hay.

Nhưng đa số các doanh nghiệp còn lại thể hiện sự ủng hộ ông Abe, bởi sự thật hiển nhiên là chính phủ Hàn Quốc đang ưu tiên việc hòa giải với Triều Tiên trong bối cảnh Triều Tiên đẩy mạnh các thử nghiệm hạt nhân. Khi được hỏi các doanh nghiệp đánh giá ra sao về lời giải thích mà Chính quyền Abe đưa ra xoay quanh hành động kiểm soát xuất khẩu với Hàn Quốc, 75% trong số hơn 500 doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ thấy hoàn toàn hợp lý hoặc hợp lý ở một mức độ chấp nhận được.

Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 7 của tờ báo Asahi cũng cho thấy 56% công chúng cảm thấy những động thái thương mại của chính quyền ông Abe là hoàn toàn đúng đắn, trong khi tờ Yomiuri Shimbun chỉ ra tỷ lệ 71% công chúng hoàn toàn ủng hộ mọi hành động của Tokyo.

Trung Quốc giúp Nhật - Hàn dàn xếp mâu thuẫn?

Mâu thuẫn nhiều thập kỷ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc rất khó để dàn xếp trong thời gian ngắn

Ngày 21.8 tới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono sẽ có cuộc gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ song phương giữa hai nước Đông Á đang ngày một xấu đi. Một cuộc họp ba bên sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận và đi tới những diễn biến tích cực giúp giảm bớt căng thẳng thương mại Nhật Hàn.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây, 3 quốc gia này tổ chức một cuộc họp ba bên tương tự như vậy. Nhưng đa số các nhà phân tích đều chỉ ra nỗ lực này chỉ là ‘bề nổi’ và khó có thể giúp ích trong việc xoa dịu căng thẳng Nhật Hàn. Nhất là khi Seoul đã đệ trình vấn đề lên WTO và đe dọa trả đũa Nhật Bản.

Quan hệ Nhật Hàn đã chẳng mấy tốt đẹp trong nhiều thập kỷ, kể từ sau thế chiến II, khi các công ty Nhật cưỡng ép lao động Hàn Quốc làm việc và phụ nữ Hàn Quốc bị lạm dụng trong quân đội Nhật. Dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ song phương từ năm 1969, mâu thuẫn vẫn âm ỉ với hàng loạt vụ kiện tụng đòi quyền lợi cho người lao động, phụ nữ Hàn Quốc. Tòa án Seoul hồi năm ngoái đã yêu cầu hai công ty Nhật bồi thường cho các lao động bị cưỡng bức thời chiến số tiền khổng lồ, điều mà Tokyo cho là vô lý. 

Về phía Nhật Bản, họ lập luận mọi vấn đề đã được giải quyết bằng hiệp ước bình thường hóa quan hệ song phương năm 1969, và các công ty Nhật không cần phải chịu trách nhiệm thêm nữa về những gì đã xảy ra cách đây hàng thế kỷ. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in hiện tại vẫn cáo buộc hành động kiểm soát xuất khẩu của Nhật là để trả đũa những mâu thuẫn từ thời chiến này.

Hôm Thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Seoul sẵn sàng đối thoại với Tokyo để giải quyết các khúc mắc liên quan đến vấn đề thời chiến, qua đó chấm dứt hoàn toàn mâu thuẫn dai dẳng này. Hồi đầu tháng, khi Hàn Quốc bị loại khỏi danh sách trắng của Nhật, ông Moon từng ví đây là hành động “tự đập đá vào chân mình” của Nhật Bản, bởi xung đột leo thang sẽ chỉ gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế mà thôi.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục