Khảo sát 5.600 người dân các huyện của TP.HCM: Nông dân hiểu sâu sắc chương trình OCOP

Trần Đáng Thứ ba, ngày 06/09/2022 05:30 AM (GMT+7)
TP.HCM đang đẩy nhanh thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Theo kế hoạch năm 2022, thành phố sẽ có thêm 41 sản phẩm OCOP, nâng tổng số lên 68 sản phẩm 3-4 sao.
Bình luận 0

Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM vừa có cuộc khảo sát 5.600 người dân các huyện của TP.HCM về Chương trình OCOP.

Những dấu hiệu tích cực về chương trình OCOP

Kết quả cho thấy, mức độ quan tâm của người dân trên địa bàn nông thôn đối với Chương trình OCOP là rất cao. Có 5.600 người được khảo sát thì 100% quan tâm đến Chương trình OCOP. Trong đó, có 4.623 ký kiến quan tâm nhiều đến chương trình và 719 ý kiến có quan tâm chương trình.

Người dân ở các huyện không chỉ quan tâm mà còn đánh giá được sự cần thiết của chương trình. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số 5.600 đối tượng được khảo sát có 4.839 ý kiến cho rằng Chương trình OCOP rất cần thiết đối với phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, 641 ý kiến cho rằng chương trình là cần thiết.

Nông dân hiểu sâu sắc chương trình OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP của TP.HCM được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm giống năm 2022 ở TP.HCM. Ảnh: Trần Đáng

Nông dân hiểu sâu sắc chương trình OCOP - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, người dân nông thôn hiểu rõ những mục tiêu to lớn của Chương trình OCOP. 

Kết quả cho thấy, trong số 5.600 người được khảo sát có 3.321 người hiểu rõ được các mục tiêu của Chương trình OCOP. Các nông hộ còn còn nhận thức sâu sắc về những lợi ích của Chương trình OCOP. 

Theo đó, trong số 5.600 người được khảo sát có 88,7% ý kiến trả lời rằng, tham gia chương trình OCOP sẽ giúp các nhà sản xuất khẳng định được chất lượng và làm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp trên thị trường, tạo điều kiện để hàng hóa địa phương có thể thâm nhập vào thị trường từ đó tăng hiệu quả kinh tế. 

Thông qua chương trình OCOP, người tham gia có cơ hội được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, vốn, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ, từng bước nâng cao kỹ năng tay nghề và hiệu quả kinh tế.

Qua khảo sát cho thấy, người dân vùng nông thôn còn nắm khá rõ những cơ chế chính sách đang áp dựng cho Chương trình OCOP tại địa phương. Kết quả cho thấy, trong số 5.600 người được khảo sát có đến 85% ý kiến trả lời đã biết được các cơ chế chính sách đang áp dụng cho Chương trình OCOP.

Còn nhiều việc phải làm

Theo TS Nguyễn Đình Bình - giảng viên Trường ĐH Kinh tế -Luật TP.HCM, để chương trình OCOP phát huy hiệu quả, tạo ra những sản phẩm, dịch chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, TP.HCM còn nhiều việc phải làm. 

Theo TS Bình, cần đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để phổ biến rộng rãi Chương trình OCOP về nội dung, chu trình, bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm… 

Ứng dụng KHKT nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển kinh tế tập thể trong quá trình triển khai chương trình; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng và đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến thương mại.

TS Nguyễn Thị Đông - giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cũng cho rằng, để những sản phẩm trong Chương trình OCOP đáp ứng các tiêu chí xếp hạng, địa phương cần chủ động các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn và kiểm soát chặt việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem