Hà Giang nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới

Nguyễn Quân Thứ tư, ngày 27/09/2023 16:10 PM (GMT+7)
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 được đánh giá là chương trình tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTS&MN. Hiện nay, các cấp, ngành, chính quyền địa phương của tỉnh Hà Giang đang nỗ lực triển khai thực hiện.
Bình luận 0
Hà Giang nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới - Ảnh 1.

Huyện Bắc Mê trao bò cho người dân thị trấn Yên Phú theo Chương trình MTQG.

Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dài 277,5 km. Diện tích tự nhiên 792.755 ha, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện, 01 thành phố; có 193 xã, phường, thị trấn, (trong đó có 127 xã đặc biệt khó khăn); có 2.071 thôn, bản (1.353 thôn đặc biệt khó khăn); 34 xã, thị trấn biên giới. Dân số toàn tỉnh tính đến hết năm 2022 có 892.723 người, trong đó: dân số khu vực nông thôn 750.378 người, chiếm 84,0%. Hà Giang cũng là một trong những Tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 88% dân số; trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,4%, Tày chiếm 22,5%, Dao chiếm 14,8%, Kinh chiếm 12,3%, Nùng chiếm 9,5%, còn lại là các dân tộc khác. Có 05 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 còn 37,08% (Trong đó số hộ nghèo DTTS chiếm 98%). Hầu hết, nơi cứ trú của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, địa hình bị chia cắt, độ dốc lớn, núi đá, thường xảy ra lũ quét sạt lở đất, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt.

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021. Trong giai đoạn này tỉnh Hà Giang có 10 dự án và 12 tiểu dự án. Các dự án bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN.

Hà Giang nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới - Ảnh 2.

Hội trường thôn Phia Đeng, xã Minh Sơn được xây dựng từ nguồn vốn theo Chương trình MTQG.

Trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ, Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 23 Nghị quyết; xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 29 Quyết định, 18 Kế hoạch, 2 Thông báo để triển khai các nhiệm vụ. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 25 về lãnh đạo triển khai chương trình, nêu rõ mục tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS bình quân đạt 8%/năm trở lên. Phấn đấu giảm 29 xã/127 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 4%/năm trở lên. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã có đường nhựa hoặc bê tông. 90% thôn, tổ dân phố vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng. Duy trì 100% cơ sở y tế xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế. 100% thôn biên giới có điện, đường giao thông đạt chuẩn NTM; trên 96% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo đạt 60% vào năm 2025…

Kết quả giải ngân đến cuối tháng 6/2023: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn giao năm 2022 và 2023 là hơn 441 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 287 tỷ, đạt 65% kế hoạch; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn vốn giao trong hai năm là hơn 1.697 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 519 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nguồn vốn giao trong hai năm là hơn 3.257 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 824 tỷ, đạt hơn 25% kế hoạch.

Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh; góp phần hoàn thiện hạ tầng nông thôn.

Tuy nhiên hiện nay, Hà Giang đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng những quy định trong quản lý, tổ chức thực hiện như. Hằng năm, trung ương giao kế hoạch vốn sự nghiệp các chương trình đều theo dự toán chi tiết đến từng dự án nên địa phương thiếu chủ động trong tổ chức thực hiện. Có những dự án địa phương cần nguồn vốn lớn để triển khai nhưng dự toán giao thuộc lĩnh vực, dự án được giao thấp. Có những dự án đối tượng thụ hưởng ít, thời gian thực tế chi trả ít nhưng dự toán trung ương giao lớn, địa phương không được điều chỉnh dự toán từ dự án này sang dự án khác, phải trình trung ương dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện. Cùng một nội dung hỗ trợ, nhưng tại các chương trình mục tiêu quốc gia lại có mức hỗ trợ khác nhau, cơ chế hỗ trợ khác nhau dẫn đến trong quá trình tổ chức thực hiện có sự lúng túng, chưa đồng nhất, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Ông Triệu Trung Hiệp, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, để thực hiện tốt các chính sách dân tộc trong thời gian tới Hà Giang đã có những giải pháp cụ thể như: Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 27 tháng 4 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và hằng năm của UBND tỉnh.

Tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đề cao tính chủ động và kịp thời đề xuất hướng giải quyết đối với các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính dân chủ, công khai, thực hiện nguyên tắc "Dân cần, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và dân quản lý".

Có thể thấy, đến thời điểm này, các ngành, địa phương của tỉnh Hà Giang đang nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương, quyết liệt triển khai các bước đầu tư xây dựng. Với mục tiêu phù hợp và định hướng cụ thể, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS được kỳ vọng sẽ phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế trong vùng đồng bào DTTS&MN, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đây sẽ là động lực quan trọng để Hà Giang đẩy nhanh giảm nghèo bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem