Giá vải thiều sớm cao chót vót, nông dân Thanh Hà mừng vì thu lãi khá

Bình Minh Thứ sáu, ngày 03/06/2022 06:36 AM (GMT+7)
Năm 2022 dự kiến sẽ là năm được mùa, được giá của vải thiều Hải Dương. Tổng sản lượng vải toàn tỉnh Hải Dương dự kiến đạt trên 60.000 tấn, tăng 5.000 tấn so năm 2021. Trong đó, riêng sản lượng vải thiều Thanh Hà dự kiến đạt khoảng 40.000 tấn.
Bình luận 0

Mùa vải thiều bội thu ở Thanh Hà

Thời điểm này đến các vườn vải thiều của huyện Thanh Hà (Hải Dương), đâu đâu cũng thấy niềm vui hiện rõ trên nét mặt của người dân. Theo chia sẻ của chị Phạm Thị Hoa ở xã Thanh Quang, vụ vải thiều năm nay được mùa, được giá, bà con phấn khởi.

Gia đình chị Hoa trồng hơn 1 mẫu vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, ước đạt tổng sản lượng thu hoạch trên 10 tấn quả. 

"Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây vải sinh trưởng và phát triển tốt, ra trái nhiều, đạt sản lượng cao. Cùng với đó, vải chín sớm bán được giá cao, bà con rất vui mừng" - chị Hoa cho hay.

Đầu mùa, chị Hoa bán vải u trứng với giá 120.000 đồng/kg, sau đó xuống 80.000 đồng/kg và cuối đợt thu hoạch vải sớm còn 50.000 đồng/kg. 

"Nhìn chung từ đầu vụ, vải bán được giá cao nên người dân có lãi, thị trường tiêu thụ cũng dễ dàng hơn mọi năm. Tuy nhiên, năm nay giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng cao nên bà con phải bỏ ra chi phí nhiều hơn mọi năm" - chị Hoa chia sẻ.

Hứu hẹn mùa vải thiều bội thu, trúng giá  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) thăm vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu tại xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, Hải Dương). Ảnh: Ánh Nguyệt

Theo ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương, qua khảo sát ban đầu, các loại vitamin trong quả vải thiều Thanh Hà năm nay cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với những năm trước.

Hiện, chị Hoa tham gia tổ trồng vải thiều theo hướng VietGAP và GlobalGAP với 84 thành viên.

Chị Hoa cho biết, sản xuất vải theo hướng này đã giúp sản lượng và chất lượng tăng lên rõ rệt. Gia đình chị chỉ còn một ít diện tích nhỏ là vải chín muộn đang chờ thu hoạch nhưng đã được công ty thu mua đến đặt hàng từ nhiều ngày trước đó.

Cũng không dấu được niềm vui khi được mùa vải thiều bội thu, anh Bùi Đình Hưởng (xã Thanh Quang) cho biết, gia đình anh có diện tích 3 sào trồng vải thiều, trong đó có 1 sào theo hướng VietGAP. 

Anh Hưởng dự kiến sản lượng vụ thu hoạch vải thiều năm nay sẽ đạt trên 2 tấn quả: "Chưa năm nào người trồng vải thiều ở Thanh Hà lại có được sản lượng cao như năm nay.

Anh Hưởng cho hay, đầu mùa, anh bán vải u hồng với giá 40.000 đồng/kg, sau đó giảm còn 30.000 đồng/kg. Hiện, gia đình anh Hưởng đã thu hoạch xong diện tích vải sớm, chỉ còn 1 sào vải chín muộn.

Theo anh Hưởng, 1 sào trồng vải theo hướng VietGAP của gia đình được Công ty Ameii thu mua để xuất khẩu. Dự kiến, năm nay anh Hưởng sẽ có lãi trên 60 triệu đồng.

Ông Ngô Bá Định - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, năm nay, vải sớm Thanh Hà được mùa, được giá. Diện tích vải toàn huyện 3.250ha. Một số giống vải đầu mùa bán được giá cao như: Giống vải u trứng trắng cực sớm có giá 160.000 - 180.000 đồng/kg; vải u hồng hiện có giá 40.000 đồng/kg.

Lên kịch bản tiêu thụ vải thiều

Hứu hẹn mùa vải thiều bội thu, trúng giá  - Ảnh 3.

Ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cho biết, toàn tỉnh hiện có 8.900ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà 3.250ha, TP.Chí Linh 3.400ha, các huyện, thành phố, thị xã còn lại 2.250ha. Tổng sản lượng vải toàn tỉnh năm 2022 dự kiến đạt trên 60.000 tấn, tăng 5.000 tấn so năm 2021.

Trà vải sớm đã thu hoạch từ ngày 15/5 đến ngày 5/6 với sản lượng ước trên 35.000 tấn, chính vụ dự kiến thu hoạch từ 10/6 với sản lượng ước trên 25.000 tấn.

Theo ông Việt Anh, để quảng bá, xúc tiến thiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và vải thiều của Hải Dương nói chung, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lễ mở vườn hái vải xuất khẩu năm 2022; Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: "Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều Thanh Hà"; Hội thi "Vải thiều Thanh Hà - Tinh hoa văn hóa xứ Đông"…

Hiện nay, vải thiều Hải Dương đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn khác; kết nối tiêu thụ qua các Sàn thương mại điện tử: Lazada, Sendo, Voso và Postmart... Thị trường xuất khẩu của vải thiều Hải Dương tập trung các nước như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á...

Tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới

Tuy nhiên, theo ông Việt Anh, việc sản xuất vải thiều ở Hải Dương vẫn còn gặp một số khó khăn. Vùng trồng vải tiêu chuẩn xuất khẩu, vải VietGAP lớn, số hộ dân tham gia rất đông nên việc chỉ đạo, triển khai, giám sát nông dân thực hiện các yêu cầu kỹ thuật gặp khó khăn.

Diện tích vùng sản xuất vải được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP còn nhỏ so với tổng diện tích trồng. Sản lượng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp chỉ mới đạt khoảng 5% tổng sản lượng vải hàng năm của tỉnh, còn lại, khoảng 45% sản lượng vẫn đang xuất khẩu sang Trung Quốc. Số doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến và xuất khẩu vải thiều chưa nhiều.

Theo ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), hiện nay, quả vải Việt Nam đã có mặt tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi thị trường đều có những tiêu chuẩn khắt khe riêng.

 Đơn cử, để sang được thị trường Nhật Bản, từ khi vải ra hoa đến thu hoạch phải có 100 ngày chăm sóc đặc biệt, qua 5 lần đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem