Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt cửa khẩu, "thủ phủ vải thiều" xây dựng kịch bản tiêu thụ đặc sản

Kế Nguyễn Thứ tư, ngày 06/04/2022 10:04 AM (GMT+7)
Để triển khai tốt công tác tiêu thụ vải thiều trong năm nay, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chỉ đạo bên cạnh việc hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình chăm sóc vải, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều.
Bình luận 0

Xây dựng kịch bản tiêu thụ vải thiều

UBND huyện Lục Ngạn vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp xúc tiến tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu vải thiều năm 2022 nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia chế biến và tiêu thụ vải thiều; từ đó nâng cao giá trị sản xuất, uy tín thương hiệu cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. 

Năm 2022, diện tích vải thiều toàn huyện là 15.750 ha (tăng 300 ha so với năm 2021), sản lượng ước đạt khoảng 95.465 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 20.850 tấn, vải chính vụ 74.615 tấn); thời gian thu hoạch bắt đầu từ 25/5/2022 đến 30/7/2022 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 25/5; vải thiều chính vụ từ 10/6/2022).

Huyện Lục Ngạn xác định thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước đều rất quan trọng; phải coi trọng khai thác tối đa thị trường trong nước, đổi mới trong việc giới thiệu sản phẩm đối với thị trường nội địa. 

Các hoạt động thương mại, giao lưu, trao đổi hàng hoá trong nước được mở cửa trở lại trạng thái bình thường.

Thị trường Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang và Quảng Ninh. 

Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt cửa khẩu, "thủ phủ vải thiều" xây dựng kịch bản tiêu thụ đặc sản  - Ảnh 1.

Thời gian thu hoạch vải thiều Lục Ngạn bắt đầu từ 25/5/2022 đến 30/7/2022. Ảnh: K.N

Hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều với thị trường nước ngoài như: các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia,… được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến; các hoạt động trong nước được tổ chức tại huyện Lục Ngạn, thành phố Bắc Giang và các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố lớn trong nước.

Vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn năm 2022, hình thức tiêu thụ chủ yếu vẫn là bán sản phẩm quả vải tươi; đồng thời, sẵn sàng các phương án, giải pháp tăng cường chế biến sản phẩm tại chỗ bằng hình thức sấy khô, chế biến công nghiệp (đóng hộp, ép nước…) và cấp đông kéo dài thời gian bảo quản.

Cần hỗ trợ chế biến, tiêu thụ vải thiều

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ: Để tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho trái vải thiều năm nay, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang chủ động thành lập các đoàn khảo sát thị trường các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh; gặp mặt Ban Quản lý khu công nghiệp của các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… để đề xuất đưa vải thiều vào bữa ăn của công nhân tại các khu công nghiệp lớn ở miền Bắc. 

Tổ chức kết nối để cung ứng sản phẩm đến người lao động các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước. Tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều sang các thị trường như Trung Quốc, EU, Mỹ, Trung Đông…

Hội nghị gặp mặt các các tổ chức, doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu, các nhà phân phối, các tập đoàn bán lẻ (như Go, SaiGon.Coop, Happro, Vinmart…), các sản thương mại điện tử… để kết nối, lựa chọn, giới thiệu các nhà cung ứng sản phẩm đảm bảo năng lực, uy tín và chất lượng sản phẩm.

Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt cửa khẩu, "thủ phủ vải thiều" xây dựng kịch bản tiêu thụ đặc sản  - Ảnh 2.

Huyện Lục Ngạn khuyến khích các đơn vị đầu tư chế biến vải thiều. Ảnh: K.N

Ngoài ra, huyện cũng tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài nhập cảnh vào địa phương tiếp cận nghiên cứu thị trường, thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều.

Tiếp tục duy trì các tổ công tác hỗ trợ tiếp nhận các đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân để tư vấn và định hướng lựa chọn thu mua sản phẩm phù hợp với các phân khúc, nhu cầu thị trường tiêu thụ. 

Chủ động chuẩn bị địa điểm (trang trại, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, các mô hình sản xuất vải thiều tiêu biểu...) để đón tiếp các thương nhân, doanh nghiệp, các đoàn khách trong và ngoài nước, các đơn vị báo chí đến thăm, khảo sát, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thu mua, tiêu thụ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

Thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; rà soát, thống kê lại toàn bộ các lò sấy vải trên địa bàn đặc biệt các lò sấy có công suất, sản lượng lớn (từ 20- 30 tấn/lượt sấy); khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, công nghệ, thiết bị sấy hiện đại theo hướng công nghiệp hoạt động tại địa bàn huyện; tuyên truyền mời gọi các thương nhân từ các tỉnh bạn về thu mua chế biến sấy tại địa bàn.

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thống kê, rà soát tình hình sản xuất, dự trữ các mặt hàng phụ trợ, kho bảo quản trên địa bàn; rà soát, bố trí các điểm tập kết, trung chuyển, thu mua vải thiều ngay tại vườn và khu vực thôn, xã.

Huy động các tổ chức đoàn thể, đề nghị công an tỉnh, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tăng cường, hỗ trợ lực lượng cho huyện Lục Ngạn trong vụ cao điểm thu hoạch, tiêu thụ vải thiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem