Giá cà phê 3/9: Giá cà phê giằng co, dự báo thị trường còn tiếp tục "nóng"

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 03/09/2023 16:32 PM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 3/9: Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới giảm. Trong nước giá cà phê dao động trong khoảng 65.700 - 66.600 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê có xu hướng tăng, cuối tuần, các địa phương ghi nhận tăng gần 1.000 đồng/kg so với đầu tuần...
Bình luận 0

Giá cà phê hôm nay 3/9: Cà phê nội địa tăng gần 1.000 đồng/kg trong tuần 

Suy đoán khả năng Fed sẽ không mạnh tay với chính sách tiền tệ sắp tới sẽ thu hút nhà đầu tư sớm quay lại các thị trường cho dù áp lực bán hàng vụ mới từ Brazil cũng không hề nhỏ…

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2023 giảm 7 USD/tấn ở mức 2.482 USD/tấn, giao tháng 1/2024 giảm 3 USD/tấn, ở mức 2.383 USD/tấn.

Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 giảm 2,6 cent/lb, ở mức 151,9 cent/lb, giao tháng 3/2024 giảm 2,4 cent/lb, ở mức 153,25 cent/lb.

Giá cà phê 3/9: Giá cà phê giằng co, dự báo thị trường còn tiếp tục "nóng" - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 03/09/2023 lúc 15:18:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê 3/9: Giá cà phê giằng co, dự báo thị trường còn tiếp tục "nóng" - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 03/09/2023 lúc 15:18:01 (delay 10 phút)

Tính chung cả tuần này, thị trường London có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng tất cả 45 USD, tức tăng 1,85 %, lên 2.482 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2024 tăng tất cả 34 USD, tức tăng 1,45 %, lên 2.383 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng duy trì trên mức trung bình.

Tương tự, thị trường New York có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm tất cả 1,25 cent, tức giảm 0,82 %, xuống 151,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 1/2024 giảm tất cả 1,05 cent, tức giảm 0,68 %, còn 153,25 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê 3/9: Giá cà phê giằng co, dự báo thị trường còn tiếp tục "nóng" - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên tuần này tăng 800 – 900 đồng, lên dao động trong khung 65.700 - 66.600 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên tuần này tăng 800 – 900 đồng, lên dao động trong khung 65.700 - 66.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 65.700 đồng/kg - tăng 800 đồng/kg. 

Tiếp đến là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum với giá 66.000 đồng/kg, tăng 900 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.400 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.600 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, sau khi tăng 900 đồng/kg.

Các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ trong tuần đã thể hiện tác động tích cực của chính sách nỗ lực đẩy lùi lạm phát của Fed, tuy nhiên sự suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung đã khiến DXY tiếp tục mạnh lên trong rổ tiền tệ khiến sức mua hàng hóa của các thị trường mới nổi nói chung có phần sụt giảm. 

Giá cà phê kỳ hạn tuy có sự hỗ trợ của các báo cáo tồn kho ICE hiện vẫn còn đứng ở mức thấp nhưng áp lực bán hàng vụ mới từ nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới cũng không hề nhỏ. Trong tuần, “đồng bạc xanh” đã tăng thêm 1,33% sức mạnh nhờ GDP Mỹ quý II/2023 đã tăng 0,9% cao hơn mức thị trường kỳ vọng và lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn tiếp tục lên đứng ở mức cao ngất ngưởng.

Thứ Hai ngày 04/09, thị trường New York nghỉ Ngày Lao Động (Labor Day), đóng cửa cả ngày không giao dịch. Thị trường London mở cửa giao dịch bình thường.

Tồn kho cà phê Robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ sáu ngày 1/9 đã giảm thêm 450 tấn, tức giảm 1,32 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 33.630 tấn (khoảng 560.500 bao, bao 60 kg), tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,21 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 2,97 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, giá xuất khẩu trung bình cà phê đã tăng tháng thứ 6 liên tiếp, ghi nhận mức cao mới trong tháng 8, đạt 2.963 USD/tấn, tăng 4,8% so với tháng 7 và tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu trung bình đạt 2.459 USD/tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Với kết quả trên, một số chuyên gia trong ngành cà phê dự báo, nếu lượng xuất khẩu những tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với những tháng đầu năm, thì lượng cà phê xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt 4,2 tỷ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Rệp vảy xanh và vảy nâu hại cà phê và biện pháp phòng trừ

Rệp vảy xanh (Coccus viridis) và rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica) là tác nhân gây hại khá phổ biến và nghiêm trọng đối với cây cà phê. Chúng phá hại các chồi lá non và quả cà phê ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau.

Triệu chứng gây hại: Cây cà phê bị rệp vảy xanh và rệp vảy nâu gây hại thường phát triển kém và có sự xuất hiện của nhiều loài kiến và nấm muội đen. Chồi non và quả non thường bị rệp gây hại nặng và phủ kín nấm muội đen, làm giảm khả năng quang hợp của cây.

Tác nhân gây hại: Rệp vảy xanh có hình chữ nhật góc lượn tròn, có màu vàng xanh, mình dẹt và mềm nên còn được gọi là rệp xanh mình mềm. Rệp cái trưởng thành không có cánh và chân không phát triển, trong khi rệp non có chân khá phát triển. 

Rệp vảy nâu: Rệp cái không có cánh và được bọc bằng một lớp vỏ màu nâu, phồng lên hình bán cầu.

Giá cà phê 3/9: Giá cà phê giằng co, dự báo thị trường còn tiếp tục "nóng" - Ảnh 5.

Rệp vảy xanh (Coccus viridis) và rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica) là tác nhân gây hại khá phổ biến và nghiêm trọng đối với cây cà phê.

Phát sinh, phát triển và gây hại của rệp: Rệp vảy xanh và rệp vảy nâu xuất hiện quanh năm trên vườn cà phê và thường gây hại nặng trong mùa khô. Hai loại rệp này chủ yếu chích hút nhựa cây ở các bộ phận non của cà phê như lá non, chồi non và quả non.

Rệp vảy xanh và rệp vảy nâu có mối quan hệ cộng sinh với các loài kiến. Rệp tiết ra chất mật ngọt là thức ăn của kiến, ngược lại kiến làm nhiệm vụ vừa bảo vệ rệp tránh được các loài thiên địch vừa làm nhiệm vụ lây lan rệp từ nơi này đến nơi khác. Một trong những kẻ thù tự nhiên của rệp vảy xanh và rệp vảy nâu là bọ rùa đỏ (Chilocorus politus).

Một con rệp mẹ có thể đẻ 500 - 600 trứng, trứng được ấp dưới bụng mẹ và nở thành ấu trùng non trong vòng vài giờ sau đó. Giai đoạn ấu trùng của rệp kéo dài 4 - 6 tuần. Rệp trưởng thành có thể sống kéo dài 2 - 5 tháng. Rệp còn ký sinh gây hại trên nhiều loại cây ký chủ khác như sắn (khoai mì), ổi, chè, cam, quýt...

Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên theo dõi sự phát sinh phát triển của rệp trên đồng ruộng để có những tác động kịp thời và hợp lý.

Vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ sạch sẽ để hạn chế sự phát triển của các loài kiến.

Thuốc hóa học bảo vệ thực vật chỉ được phun khi cần thiết và chỉ phun những cây bị rệp gây hại. Sử dụng các thuốc có hoạt chất như: Chlorpyrifos Ethyl, Profenofos; Cypermethrin + Profenofos; Imidacloprid; Spirotetramat; Dinotefuran.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem