Điện Biên: Tăng cường công tác phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Vinh Duy Thứ năm, ngày 24/08/2023 08:00 AM (GMT+7)
Điện Biên hiện đang là một trong những tỉnh khó khăn với 7 huyện nghèo - nhiều nhất cả nước. Chính cái khó nghèo đã và đang cản bước chân của những người “gieo chữ” tới các trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Bình luận 0

Những năm gần đây, tình trạng nghỉ việc, chuyển vùng, thiếu cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết. Vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học, tạo thêm áp lực cho những người đang công tác trong ngành. Dù triển khai nhiều giải pháp nhưng bài toán nhân lực vẫn trong tình trạng chưa có đáp án.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: "Có nhiều nguyên nhân liên quan trực tiếp đến đời sống giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là chế độ tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Một bộ phận thầy cô ở miền xuôi lên công tác miền núi, ít có điều kiện về thăm gia đình do đường sá cách trở, kinh phí không đủ trang trải. Điện Biên cũng chưa có điều kiện để ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ đời sống cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên".

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở GĐ&ĐT Điện Biên còn cho hay nguyên nhân khách quan còn đến từ việc thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 đòi hỏi trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS đạt chuẩn đại học trở lên; chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW khiến số người làm việc không đủ theo định mức của ngành. Từ đó dẫn đến giáo viên phải làm việc với cường độ cao, đặc biệt là giáo viên khu vực miền núi.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đoạt thì hiện nay, ngay việc tuyển dụng giáo viên năm học 2023 – 2024, Điện Biên cũng đang gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ không tuyển đủ giáo viên cho các đơn vị, đặc biệt là giáo viên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điện Biên: Tăng cường công tác phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Hiện nay giáo viên tại các vùng dân tộc thiểu số của Điện Biên đang rất thiếu.

Lấy ví dụ ở huyện Mường Nhé, hiện còn thiếu hơn 300 giáo viên, năm học này huyện được phân bổ tuyển dụng 121 giáo viên, thế nhưng ở thời điểm hiện tại, phòng Nội vụ Mường Nhé mới chỉ nhận được 106/212 hồ sơ.

Hay như huyện Tủa Chùa cũng chung tình trạng như trên. Ðầu tháng 7/2023, UBND huyện thông báo tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục với 47 chỉ tiêu. Trong đó tuyển giáo viên mầm non các trường thuộc các xã đặc biệt khó khăn là 30 chỉ tiêu, giáo viên tiểu học 12 chỉ tiêu, THCS 5 chỉ tiêu (tổng giáo viên Tiếng Anh 7, giáo viên Tin học 5). Nhưng đến nay, khi chuẩn bị hết hạn, nhưng huyện mới chỉ nhận được hơn 20 hồ sơ dự tuyển, trong đó không có hồ sơ nào nộp vào các môn chuyên biệt Tiếng Anh, Tin học…

Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tuần Giáo cho biết: "Nhân lực giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã thiếu từ nhiều năm nay, lại thêm tình trạng cán bộ, giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng. Chưa kịp tuyển mới thì người cũ đã rời đi. Vấn đề này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu giáo viên, xáo trộn không nhỏ công tác giáo dục của các nhà trường... Cán bộ, giáo viên các địa bàn đã phải "gồng mình" xoay xở, nỗ lực không để một trường, lớp nào bị gián đoạn việc học và đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học đề ra".

Một ví dụ khác như ở trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học - THCS Tênh Phông, sau khi 1 giáo viên Tiếng Anh xin nghỉ việc,để đáp ứng yêu cầu chương trình mới đối với lớp 3 (Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc), nhà trường phải "mượn" giáo viên từ trường khác sang giảng dạy.

Từ đầu năm học 2022 - 2023, thầy Lò Văn Pọm (Trường Tiểu học - THCS Tỏa Tình) được Phòng GD&ĐT huyện ra quyết định giao nhiệm vụ đảm nhận thêm 12 tiết Tiếng Anh/tuần tại trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông. Do cách nhau khoảng 40km, 2 nhà trường phải trao đổi, thống nhất với nhau để bố trí, sắp xếp lịch giảng dạy cho thầy Pọm một cách hợp lý.

Thầy Pọm cũng cho biết thêm, do hạn chế về nhân lực, để đáp ứng việc dạy và học, nhà trường cũng đã "co" từ 11 lớp cấp tiểu học xuống 10 lớp; giáo viên môn Tin học, Mỹ thuật dù biên chế ban đầu dạy 1 cấp nhưng nay đều được bố trí dạy song song 2 cấp. Việc quy đổi tiết giữa tiểu học với THCS được tính toán cẩn thận, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, cụ thể thời lượng, định mức 4 tiết cấp tiểu học bằng 3 tiết cấp THCS.

Không chỉ chạy đi chạy lại giữa các trường, nhiều thầy cô phải tăng tiết, tăng giờ vượt định mức. Nếu dạy riêng từng lớp như bình thường, thì mỗi giáo viên Tiếng Anh trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) phải "gồng gánh" đến 42 tiết/tuần - con số quá tải, bất khả thi (trong khi đó, định mức giáo viên trường bán trú tiểu học là 21 tiết/tuần).

Hiện, Trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) có 40 lớp với hơn 1.000 học sinh. Trong đó, 21 lớp khối 3, 4, 5 học môn Tiếng Anh, số lượng 4 tiết/tuần/lớp (tổng 84 tiết/tuần). Theo đúng định mức thì trường cần 4 giáo viên Tiếng Anh,thế nhưng hiện chỉ có 2 giáo viên bộ môn này, không có thêm giáo viên tăng cường hay dạy liên trường, liên cấp.

Thầy Trần Đăng Vượng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè cũng chung tâm trạng chia sẻ: 1 giáo viên không thể đứng lớp tới 42 tiết/tuần. Trong điều kiện thiếu giáo viên toàn ngành, chúng tôi phải linh hoạt sắp xếp lịch giảng dạy và ghép lớp học tiết Tiếng Anh theo khối lớp, tùy tình hình. Không có công thức hay thời gian biểu cố định nào. Dù làm như vậy nhưng số tiết mà mỗi giáo viên vẫn phải tăng giờ và có khi còn phải dạy buổi chiều.

Biết như vậy là áp lực cho giáo viên nên khi triển khai, nhà trường đã sắp xếp trên cơ sở tình nguyện và chia sẻ của giáo viên. Đồng thời, nhà trường cũng luôn động viên, khích lệ các thầy cô. Suy cho cùng, mục đích màmỗi thầy cô đều mong muốn đó là làm sao học trò của mình không bị thiệt thòi, được tham gia các môn học theo đúng chương trình và có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Điện Biên, giải pháp tạm thời hiện nay ngành xác định nhiệm vụ trọng tâm là làm tốt công tác chăm lo và đảm bảo đời sống cho cán bộ, giáo viên. Theo đó đảm bảo chế độ, chính sách, chi trả kịp thời tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên, để họ ổn định, yên tâm công tác. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục, ngành GD&ĐT tham mưu và kêu gọi các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tài trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, đặc biệt là hệ thống nhà công vụ, bếp nấu ăn… tại các điểm trường, để giáo viên cắm bản có đời sống sinh hoạt đảm bảo, yên tâm bám trường, bám lớp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem