Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La (Bài 2): Đám ma đi vào lịch sử của dòng họ Giàng

Mùa Xuân - Tuệ Linh Thứ ba, ngày 02/11/2021 06:15 AM (GMT+7)
Người Mông ở nhiều nơi vẫn còn hủ tục trong ma chay như không cho người chết vào quan tài, chỉ quấn thi thể bằng vải, để xác trong nhà nhiều ngày, mổ nhiều trâu bò làm ma…Nhưng ở nhiều bản vùng cao của tỉnh Sơn La đã xuất hiện những người mạnh dạn xoá bỏ hủ tục này.
Bình luận 0


Clip: Cách làm hay của những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu trong tổ chức ma chay tốn kém của người Mông ở tỉnh Sơn La.

Tổ chức hội thảo cải tiến phong tục tổ chức tang ma an toàn, tiết kiệm

Người Mông ở nhiều nơi vẫn còn hủ tục trong ma chay như không cho người chết vào quan tài, chỉ quấn vải quanh thi thể rồi treo thi thể trong nhà nhiều ngày để làm ma; mổ nhiều trâu bò lợn để cúng tế và ăn uống; bắn súng kíp báo hiệu trong tang lễ …

Nhưng ở nhiều bản vùng cao của huyện Mai Sơn, huyện Mường La, Thuận Châu... (Sơn La) đã xuất hiện những người mạnh dạn xoá bỏ hủ tục này. Những người đi đầu chính là cán bộ, đảng viên…

Chúng tôi đến bản Rừng Thông (xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông. Bản là nơi sinh sống của 79 hộ đồng bào Mông, với 384 nhân khẩu.

Khác với nhiều bản Mông vùng cao trên địa bàn tỉnh Sơn La, Rừng Thông được biết là điểm sáng trong việc xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong nghi lễ tổ chức ma chay của người Mông; hướng đến việc xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 2: Những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu - Ảnh 2.

Ông Giàng A Sáng, Bí thư Chi bộ bản Rừng Thông - người được coi là "cha đẻ" trong việc cải tiến những hủ tục ma chay của người Mông ở bản Rừng Thông. Ảnh: Tuệ Linh.

Người được biết đến là "cha đẻ" trong việc cải tiến những hủ tục ma chay của bà con người Mông ở Rừng Thông là ông Giàng A Sáng, Bí thư Chi bộ bản. 

Ông Sáng phải mất 2 năm trời nghiên cứu tỉ mỉ, chi li từng nội dung nghi lễ ma chay; tham khảo những cách tổ chức ma chay tiến bộ, văn minh ở những địa phương khác.

Ông Sáng làm điều này cũng chỉ mong muốn sẽ làm thay đổi và xoá bỏ những hủ tục lạc không phù hợp với thực tiễn cuộc sống văn minh, hiện đại.

Sau khi hoàn thiện ý tưởng, ông Sáng cùng với nhiều cán bộ, đảng viên, già làng uy tín bản Rừng Thông đã soạn ra bản cam kết "Thực hiện quy ước cưới xin, ma chay, cụm các bản giáp ranh (Mai Sơn – Mường La)".

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 2: Những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu - Ảnh 3.

Bí thư Chi bộ bản Rừng Thông, Giàng A Sáng tuyên truyền, vận động người dân bản Rừng Thông xoá bỏ hủ tục lạc hậu trong ma chay. Ảnh: Mùa Xuân.

Bí thư Chi bộ Giàng A Sáng nhớ lại: Trước đây, các cụ để người mất trong nhà 4 -5 ngày, thậm chí có người để tới 7 ngày mới đưa đi chôn. Vào mùa hè, mùi xú uế rất khó chịu và độc hại. Thêm vào đó, bà con còn mổ rất nhiều trâu, bò, lợn...để cúng tế và ăn uống. 

Theo ông Sáng, việc tổ chức ma chay như thế không những lãng phí khủng khiếp mà còn khiến con cháu của người đã mất trở thành con nợ sau đám tang. 

Đặc biệt, việc để xác chết trong nhà nhiều ngày lại không có áo quan còn gây ô nhiễm môi trường, ám ảnh cho khách đến viếng.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, năm 2018, ông Sáng đã nghiên cứu, tham khảo rất nhiều ý kiến đóng góp của những người già làng, trưởng bản, người có uy tín am hiểu về phong tục tang ma của người Mông. 

Để tạo sự đồng thuận trong dân, khi nghiên cứu xong, ông Sáng soạn thành bản cam kết dự thảo và đưa ra chi bộ của bản để xem xét, nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Thật bất ngờ, bản cam kết này nhận được sự đồng tình rất cao của bà con bản Rừng Thông.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 2: Những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu - Ảnh 4.

Anh Giàng A Dạy (áo xanh), Bí thư Chi đoàn bản Rừng Thông trò chuyện với phóng viên Dân Việt về quá trình xoá bỏ hủ tục lạc hậu trong tổ chức tang ma của đồng bào dân tộc Mông ở bản Rừng Thông. Ảnh: Tuệ Linh.

Sau đó, chi bộ bản Rừng Thông đứng ra chủ trì một cuộc hội thảo giữa Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, trưởng dòng họ, già làng có uy tín…đến từ 26 bản Mông khác để thảo luận nhằm đi đến thống nhất các nội dung đã cải tiến trong bản cam kết đi vào thực tiễn cuộc sống trong cộng đồng Mông trên địa bàn huyện Mai Sơn.

Ông Sáng bảo: Có thể nói buổi hội thảo diễn ra tại bản Rừng Thông vào ngày 27/12/2020, giữa cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng dòng họ…đến từ 26 bản Mông của huyện Mai Sơn và huyện Mường La là cuộc "cách mạng" về phong tục người Mông. 

26 đại diện bản Mông tham gia hội thảo khi đã thống nhất, nhất trí thì cùng ký vào bản cam kết. Đây là những người có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn, có tiếng nói uy tín đến cộng đồng dân tộc Mông nơi họ sinh sống.

Theo đó, sau buổi hội thảo, các nội dung về phong tục ma chay trong bản cam kết được thống nhất như: Thực hiện cho người đã chết vào áo quan; chỉ mổ một con trâu hoặc bò để làm ma, ăn uống; thời gian để thi thể người chết trong nhà không quá 48 tiếng đồng hồ; chấm dứt việc bắn súng báo hiệu…

Tinh giản, cắt bỏ hủ tục ma chay nhiêu khê, tốn kém

Là một trong những cán bộ, đảng viên tham gia soạn thảo các nội dung trong bản cam kết, ông Mùa A Pó, Bí thư Đảng ủy xã Nà Bó, cho biết: Nói như đồng chí Bí thư Chi bộ bản Rừng Thông Giàng A Sáng thì bản cam kết "Thực hiện quy ước cưới xin, ma chay, cụm các bản giáp ranh (Mai Sơn – Mường La)" chính là đường lối cho cuộc "cách mạng" để xoá bỏ đi những hủ tục lạc hậu trong ma chay của cộng đồng Mông ở huyện Mai Sơn.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 2: Những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu - Ảnh 5.

Ông Mùa A Pó, Bí thư Đảng uỷ xã Nà Bó chia sẻ về những cải tiến trong nghi thức ma chay của người Mông trên địa bàn xã Nà Bó. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Pó cho hay, vì nội dung bản cam kết này phù hợp với thực tiễn cuộc sống hướng đến văn minh, hiện đại nên từ khi xã Nà Bó đưa những nội dung trong cam kết đi vào cuộc sống, bà con các bản đều ủng hộ rất cao. 

Người chết được cho vào áo quan, không để người chết trong nhà, trong bản quá 48 tiếng, không mổ nhiều trâu bò làm lễ, làm cỗ... Nhiều nội dung trong phong tục ma chay của người Mông trước đây được cắt giảm theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm, văn minh.

Hay đơn cử như phần thổi khèn cho đám ma được chỉnh sửa và thống nhất cắt giảm về thời gian. Đặc biệt, người được gọi làm bà cô, ông cậu đến thời điểm chúc phúc cho những người ở lại thì con cháu không được đưa tiền...

Trong quan niệm của người Mông thì bà cô, ông cậu ruột của người đã mất có vai trò rất lớn trong đám tang. Họ có thể cho phép hoặc không cho phép mổ bao nhiêu con trâu, bò; cho phép làm ma hay chưa làm ma. Trong quá trình làm tang, bà cô, ông cậu chưa có đủ mặt hoặc chưa đồng ý việc gì thì việc đó chưa thể thực hiện. 

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 2: Những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu - Ảnh 6.

Trong ảnh là một trong những hủ tục về việc không sử dụng quan tài đựng thi thể người đã chết của đồng bào Mông ở Sơn La. Đến nay, người Mông 26 bản tham gia ký cam kết đã để người mất vào áo quan, không mổ nhiều trâu bò, thời gian để thi thể người chết trong nhà, trong bản không quá 48 tiếng đồng hồ. Ảnh: Na Na.

Nay mọi người đều cam kết, khi đến đám ma, bà cô, ông cậu không được đòi gia đình có đám tang mổ nhiều trâu bò. Dù là con to hay con nhỏ thì bà cô, ông cậu cũng không có quyền đòi hỏi mổ bao nhiêu con. 

Lúc tổ chức ăn cơm trong đám tang, không nhất thiết phải đủ thành phần hai người bà cô, ông cậu mới được ăn…

Đáng chú ý, nếu như trước đây chưa có bản cam kết thì khi người lớn mất phải mổ từ 4 – 5 con trâu bò thì giờ đây đã giảm xuống chỉ cần mổ 1 con là đủ. Ngoài ra, các bản tham gia ký cam kết phải quy hoạch nghĩa địa chôn cất người chết.

Nở nụ cười tươi rói, đôi mắt của ông Hờ A Xay, Bí thư Chi bộ bản Sơn Tra, xã Nà Bó bừng sáng lên khi trò chuyện với chúng tôi về bản cam kết thực hiện quy ước ma chay tại cụm các bản giáp ranh (Mai Sơn – Mường La).

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 2: Những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu - Ảnh 7.

Nếu như trước đây có người chết, người Mông ở 26 bản giáp danh Mai Sơn-Mường La phải mổ từ 4 - 5 con trâu bò to, nhiều gà, lợn... thì đến nay hủ tục này đã được cải tiến chỉ còn mổ một con tuỳ theo điều kiện từng hộ gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

"Sau khi tham gia hội thảo ở Rừng Thông, bản Sơn Tra luôn nhận được sự quan tâm của đồng chí Mùa A Pó, Bí thư Đảng uỷ xã Nà Bó. Thực hiện sự chỉ đạo của Bí thư Đảng uỷ xã Nà Bó, tôi đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Trưởng bản và các ngành, đoàn thể trong bản tổ chức họp dân; tìm gặp trưởng dòng họ, già làng có uy tín để giải thích, thuyết phục họ xoá bỏ nghi lễ còn lạc hậu trong ma chay…", ông Xay chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, với vai trò là người đứng đầu cấp uỷ, ông Xay luôn chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của các đảng viên trong chi bộ để có cách thức tuyên truyền, vận động họ nêu gương thực hiện xoá bỏ hủ tục lạc hậu trong tổ chức ma chay như đã cam kết.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 2: Những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu - Ảnh 8.

Ông Hờ A Xay (áo xanh), Bí thư Chi bộ bản Sơn Tra vận động, thuyết phục người dân bản Sơn Tra thực hiện theo các nội dung trong bản cam kết về cải tiến việc tổ chức ma chay trong 26 bản dân tộc Mông. Ảnh: Tuệ Linh.

"Sinh ra và lớn lên ở bản Mông nên tôi thấu hiểu được những hủ tục trong ma chay của người Mông như: Mổ 3- 4 con trâu bò; không để người chết vào áo quan; thời gian để tang lâu ngày...Nếu cứ còn giữ  cái cách làm ma người chết nhiêu khê ngày nào thì cuộc sống đồng bào Mông sẽ còn đói nghèo lạc hậu đến ngày đó.

Chính vì vậy, bản cam kết được đại diện các bản thảo luận và ký ở bản Rừng Thông chính là "ánh sáng" soi đường giúp người Mông xoá bỏ hủ tục, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc", ông Xay bảo vậy.

Đám tang lịch sử của dòng họ Giàng ở bản Rừng Thông

Anh Giàng A Dạy (sinh năm 1993), Bí thư Chi đoàn bản Rừng Thông, là đảng viên trẻ năng động, nhiệt huyết trong công tác đoàn và phong trào thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế ở bản.

Anh Dạy kể: Trước đây, khi còn là sinh viên trên giảng đường đại học, anh trai tôi là một trong những người góp rất nhiều ý kiến cho chi bộ và người dân trong bản về việc xoá bỏ hủ tục lạc hậu trong tổ chức đám tang. Tuy nhiên, anh tôi khi đó đang là chàng thanh niên 18 tuổi nên một mình không thể thuyết phục được cái lý của các già làng và cộng đồng để bà con ở đây nghe theo.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 2: Những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu - Ảnh 9.

Bà con đồng bào Mông ở bản Sơn Tra cho con em đến trường học tập với mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp tục cải tiến, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong phong tục ma chay của người Mông. Ảnh: Mùa Xuân.

Năm 2008, không may anh trai A Dạy bị đuối nước và mất. Lúc đó, bố anh Dạy là ông Giàng A Lử làm Trưởng bản Rừng Thông đã quyết định tổ chức đám tang theo nguyện vọng lúc của con trai khi còn sống. 

Đầu tiên gia đình là đưa thi thể anh trai anh Dạy vào áo quan, không mổ nhiều trâu bò, cắt giảm số ngày làm đám ma.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dòng họ Giàng nói riêng và cộng đồng người Mông trên địa bàn huyện Mai Sơn nói chung thực hiện một nghi thức đưa người mất vào áo quan.

"Lúc đấy, tôi đang học lớp 8. Việc đưa thi thể anh trai vào áo quan khiến bố và gia đình tôi bị các cụ, già làng, trưởng dòng họ chỉ trích, phản đối rất kịch liệt. Họ nói rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng phong tục và gây ra những hệ luỵ về sau cho người thân trong gia đình...", anh Dạy kể.

Đối mặt với điều này, ý chí của bố anh Day và gia đình cũng lung lay. Nhưng với vai trò là 1 cán bộ, đảng viên nên bố anh vẫn quyết tâm làm đám tang theo ý nguyện của con trai và theo xu thế văn minh, tiến bộ. Anh Dạy còn nhớ mãi câu nói của bố rằng: "Nếu bây giờ mình không thực hiện cải tiến làm đám tang thì mãi mãi sẽ không ai làm được.".

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 2: Những đảng viên tiên phong xoá bỏ tục lạc hậu - Ảnh 10.

Nhờ từ bỏ những hủ tục lạc hậu, đời sống của người Mông ở bản Rừng Thông đang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Tuệ Linh.

Thầy cô và các bạn cùng lớp bất ngờ khi đến viếng đám tang anh trai anh Dạy. Họ đánh giá đây là đám tang văn minh và sạch sẽ nhất trong các đám tang của cộng đồng Mông từ trước đến nay.

Sau đám tang lịch sử đó, người dân trong bản Rừng Thông đã dần dần nhận ra rằng những nghi thức tiến bộ trong ma chay được Trưởng bản Giàng A Lử tiên phong thực hiện là văn minh, tiết kiệm, không ô nhiễm môi trường, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Từ đó đến năm 2020, cùng với những ý tưởng trong bản cam kết của đồng chí Giàng A Sáng Bí thư Chi bộ bản Rừng Thông, 100% bà con trong bản đã cho người chết vào quan tài; làm cỗ đưa ma chỉ mổ 1 con trâu, hoặc 1 co  bò (nếu không có điều kiện thì không cần mổ); thời gian để quan tài trong nhà, trong bản không quá 48 tiếng đồng hồ.

Theo anh Dạy, điều mừng nhất là sau buổi hội thảo vào 27/12/2020, những nội dung trong bản cam kết đã được cộng đồng người Mông các bản đón nhận và thực hiện theo.

Đây sẽ là động lực cho lớp trẻ như anh Dạy và những người soạn ra các nội dung trong bản cam kết tiếp tục cải tiến, thay đổi phong tục người Mông theo hướng giữ lại những giá trị truyền thống nhân văn, tốt đẹp, gạt bỏ những điểm lạc hậu, hướng tới đời sống văn minh, tốt đẹp theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Có thể nói, cách làm sáng tạo trong việc xoá bỏ hủ tục lạc hậu về ma chay trong cộng đồng người Mông trên địa bàn huyện Mai Sơn, nhất là 26 bản Mông đã thực hiện ký cam kết có ý nghĩa xã hội rất lớn.

Tổ chức ma chay theo hướng an toàn, tiết kiêm không chỉ giúp người Mông huyện Mai Sơn xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xây dựng bản làng giàu đẹp, ấm no; mà còn giúp cho cộng đồng người Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La; xa hơn nữa là đồng bào Mông các tỉnh miền núi phía Bắc học tập và làm theo.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem