Có một nơi tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi vẫn cao, là nơi nào?

Khương Lực Thứ tư, ngày 24/11/2021 12:42 PM (GMT+7)
Việt Nam đã có những cải thiện rất lớn trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi xuống mức 19,6% - chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vấn đề sức khỏe cộng.
Bình luận 0

Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn ở mức rất cao là 38%.

Trên địa bàn cả nước, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm hơn 14% tổng dân số nhưng lại chiếm trên 58% tổng tỷ lệ hộ nghèo, cao gấp 15 lần tỷ lệ bình quân chung của cả nước năm 2019 và tỷ lệ này ngày càng tăng.

Cha mẹ ăn gì nhai mớm cho con ăn nấy

Chị Hảng Thị Pàng (SN 1999, dân tộc Mông, ở bản Gia Khâu, xã Sùng Phài, TP.Lai Châu, tỉnh Lai Châu) bộc bạch: "Vì lấy chồng sớm nên tôi cũng không hiểu biết mấy về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản hay chăm sóc con thế nào thì hợp lý".

Khi mang thai, ngày ngày chị vẫn phải đi làm nương, ít được nghỉ ngơi, dưỡng sức. "Tôi sinh 2 đứa con đều tại nhà, chứ không ra trạm y tế xã. Sinh con được hơn 1 tháng, tôi đã phải đi làm nương rồi. Mỗi khi đi nương, tôi đều mang con theo. Tôi cho con bú sữa mẹ 4 tháng đầu, sau đó vừa cho bú, vừa cho ăn cơm dẻo luôn" - chị Pàng chia sẻ.

Gánh nặng về dinh dưỡng ở Việt Nam (bài 1): Nơi trẻ em có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao - Ảnh 1.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn rất cao (Ảnh minh họa: Hai chị em tự trông nhau tại một huyện vùng núi cao thuộc tỉnh Lai Châu). Ảnh: Lê Hiếu

Với Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia.

Chị Đào Thị Thu Hà - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sùng Phài cho hay: "Chị em phụ nữ người dân tộc chưa thực sự quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám thai định kỳ. Đặc biệt, bà con vẫn chưa biết bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày cho gia đình, con cái, dẫn đến tình trạng trẻ thấp, bé, nhẹ cân, còi cọc".

Kết quả khảo sát trước khi Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng trong năm 2020 cho thấy, nhiều bản vùng đồng bào dân tộc và miền núi vẫn có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao. Tình trạng thiếu năng lượng khẩu phần ăn còn phổ biến và việc tiếp cận với thực phẩm đa dạng vẫn là một thách thức.

Chế độ ăn của người dân nơi đây vẫn chủ yếu là nhóm tinh bột từ ngũ cốc cùng với lượng nhỏ các loại rau có sẵn. Một số kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 2015-2020 cũng cho thấy sự thiếu các vi chất dinh dưỡng (canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D) trong khẩu phần của trẻ và người dân ở vùng miền núi phía Bắc còn cao.

Như tại bản Hợp I, bản Nà Cúng, xã Bản Lang (Phong Thổ, Lai Châu), kết quả khảo sát cho thấy, chế độ dinh dưỡng của trẻ chưa thực sự đảm bảo, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi khá cao, 36,7%.

Số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn toàn xã khá cao, chiếm 40,1% tổng số hộ dân trong toàn xã. Trên địa bàn xã, phụ nữ mang thai chưa được quan tâm, chăm sóc tốt khi chỉ có 5,9% số bà mẹ được hỏi đi khám thai đủ 4 lần.

Tại xã Hữu Vinh (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang), kết quả khảo sát 35 hộ dân cho thấy, tỷ lệ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đạt 100% đến đủ 6 tháng tuổi. 

Tuy nhiên, từ sau 6 tháng tuổi các bà mẹ thường cho con ăn bổ sung bằng cơm do cha mẹ ăn gì thì nhai mớm cho con ăn cái đó. Hệ quả, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở đây rất cao, chiếm 61,29%.

Đảm bảo an ninh lương thực cho hộ nghèo

Từ năm 2019 đến nay, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Y tế (Viện Dinh dưỡng quốc gia), các chuyên gia và các địa phương triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cho các bản, làng nghèo, khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, với hàng nghìn thôn, bản có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao (trên 20%), để cải thiện được tình hình thì các bộ, ngành T.Ư và địa phương cần làm theo phương thức "vết dầu loang".

Ông Lê Đức Thịnh đánh giá cao cách làm của Tổ chức Helen Keller International (HKI) Việt Nam khi triển khai thực hiện dự án mô hình tăng cường an ninh lương thực hộ gia đình góp phần cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại Hòa Bình và Lai Châu trong 4 năm (2017 - 2021).

Can thiệp của dự án tập trung vào 1.000 ngày đầu đời của trẻ và 1.200 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo có bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 24 tháng tuổi sẽ hưởng lợi từ mô hình này.

Các hoạt động chính của dự án bao gồm đào tạo về dinh dưỡng, nông nghiệp, vệ sinh cá nhân, hỗ trợ cây con giống cho bà con cũng như các hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy thực hành đúng dinh dưỡng cho bà con.

Chính vì thế, ông Thịnh cho rằng, việc triển khai Chương trình hành động "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 trong thời gian tới sẽ có 2 cấp độ: Đầu tiên là xây dựng các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để làm cơ sở trao đổi, học học kinh nghiệp ở các địa phương; thứ hai là tuyên truyền và nhân rộng mô hình để bà con nông dân học hỏi, làm theo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem