Vì mục tiêu “Không còn nạn đói” ở Việt Nam

Khương Lực Thứ năm, ngày 17/09/2020 08:19 AM (GMT+7)
Nhiều dự án nông nghiệp dinh dưỡng được hỗ trợ, triển khai với mô hình nuôi gà thịt, đẻ trứng kết hợp với trồng rau xanh. Mô hình này nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt về thực phẩm như thịt, trứng, các vitamin thiết yếu từ các loại rau xanh cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em.
Bình luận 0

Năm 2018, Bộ NNPTNT chọn 3 tỉnh xây dựng mô hình nông nghiệp dinh dưỡng gắn với chương trình "Không còn nạn đói" tại Lào Cai, Quảng Ngãi và Trà Vinh. Đây là những địa phương có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao từ 20 – 30%.

Vì mục tiêu “Không còn nạn đói” ở Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị đánh giá dự án nông nghiệp dinh dưỡng năm 2019 và triển khai chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam năm 2025.

Sang năm 2020, Bộ NNPTNT mở rộng từ 3 mô hình lên 11 mô hình ở các xã, thôn, bản khó khăn. Đồng thời, phối hợp với 8 tỉnh mở rộng mô hình, lấy ngân sách địa phương thực hiện. Như vậy, đến nay chúng ta đã có 19 mô hình của Chương trình "Không còn nạn đói".

Để bữa ăn có thêm thịt, rau xanh

Tại Trà Vinh, năm 2019, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã thực hiện thí điểm mô hình nông nghiệp dinh dưỡng ở xã Long Hiệp. Tại xã Long Hiệp, 36 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở 3 ấp: ấp Chợ, Trà Sất A, Trà Sất B được hỗ trợ gà và cải ngọt giống với tổng chi phí khoảng 436 triệu đồng.

Long Hiệp là xã vùng sâu thuộc huyện Trà Cú, nông dân (đa số là người dân tộc Khmer) sống bằng nghề nông nghiệp chiếm trên 80%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em còn tương đối phổ biến.

Tổng kết mô hình, UBND xã Long Hiệp nhận định, đã giúp người dân nâng cao nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với việc cải thiện chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 3%.  Giờ đây, người dân chủ động chăn nuôi, tận dụng vườn xung quanh nhà để bố trí trồng rau để bổ sung lương thực…

Vì mục tiêu “Không còn nạn đói” ở Việt Nam - Ảnh 2.

Năm 2020, Bộ NNPTNT mở rộng từ 3 mô hình nông nghiệp dinh dưỡng lên 11 mô hình ở các xã, thôn, bản khó khăn.

Trong năm 2020, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh tiếp tục triển khai dự án "Nuôi gà đẻ trứng và trồng rau ăn lá" tại 3 ấp đặc biệt khó khăn là Ba Trạch A, Ba Trạch B, Con Lọp, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú.

Theo đó, dự án hỗ trợ 50 hộ nghèo trồng 0,5 ha rau cải ngọt, phát triển đàn gà đẻ trứng với số lượng 3.000 con để có sản phẩm trứng cung cấp thực phẩm cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.

Trước khi giao gà và hạt rau giống cho người dân, các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ hiểu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo sau khi mô hình kết thúc, các hộ tham gia dự án tự phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, mục tiêu của mô hình nông nghiệp dinh dưỡng là giúp người dân ở các địa phương khó khăn, nhất là đồng bào Khmer có nhận thức cao hơn về vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với phụ nữ mang thai và trẻ em.

Mô hình còn giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi tại hộ, giúp các hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập (số lượng trứng, rau cải dư ra hộ dân có thể bán ra thị trường) và thoát nghèo, góp phần giúp xã Tân Hiệp, xã Long Hiệp đạt tiêu chí về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Chưa dừng lại ở đó, mô hình còn lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước giúp người dân nhận thức được công tác giảm nghèo bền vững.

Tại Lai Châu, năm 2020, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cũng triển khai dự án "Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp với trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng cho người dân" gắn với chương trình "Không còn nạn đói" tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ.

Theo đó, dự án hỗ trợ 34 hộ nghèo và cận nghèo nuôi gà thịt an toàn sinh học với số lượng  55 con/hộ, đồng thời khuyến khích, vận động người dân mỗi hộ ngoài những loại rau sẵn có trồng thêm 50m2 rau bí đỏ.

"Sau 3 tháng nuôi và chăm sóc trọng lượng gà đạt trên 1,6kg/con, mỗi hộ thu 88-110kg thịt gà hơi thương phẩm và có rau bí, quả bí đỏ để bù đắp sự thiếu hụt và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và các thành viên trong gia đình" – ông Nguyễn Duy Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết.

Nhân rộng mô hình nông nghiệp dinh dưỡng

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho rằng, chương trình "Không còn nạn đói" là chương trình rất nhân văn mà cả Quốc hội và Chính phủ đã ký cam kết thực hiện với mục tiêu thiên niên kỷ hướng tới phát triển bền vững. 

Tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh nạn đói lương thực còn có nạn đói về dinh dưỡng, mà đói dinh dưỡng là vấn đề mang tầm chiến lược. Ở Việt Nam, thành tích giảm nghèo không ai phủ nhận được. Mỗi năm chúng ta giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất hơn 1%/năm và theo chuẩn nghèo hiện nay thì cả nước dưới 4%. 

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn có khoảng 26 tỉnh, trong đó bao gồm các huyện, xã có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao và tỷ lệ hộ nghèo cao nếu so với mặt bằng cả nước (từ trên 20% hộ nghèo).

Hoạt động chủ yếu tại các mô hình nông nghiệp dinh dưỡng là hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho một nhóm hộ nhỏ và thông qua các mô hình điểm này sẽ triển khai đào tạo, tập huấn và truyền thông để cán bộ, người dân địa phương hiểu và biết cách triển khai mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT)

Trong khi đó, trong vòng 1.000 ngày tuổi đầu đời, nếu giải quyết được vấn đề suy dinh dưỡng thì 80% các cháu thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng ở các giai đoạn phát triển sau này.

Chúng ta đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội rất tốt. Nhưng chỉ số phát triển về thể trạng (hay nói đơn giản là chiều cao) của người Việt tăng trưởng không tương xứng với tốc độ cải thiện về đời sống xã hội.

Do đó, chương trình "Không còn nạn đói" đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể, để giải quyết vấn đề này. Nó không đơn thuần là việc lấy thu nhập và mức sống của người dân làm thước đo kết quả.

Tại các mô hình, các đơn vị đã phối hợp để xác định tình trạng dinh dưỡng của người dân, nhất là trẻ nhỏ. Sau đó, phối hợp với địa phương xây dựng mô hình nông nghiệp, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, sử dụng và chế biến sản phẩm tại chỗ để cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho các cháu ngay từ đầu đời như thế nào.

Trong năm 2020, Bộ NNPTNT mở rộng từ 3 mô hình sang 11 mô hình ở các xã, thôn, bản khó khăn. Đồng thời, phối hợp với 8 tỉnh mở rộng mô hình, lấy ngân sách địa phương thực hiện. Như vậy, đến nay chúng ta đã có 19 mô hình của Chương trình "Không còn nạn đói".

Trên cơ sở tổng kết các mô hình này, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT sẽ tham mưu cho Bộ NNPTNT có các văn bản để hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách thực hiện chương trình không còn nạn đói ở diện rộng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem