Cả làng ở Hà Tĩnh đốt lửa nấu mật, con trâu kéo máy ép mía như cũng đang "chạy đua với thời gian"

Tập Thỏa Thứ năm, ngày 12/01/2023 06:00 AM (GMT+7)
Những ngày này, hơn 100 hộ dân tại xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) “đỏ lửa” ngày đêm để đưa ra thị trường những mẻ mật mía thơm lừng, sánh mịn chào đón xuân Quý Mão. Năm nay, mật mía được giá cao hơn mọi năm khiến bà con rất phấn khởi.
Bình luận 0

Clip: Làng mật mía ở Hà Tĩnh "đỏ lửa" ngày đêm chào xuân Quý Mão 2023.

Tìm đến làng mật mía Thọ Điền những ngày này, đâu đâu cũng nghe thấy máy nghiền, máy ép nước mía hoạt động lẫn trong đó là tiếng cười, nói của những người dân Thọ Điền khi mật mía tăng giá, sản lượng cao hơn mọi năm.

Cả làng ở Hà Tĩnh “đỏ lửa”, mùi mật mía thơm lừng chào đón xuân Quý Mão - Ảnh 2.

Làng nghề ép mía làm mật ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) hối hả, tất bật ngày đêm, để cho đưa ra thị trường Tết mẻ mật chất lượng nhất. Ảnh: PV

Những ngày này, các hộ dân làm mật mía tại đây làm việc hết công suất; huy động thêm nhiều người lao động suốt ngày đêm để đủ sản lượng, chất lượng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Nghề làm mật mía tại xã Thọ Điền có cách đây khoảng 50 năm. Hiện nay, toàn xã có hơn 100 hộ dân sản xuất mật mía, với diện tích gần 30ha. Mỗi năm, xã Thọ Điền cung ứng ra thị trường khoảng 160 tấn mật mía, giúp các hộ dân làm nghề có nguồn thu nhập khá.

Cả làng ở Hà Tĩnh “đỏ lửa”, mùi mật mía thơm lừng chào đón xuân Quý Mão - Ảnh 3.

Anh Phan Văn Anh (thôn 5, xã Thọ Điền) có hơn 30 năm làm mật mía. Mỗi năm, gia đình anh bán ra thị trường hơn 5 tạ mật mía. Ảnh: PV

Đang bận rộn làm mật mía những ngày cuối năm, chị Đoàn Thị Nhàn (trú tại thôn 1, xã Thọ Điền) cho biết: "Gia đình tôi đã có kinh nghiệm làm mật mía hàng chục năm. Trước đây, hoạt động làm mật mía chủ yếu bằng sức người, ít máy móc, ép mật mật mía bằng sức trâu nên chất lượng, năng xuất kém.

Cả làng ở Hà Tĩnh “đỏ lửa”, mùi mật mía thơm lừng chào đón xuân Quý Mão - Ảnh 4.

Người dân xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) vẫn làm theo phương pháp thủ công, dùng sức trâu ép mía và nấu mật bằng lửa củi. Ảnh: PV

Hiện nay, với việc đưa máy móc, dây chuyền vào sản xuất đã giúp mật mía vệ sinh, chất lượng hơn; đặc biệt năng suất cao gấp khoảng 4-5 lần so với trước. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi ép khoảng 3-4 tấn mía tươi, nấu được gần 300 lít mật thành phẩm".

Theo chị Nhàn, năm 2020, mật mía của gia đình chị đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 từ đó đã giúp sản phẩm được nhiều khách hàng quan tâm hơn. Khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP, giá mật mía chỉ đạt 30.000đồng/lít, nhưng sau khi có OCOP giá mật mía tăng lên 60.000đồng/lít, thậm chí có thời điểm lên đến 70.000đồng/lít, nhưng không có để bán.

Cả làng ở Hà Tĩnh “đỏ lửa”, mùi mật mía thơm lừng chào đón xuân Quý Mão - Ảnh 5.

Tết Nguyên đán cận kề, các lò nấu mật mía "đỏ lửa" ngày lẫn đêm để cho ra những mẻ mật phục vụ thực khách. Ảnh: PV

"Chúng tôi đã cố gắng nâng cao chất lượng, sản lượng tốt hơn từng ngày. Hiện nay, các gia đình làm mật mía trong xã đều nâng cao năng suất, chất lượng nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng", chị Nhàn nói.

Cả làng ở Hà Tĩnh “đỏ lửa”, mùi mật mía thơm lừng chào đón xuân Quý Mão - Ảnh 6.

Mật mía làng Thọ Điền, Vũ Quang (Hà Tĩnh) màu vàng óng ánh và vị thanh ngọt. Ảnh: PV

Theo kinh nghiệm của người dân làm mật mía, để có những giọt mật thơm ngon, sánh mịn phải trải qua nhiều công đoạn như: làm sạch mía, ép lấy nước, nấu và chắt lọc mật. Nước ép mía sau khi lọc bỏ tạp chất, sẽ được nấu trong một chiếc chảo lớn.

Cả làng ở Hà Tĩnh “đỏ lửa”, mùi mật mía thơm lừng chào đón xuân Quý Mão - Ảnh 7.

Theo chị Đoàn Thị Nhàn (trú tại thôn 1, xã Thọ Điền), hiện đang chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất. Ảnh: PV

Trong quá trình nấu mật, người nấu liên tục phải đảo đều, khi nước mía sôi thì dùng vợt để loại bỏ tạp chất, bọt ra ngoài. Hoạt động này làm liên tục từ 3-4 giờ cho đến khi mật mía thành phẩm hoàn thành.

Cả làng ở Hà Tĩnh “đỏ lửa”, mùi mật mía thơm lừng chào đón xuân Quý Mão - Ảnh 8.

Mật mía đã trở thành sản phẩm đặc trưng, truyền thống của huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: PV

Gia  đình anh Phan Văn Anh (thôn 5, xã Thọ Điền) có hơn 30 năm làm mật mía. Mỗi năm, gia đình anh bán ra thị trường hơn 5 tạ mật mía, cho hay: "Công việc tuy vất vả, nhưng thu nhập từ làm mật mía giúp gia đình tôi có nguồn thu tốt; cao hơn các công việc đồng áng khác gấp 4-5 lần. Thị trường mật mía sôi động, chúng tôi luôn trong trình trạng không đủ sản phẩm để cung ứng cho khách hàng. Gia đình tôi đã phải huy động thêm nhân lực, dậy từ lúc 4h sáng để làm mật".

Cả làng ở Hà Tĩnh “đỏ lửa”, mùi mật mía thơm lừng chào đón xuân Quý Mão - Ảnh 9.

Các lò mật làm từ mía thơm ngon nức tiếng ở Hà Tĩnh lửa sáng đêm, đê vụ phục vụ du khách gần xa những ngày giáp Tết. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết. "Nghề làm mật mía ở địa phương đã có hơn 53 năm nay. Hiện toàn xã Thọ Điền có gần 200 hộ dân trồng mía, với diện tích gần 30ha. Trung bình mỗi năm, làng mía của địa phương cung cấp ra thị trường gần 160-200 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân nguồn thu khá. Dịp tết năm nay, sức tiêu thụ mật mía của khách hàng tăng cao. Nhờ đó, hoạt động ép mía, nấu mật của bà con cũng trở nên bận rộn và sôi động hơn".

"Đặc biệt, công việc cho thu nhập cao hơn năm ngoái nên bà con rất phấn khởi. Ước tính toàn xã có doanh thu hơn 10 tỷ đồng từ sản phẩm thế mạnh này. Hiện địa phương đã xây dựng hợp tác xã mật mía Sơn Thọ và vận động người dân tham gia để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân", ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem