Một loại bánh ngon gia truyền đã dẻo dai, lại thơm ngon, là thương hiệu OCOP Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 29/04/2024 05:36 AM (GMT+7)
Để làm ra được loại bánh tẻ vừa dẻo vừa dai lại có vị ngậy bùi, thơm ngon được chứng nhận là sản phẩm OCOP, HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức (xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã phải trải qua một hành trình vô cùng gian nan.
Bình luận 0

Nếu như ở Sơn Tây (Hà Nội) bánh tẻ là sản vật riêng và đã trở thành thương hiệu có tiếng tại Việt Nam, thì tại Thái Nguyên - "Bánh tẻ gia truyền Nụ Tin" của HTX Dịch vụ nông nghiệp Anh Đức (xóm Tiền Phong, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình) cũng đã khẳng định được thương hiệu riêng và được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Bí quyết làm ra loại bánh tẻ thơm ngon

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Trương Thị Nụ cho biết nghề được truyền lại từ mẹ đẻ của bà. "Mẹ tôi quê ở tỉnh Hà Nam Ninh cũ. Những năm trước khi tôi còn là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã rồi đến Chủ tịch Mặt trận, do học được cách thức làm bánh tẻ truyền thống từ mẹ để lại nên thỉnh thoảng tôi hay gói cho mọi người ăn... 

Nhiều người ăn thấy ngon nên trong các dịp lễ, tết, đám cưới hay sự kiện quan trọng họ thường đặt tôi làm. Dần dần lượng khách hàng ưa chuộng ngày một nhiều", bà Nụ nói về quá trình khởi nghiệp, đưa bánh tẻ Nụ Tin đến với người dân.

Một loại bánh ngon gia truyền đã dẻo dai, lại thơm ngon, là thương hiệu OCOP Thái Nguyên- Ảnh 1.

Để làm ra được chiếc bánh tẻ thơm ngon đòi hỏi phải có bí quyết. Ảnh: Hà Thanh

Bật mí về quy trình để làm ra được chiếc "bánh tẻ gia truyền Nụ Tin" thơm ngon của gia đình được nhiều người ưa chuộng trên thị trường như hiện nay, bà Nụ cho biết, trước tiên muốn bánh ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu hết sức quan trọng. 

Nguyên liệu để làm bánh tẻ gồm gạo tẻ, thịt, mộc nhĩ, hành củ, hành lá, lá dong, dây buộc. Gạo được lựa chọn gói là gạo U17 vì loại gạo này gói bánh mới ngon. Gạo sau khi mua về sẽ được vo sạch qua vài lần nước rồi cho vào ngâm nước tối thiểu trong 3 tiếng, sau đó cho vào máy nghiền thành bột nước. 

Sau khi nghiền xong, bột sẽ được đổ vào một nồi gang và đặt trong một chậu nước rồi đưa lên bếp củi ráo. 

"Việc đặt nồi bột trong chậu nước mà không đặt trực tiếp trên bếp củi để khi ráo bột không bị vón cục khó gói và ảnh hưởng đến chất lượng bánh. 

Cứ như vậy sau khi lửa cháy, bột được khuấy đều tay liên tục trong khoảng 3 tiếng đến khi cô đặc. Trung bình mỗi kg gạo sẽ cho ra khoảng 40 – 42 chiếc bánh", bà Nụ chia sẻ.

Một loại bánh ngon gia truyền đã dẻo dai, lại thơm ngon, là thương hiệu OCOP Thái Nguyên- Ảnh 2.

Bột sau khi được ráo cô đặc để chuẩn bị gói bánh tẻ. Ảnh: Hà Thanh

Đối với nhân bánh, bà Nụ sẽ lựa chọn những miếng thịt ngon, tươi, sơ chế sạch rồi cho vào máy thái nhiều lần cho nhỏ. 

Mộc nhĩ phải lựa chọn loại mộc nhĩ bản to, cuống bé, lá dày thì khi xay nhỏ mới giòn và thơm. Hành lá phải là loại hành ống nhỏ mới thơm. Hành sau khi cắt rễ rửa sạch sẽ được thái nhỏ. 

Còn hành khô cần ước lượng cho vừa đủ vì nếu cho nhiều bánh sẽ bị chua, còn cho ít thì bánh không có vị thơm. 

Sau khi nguyên liệu đã sơ chế xong sẽ đưa lên cân đong với trọng lượng phù hợp rồi cho lên bếp xào chín từng loại, nêm nếm gia vị vừa vặn và sau đó trộn đều nguyên liệu với nhau.

Một loại bánh ngon gia truyền đã dẻo dai, lại thơm ngon, là thương hiệu OCOP Thái Nguyên- Ảnh 3.

Nhân bánh tẻ được xào chín và trộn đều các nguyên liệu với nhau. Ảnh: Hà Thanh

Theo bà Nụ, lý do lựa chọn lá dong để gói bánh là vì lá dẻo dễ gói và gói lá dong sẽ tạo nên hương vị riêng đặc trưng của bánh. Với lá dong trước khi dùng để gói bánh phải rửa sạch, cắt bỏ cuống rồi đưa vào nồi luộc để giảm bớt mùi hăng của lá, sau đó nhúng vào nước lạnh để lá xanh và cứng rồi vẩy sạch nước mới tiến hành gói.

Một loại bánh ngon gia truyền đã dẻo dai, lại thơm ngon, là thương hiệu OCOP Thái Nguyên- Ảnh 4.

Lá dong được rửa sạch và luộc trước khi gói bánh tẻ. Ảnh: Hà Thanh

Khi gói bánh ngoài việc phải căn cơ làm sao cho mỗi chiếc được đều nhau về trọng lượng và kích cỡ, còn phải khéo léo để nhân bánh nằm giữa bên trong vỏ bánh thì chiếc bánh mới đẹp mắt và đạt tiêu chuẩn. 

Một loại bánh ngon gia truyền đã dẻo dai, lại thơm ngon, là thương hiệu OCOP Thái Nguyên- Ảnh 5.

Chiếc bánh tẻ đạt tiêu chuẩn và đẹp mắt là chiếc bánh nhân phải nằm giữa và bên trong vỏ bột. Ảnh: Hà Thanh

Bánh sau khi gói sẽ được cho vào nồi nước đã đun sôi luộc trong thời gian chừng 25 phút với bánh chưa qua cấp đông và 35 phút với bánh đã qua cấp đông. Bánh khi chín sẽ được cho ra ngoài để róc nước và nguội rồi đóng gói hút chân không sau đó đưa vào tủ cấp đông bảo quản. Với những chiếc bánh đã qua cấp đông thì thời gian sử dụng có thể kéo dài tới 1 tháng.

Một loại bánh ngon gia truyền đã dẻo dai, lại thơm ngon, là thương hiệu OCOP Thái Nguyên- Ảnh 6.

Chiếc bánh tẻ sau khi được gói hoàn thiện. Ảnh: Hà Thanh

Hành trình gian nan xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm bánh tẻ gia truyền Nụ Tin

Năm 2022 khi xã Thanh Ninh xây dựng nông thôn mới nâng cao đòi hỏi địa phương phải có HTX và có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, vậy nên mọi người đã động viên bà Nụ mở rộng quy mô sản xuất, thành lập HTX và xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm bánh tẻ của gia đình.

Vì vậy, trong năm đó, bà Nụ cùng chồng chính thức thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức với 7 thành viên chủ yếu là anh em trong gia đình, những người đã có kinh nghiệm làm bánh và bắt tay vào quá trình sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh tẻ Nụ Tin trên thị trường.

"Nghĩ thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không hề dễ dàng gì. Để xây dựng được thương hiệu OCOP cho sản phẩm là cả một quá trình gian nan mà nhiều lúc vợ chồng tôi đã muốn bỏ cuộc", bà Nụ nói.

Thời điểm đó nhờ được sự động viên từ các cơ quan chuyên môn, gia đình lại tiếp tục cố gắng. Kinh nghiệm làm bánh thì đã sẵn trong tay, nhưng để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thì lại đòi hỏi rất nhiều yếu tố khắt khe.

"Khi mọi công đoạn gần như đã hoàn tất thì lại gặp phải một vấn đề đó là dây dùng để buộc bánh muốn đạt tiêu chuẩn OCOP phải có nguyên liệu từ tự nhiên chứ không thể dùng dây ni lông để buộc. Lúc này, cả gia đình lại tập trung để cùng nhau suy nghĩ và tìm phương án khả thi, nhưng thử đủ các phương pháp khác nhau đều không đạt yêu cầu.

Cuối cùng chồng tôi mới nghĩ ra cách lấy những bẹ chuối của cây chuối non sau đó tước thành những sợi nhỏ rồi đập dập và đem phơi héo dưới ánh nắng rồi tách đôi phơi tiếp rồi nạo hết phần ruột bên trong và lại đưa vào nồi luộc cho dây vừa mềm dẻo lại vừa dai. Và rồi cách làm này đã thành công, cả gia đình thở phào nhẹ nhõm", bà Nụ bộc bạch.

Một loại bánh ngon gia truyền đã dẻo dai, lại thơm ngon, là thương hiệu OCOP Thái Nguyên- Ảnh 7.

Bánh tẻ sau khi gói được đưa vào tủ cấp đông để bảo quản được lâu hơn. Ảnh: Hà Thanh

Hiện nay, bánh tẻ của gia đình bà Nụ chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng của khách, tuy nhiên với những đơn hàng lớn thì cần huy động thêm người để tham gia sản xuất cho kịp. Theo bà Nụ, có những đơn vị đặt hàng với số lượng 1.000 chiếc mỗi ngày nhưng do không đủ nhân lực nên bà không dám nhận lời. 

Lúc cao điểm, có ngày gia đình bà Nụ gói được khoảng 1.000 cái bánh. Bánh được bán với giá dao động từ 6.000 – 10.000 đồng/cái tuỳ nhu cầu của từng khách hàng.

Năm 2023, sản phẩm bánh tẻ Nụ Tin của HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức đã chính thức được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Từ đây đã thêm phần nào khẳng định uy tín và chất lượng của sản phẩm trên thị trường, được nhiều khách hàng tin tưởng ủng hộ. Sản phẩm của HTX đã được bán đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Một loại bánh ngon gia truyền đã dẻo dai, lại thơm ngon, là thương hiệu OCOP Thái Nguyên- Ảnh 8.

Sản phẩm bánh tẻ Nụ Tin đã được chứng nhận OCOP năm 2023. Ảnh: Hà Thanh

Ông Đào Duy Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đối với HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức từ khi thành lập đến nay, sản phẩm bánh tẻ đưa ra thị trường được nhiều người tiêu dùng rất ủng hộ. 

Trên cơ sở đó, Hội Nông dân xã cũng hỗ trợ HTX về công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên thị trường để nhiều người biết đến. 

Hiện nay, với mô hình sản xuất bánh tẻ này, HTX đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem