Ấn Độ gia hạn thời gian xuất khẩu gạo tấm thêm 15 ngày, gạo Việt xuất khẩu vẫn có rủi ro

28/09/2022 19:38 GMT+7
Chính phủ Ấn Độ ngày 28/9 đã gia hạn thời hạn xuất khẩu gạo tấm thêm 15 ngày cho đến ngày 15/10.

Giá lúa gạo sẽ tiếp tục neo ở mức cao...

Cách đây vài ngày, thời hạn này đã được sửa đổi từ ngày 15/9 thành ngày 30/9. Trước đó ngày 8/9, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm, nhưng cho phép vận chuyển một số lô hàng nhất định trong thời gian từ ngày 9-15/9.

Cụ thể: Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ cho biết hoạt động xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đã được gia hạn đến ngày 15/10/2022.

Trước đó, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu trong bối cảnh nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này cố gắng tăng nguồn cung và làm dịu giá trong nước sau khi lượng mưa dưới mức trung bình đã hạn chế việc trồng trọt.

Giá lúa gạo trong nước tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn ổn định sau nhiều phiên điều chỉnh tăng. Hiện giá gạo trong nước dao động quanh mốc 8.650 – 9.200 đồng/kg.

Ấn Độ gia hạn thời gian xuất khẩu gạo tấm thêm 15 ngày, gạo Việt xuất khẩu vẫn có rủi ro - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dự báo thời gian tới, giá lúa gạo sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Hiện nay giá lúa tươi vụ Thu Đông đã khá cao, vụ Đông Xuân tới dự đoán sẽ ở mức tương tự.

Giá lúa gạo ngày 28/9 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng đi ngang. Giá lúa gạo neo ở mức khá trong khi nguồn cung đang cạn dần do lúa Hè Thu đã cạn đồng, trong khi đó vụ Thu Đông chưa rộ.

Lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 5.500 -5.700 đồng/kg; lúa IR 504 5.300 – 5.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa khô, hiện nếp khô An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 8.600 – 8.700 đồng/kg, nếp Long An khô 8.500 – 9.000 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Tương tự, với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm không có biến động. Giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 8.650 đồng/kg; gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 9.100 – 9.200 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm cũng đi ngang ở mức 8.600 đồng/kg, giá cám khô 8.250 – 8.300 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng vọt 23 USD/tấn với gạo 5% tấm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 403 USD/tấn.

Chỉ số giá lương thực toàn cầu đã tăng mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022. Trong cùng khoảng thời gian đó, giá gạo lại đi ngược lại với xu hướng kể trên nhờ vào lượng tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu. Mặc dù vậy, việc Ấn Độ mới đây thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo, cùng với đó là tình hình thời tiết khắc nhiệt ở Trung Quốc và nhiều khu vực trên thế giới có thể làm thay đổi xu hướng trên, khiến giá gạo tăng mạnh trong những ngày qua.

Nhiều doanh nghiệp dự báo thời gian tới, giá lúa gạo sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Hiện nay giá lúa tươi vụ Thu Đông đã khá cao, vụ Đông Xuân tới dự đoán sẽ ở mức tương tự.

Việt Nam đang xuất khẩu 90% là gạo thơm và tám thơm, xuất khẩu gạo giá rẻ tỉ lệ chưa tới 10%, vì thế tác động từ lệnh cấm của Ấn Độ là tốt cho Việt Nam, tuy nhiên đối với doanh nghiệp vẫn có rủi ro khi găm hàng chờ giá cao. Thực tế nếu giá cả của thị trường gạo hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính doanh nghiệp, cho các đối tác. Tuy nhiên, nếu găm hàng quá nhiều, không có kịch bản lường trước sẽ vướng phải rủi ro trong trường hợp Ấn Độ trở lại "đường đua" xuất khẩu gạo.

Philippines dự báo nhập khẩu gạo đạt mức kỷ lục, gạo Việt tiếp tục có lợi thế

Trong một diễn biến mới, Philippines có thể phải nhập khẩu thêm gạo do tình hình thiên tai bão lũ. Giám đốc của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF), dự trữ gạo của Philippines hiện vẫn đủ nhờ đợt nhập khẩu khối lượng lớn trước đó và vụ thu hoạch vẫn đang diễn ra ở những khu vực không bị ảnh hưởng bởi bão Noru. Tuy nhiên vấn đề lớn của Philippines là lượng hàng tồn kho cho năm 2023 khá thấp. Sản lượng gạo được dự báo sẽ giảm do giá phân bón và nhiên liệu tăng cao, nên thiệt hại về mùa màng do bão Noru gây ra sẽ khiến nguồn cung sụt giảm thêm. 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây cũng đã dự báo nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới là Philippines có thể nhập thêm 200.000 tấn gạo so với ước tính trước đó. Cụ thể USDA dự báo năm nay Philippines nhập khẩu 3,2 triệu tấn gạo, nhưng dự báo mới nâng lên 3,4 triệu tấn, con số nhập khẩu gạo kỷ lục của nước này. Dự báo năm 2023, nước này cũng nhập khẩu tới 3,3 triệu tấn gạo thay vì 3,1 triệu tấn như dự báo cũ. Năm 2021, Philippines chỉ nhập 2,95 triệu tấn gạo.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt gần 2,3 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 49% về lượng và tăng 33,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ấn Độ gia hạn thời gian xuất khẩu gạo tấm thêm 15 ngày, gạo Việt xuất khẩu vẫn có rủi ro - Ảnh 2.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022 cả nước xuất khẩu 718.081 tấn gạo, tương đương 339,56 triệu USD, giá trung bình 472,9 USD/tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng 19% kim ngạch, nhưng giá giảm nhẹ 3,4% so với tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 thì tăng mạnh 44,4% về lượng, tăng 40% kim ngạch nhưng giảm 3% về giá.

Trong báo cáo tháng 9 mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 508 triệu tấn xay xát, giảm 4,4 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 7 triệu tấn (1,4%) so với niên vụ 2021-2022. Đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ niên vụ 2015-2016.

Với sự điều chỉnh này, tổng nguồn cung toàn cầu (gồm sản lượng và tồn kho) trong niên vụ 2022-2023 dự báo đạt 692,9 triệu tấn, giảm 1,5%, tương ứng 10,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Đây là sự sụt giảm nguồn cung gạo lần đầu tiên kể từ vụ 2004-2005 nhưng vẫn là mức cao thứ hai trong lịch sử.

Trái ngược với sự sụt giảm về nguồn cung, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 519,3 triệu tấn, tăng 0,6 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

Trong tháng 9, tiêu thụ gạo của Ấn Độ dự kiến tăng gần 1,8 triệu tấn so với dự báo trước lên 109,2 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn so với kỷ lục 109,5 triệu tấn của niên vụ 2021-2022. Điều chỉnh này chủ yếu dựa trên việc Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục thu mua lượng lớn lúa mì và gạo để trợ cấp cho người dân có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, tiêu thụ cũng được dự báo tăng tại Bangladesh, Nepal, Nigeria, Philippines và Thái Lan.

Theo USDA, thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2023 dự báo đạt 53,7 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 1% so với năm 2022. Đây là sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2019.

Xuất khẩu của Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới sẽ giảm xuống còn 20,3 triệu tấn trong năm 2022 và 20 triệu tấn trong năm 2023 so với mức 21,2 triệu tấn năm 2021. 

USDA cho rằng sự sụt giảm của Ấn Độ sẽ được bù đắp phần nào bởi sự gia tăng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu của Thái Lan dự báo tăng từ 6,1 triệu tấn năm 2021 lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và 8 triệu tấn năm 2023. Xuất khẩu của Việt Nam cũng được dự báo tăng từ 6,3 triệu tấn của năm 2021 lên 6,7 triệu tấn năm 2022 và 6,8 triệu tấn năm 2023.

Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2023 dự báo giảm 500.000 tấn so với dự báo trước và giảm 200.000 tấn so với năm 2022, xuống còn 5,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ.

Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với 3,3 triệu tấn trong năm 2023, tăng 200.000 tấn so với dự báo trước nhưng thấp hơn 100.000 tấn so với năm 2022.

Ngoài ra, Australia, Bangladesh, Benin, Campuchia, Costa Rica, Ai Cập, Guinea, Iraq, Madagascar, Mali, Senegal, Sri Lanka và Việt Nam dự kiến nhập khẩu gạo ít hơn vào năm 2023.

Nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ở một số nước như Afghanistan, Bờ Biển Ngà, Cuba, Ecuador… Đặc biệt, EU và Mỹ dự kiến nhập khẩu kỷ lục vào năm 2023. 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục