Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc: Đừng vì lợi trước mắt, đánh mất cơ hội lâu dài

Duy Hậu Chủ nhật, ngày 18/09/2022 13:45 PM (GMT+7)
Sầu riêng Việt Nam nói chung, sầu riêng Đắk Lắk nói riêng vừa có một bước ngoặt lịch sử. Chuyến hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã chính thức lăn bánh.
Bình luận 0

Hành trình không mệt mỏi

Một sự kiện đánh dấu một bước ngoặt mới của sầu riêng Việt Nam vừa được diễn ra tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) hôm 17/9.  

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch: Đừng vì lợi trước mắt, đánh mất cơ hội lâu dài - Ảnh 1.

Lô hàng sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk đã chính thức lên đường sang Trung Quốc theo đường chính ngạch chiều 17/9. Ảnh: Duy Hậu.

Đấy là lễ công bố xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Sau sự kiện này, gần 20 container đã lăn bánh, đưa những quả sầu riêng tươi đầu tiên của Đắk Lắk lên đường đến thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, để sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và Trung Quốc đã nỗ lực đàm phán suốt một thời gian dài. Kết quả đó còn đến từ sự đồng hành kiên trì của cộng đồng người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, nơi có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 của cả nước, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng doanh nghiệp, người trồng sầu riêng trong suốt một hành trình dài.

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch: Đừng vì lợi trước mắt, đánh mất cơ hội lâu dài - Ảnh 2.

Chuyến xe đưa lô sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã lăn bánh. Ảnh: Duy Hậu.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, nhận thấy tiềm năng và cơ hội to lớn trong việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, từ năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền từ tỉnh tới địa phương khẩn trương hỗ trợ, tạo điều kiện để hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của phía Trung Quốc.

Cụ thể, địa phương đã triển khai nhanh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng các quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu đến các doanh nghiệp và người sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh.

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch: Đừng vì lợi trước mắt, đánh mất cơ hội lâu dài - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cơ quan chuyên môn đã có một thời gian dài đàm phán với nước bạn. Ảnh: Duy Hậu.

Song song với đó, địa phương đã khẩn trương thiết lập và xây dựng vùng trồng tại các huyện, thị xã, thành phố trọng điểm về cây ăn quả; Xây dựng các đề án "Phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ giai đoạn 2025, tầm nhìn 2030", "Mã số vùng trồng cho một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2030"; xây dựng kế hoạch hành động sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường.

Không chỉ các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp mà với người dân, doanh nghiệp để có sản phẩm sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, họ cũng đã trải qua hành trình không ít gian nan.

Lãnh đạo một công ty được xuất khẩu sầu riêng trong đợt đầu tiên này nói: "Chúng tôi đã mất hàng chục tỷ đồng, tốn rất nhiều thời gian để xây dựng mã vùng trồng. Vận động người dân tham gia vào hợp tác xã đã không dễ, làm sao để họ canh tác sầu riêng đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu lại càng khó".

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch: Đừng vì lợi trước mắt, đánh mất cơ hội lâu dài - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thăm người trồng sầu riêng tại Đắk Lắk hôm 17/9. Ảnh: Duy Hậu.

Ông Nguyễn Văn Sơn (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk)- một nông dân có vườn sầu riêng được cấp mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu lần này- cho biết: "Để làm ra một trái sầu riêng đã không hề dễ dàng và càng khó khăn hơn khi làm ra một trái sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Nếu không kiên trì, tư duy chỉ muốn "ăn xổi" thì nông dân không thể làm nổi. Chỉ riêng việc bón phân gì, bón thời điểm nào... cũng đã là một vấn đề chứ chưa nói đến những chuyện khác".

"Đừng để cái lợi trước mắt, mà đánh mất cơ hội lâu dài"

Ông Y Giang Gry khẳng định, sự kiện quả sầu riêng tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho sầu riêng Việt Nam. Đây là minh chứng chất lượng sản phẩm sầu riêng Việt Nam đã được nâng lên.

Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, là cơ hội để nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị sầu riêng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch: Đừng vì lợi trước mắt, đánh mất cơ hội lâu dài - Ảnh 5.

Sự kiện sầu riêng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã khẳng định chất lượng sầu riêng Việt Nam. Ảnh: Duy Hậu.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ vì các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nói: "Lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không phải đích đến cuối cùng, mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hoá".

Thế nhưng theo Bộ trưởng, sau sự kiện này vẫn còn ngổn ngang những câu hỏi: Sau sự kiện hôm nay, rồi sao nữa? Cánh cửa thông quan chính ngạch đã được mở ra, nhưng vẫn luôn có thể bị đóng lại bất cứ lúc nào, nguy cơ mất thị trường vẫn luôn hiện hữu, nếu các yêu cầu kỹ thuật bị vi phạm?...

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, từ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cho đến các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương cần tránh tâm lý nóng vội, chủ quan.

"Cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng"- Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nông nghiệp xanh, kinh tế kết nối hiện nay, tư duy "đi cùng nhau" là yêu cầu bắt buộc. Trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải chung sức chung lòng, hợp tác để cùng đi lên.

Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước cần "đi cùng nhau" trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư để xây dựng thương hiệu Sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế, đồng thời có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói thêm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhắn nhủ: "Đừng để cái lợi trước mắt mà đánh mất cơ hội lâu dài". Nông dân, doanh nghiệp và cơ quan chuyên ngành cần "ngồi cùng nhau" để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho nhau. Đặc biệt là cùng nhau bàn bạc để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam đủ sức vươn tầm thế giới.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem