Chuyến sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk lên đường xuất khẩu sang Trung Quốc

Duy Hậu Thứ bảy, ngày 17/09/2022 14:42 PM (GMT+7)
Chiều nay, 17/9, chuyến sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk sẽ được xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, mở ra cơ hội mới cho người trồng sầu riêng Đắk Lắk.
Bình luận 0

Nỗ lực không ngừng đưa sầu riêng Đắk Lắk ra "biển lớn"

Chiều nay, 17/9, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức buổi lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên sang Trung Quốc. Sự kiện này đã mở ra cho người trồng sầu riêng Đắk Lắk một cơ hội mới.

Chuyến sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk lên đường xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Chuyến sầu riêng Đắk Lắk đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ xuất phát vào chiều nay 17/9.

Nhưng để có được thành quả này, cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải trải qua một quá trình không hề dễ dàng.

Ông Nguyễn Văn Sơn (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) nói với chúng tôi: "Để làm được một trái sầu riêng đã khó, làm thế nào để quả sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu càng khó hơn".

Hơn 10 năm làm sầu riêng, ông Sơn không thoát khỏi những thăng trầm. Ban đầu, khi chưa nắm vững được kỹ thuật, không chỉ ông Sơn mà những nông dân khác cũng chỉ "làm theo quán tính". Họ cứ trồng, khi có trái, ai mua thì bán. Do vậy, giá cả quả sầu riêng thế nào đều do thương lái quyết định.

Chuyến sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk lên đường xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Để có những quả sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, người trồng sầu riêng trải qua không ít gian nan. Ảnh: Duy Hậu.

"Từ khi tôi liên kết với công ty, sản phẩm sầu riêng của gia đình có đầu ra, giá cả ổn định hơn. Đặc biệt hiện nay, khi vườn sầu riêng được công ty liên kết xây dựng mã vùng trồng và được phía Trung Quốc chấp thuận cho nhập khẩu, giá sầu riêng đã tăng lên"- ông Sơn nói.

Nhiều nông dân khác cũng cho chúng tôi biết, không dễ dàng gì để làm được quả sầu riêng đạt chuẩn. Đấy là cả một quá trình nỗ lực không ngừng. Nông dân không thể sản xuất nhỏ lẻ mà phải liên kết để sản xuất.

Đồng thời, để có quả sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân gì, thời điểm nào...đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình.

Với doanh nghiệp, việc xây dựng được một mã vùng trồng cũng không hề đơn giản. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) hoạt động ở Đắk Lắk đã hơn 10 năm nay.

Chuyến sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk lên đường xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 3.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên ở Đắk Lắk quan tâm đến việc xây dựng mã vùng trồng để hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: Duy Hậu.

Ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc công ty này cho chúng tôi biết, từ năm 2018, đơn vị đã quan tâm đến việc xuất khẩu chính ngạch. Do đó, đơn vị đã phối hợp với người nông dân, hợp tác xã để xây dựng mà vùng trồng.

Nhưng theo ông Vũ Ngọc Huy- Phó Tổng giám đốc công ty, để xây dựng được một mã vùng trồng không hề đơn giản. Khó khăn nhất là công tác vận động nông dân tham gia. Không chỉ đơn giản chỉ bỏ tiền bạc, công sức mà đó là cả một quá trình dài.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nói với chúng tôi: "Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch chúng tôi đã chuẩn bị từ 2-3 năm trước. Đặc biệt là chúng tôi chuẩn bị mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cũng như các tiêu chuẩn mà nước bạn yêu cầu".

Không ngừng nâng cao chất lượng

Đắk Lắk là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Tiền Giang) về diện tích sầu riêng. Hiện tỉnh này có khoảng 17.000ha sầu riêng. Sản lượng trung bình hàng năm lên 150.000 tấn, dự kiến sản lượng sẽ tăng lên gấp đôi sau 8 năm nữa.

Chuyến sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk lên đường xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 4.

Ông Đoàn Thanh Hải vui mừng khi biết thông tin sầu riêng Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Duy Hậu.

Tuy nhiên, hiện nay Đắk Lắk có mới được cấp 66 mã vùng trồng với diện tích khoảng 1.400 ha. Sau Nghị định thư được ký kết với Trung Quốc, tại Đắk Lắk có 23 mã vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng. Như vậy, sản lượng sầu riêng của Đắk Lắk chưa được xuất khẩu chính ngạch không hề nhỏ.

Ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho chúng tôi biết: "Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các hợp tác xã, những người trồng sầu riêng canh tác những vườn sầu riêng đạt tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu".

Chuyến sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk lên đường xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 5.

Nhiều năm qua, ông Đoàn Thanh Hải quan tâm đến việc sản xuất sầu riêng theo hướng an toàn thực phẩm. Ảnh: Duy Hậu.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk- địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực ra để xuất khẩu được sầu riêng sang Trung Quốc, chúng ta đã phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu khắt khe. Đặc biệt là sầu riêng phải có mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, đặc biệt là các tiêu chuẩn về bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cho người dân trồng sầu riêng để làm sao ngày càng nâng cao giá trị sản phẩm, nâng tầm sầu riêng Krông Pắk lên"- bà Trinh nói.

Về phía người dân, trước việc Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, ai cũng vui mừng.

Ông Đoàn Thanh Hải (thôn Tân Thành, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) nói với chúng tôi: "Không chỉ bản thân mà tất cả người dân khi nghe được thông tin sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đều rất vui mừng.

Những năm qua, gia đình luôn sản xuất sầu riêng theo hướng an toàn cho người tiêu dùng và sẽ tiếp tục duy trì hướng sản xuất này để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng của mình".




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem