Xót xa chuyện "anh hùng áo trắng" cứu bệnh nhân, hết dịch ngồi viết giải trình

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 29/05/2023 13:31 PM (GMT+7)
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu thực tế xót xa, ở thời điểm dịch bùng phát, các bác sĩ được coi như "anh hùng áo trắng"; nhưng hết dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian của họ là viết báo cáo giải trình.
Bình luận 0

Câu chuyện xót xa được đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) kể trên nghị trường Quốc hội sáng 29/5, khi thảo luận về Báo cáo huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Xót xa chuyện "anh hùng áo trắng" cứu bệnh nhân, hết dịch ngồi viết giải trình - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Quốc hội

Nhắc đến "lòng tham" của một số cán bộ, kể cả người có chức, có quyền trong đại dịch, đại biểu Thông cho rằng những người này đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, đất nước để cấu kết làm trái quy định của pháp luật, làm giàu bất chính. Và kết quả, họ đã bị xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, thực tế việc xử lý vẫn còn nhiều bất cập. Ông Thông kể lại tâm sự của một bác sĩ khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đi giám sát chuyên đề nói trên, ông cho rằng đây cũng là tâm tư của rất nhiều y bác sĩ thời gian qua.

Cụ thể, bác sĩ đó nói rằng trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ đã cố gắng hết sức mình, động viên nhau làm mọi cách, mọi biện pháp để có thuốc, có ô xy, có sinh phẩm cứu bệnh nhân vì sinh mệnh con người là quý nhất. Ở thời điểm đó, xã hội coi họ là "anh hùng áo trắng". 

Tuy nhiên, khi hết dịch, qua vụ án Việt Á và các vụ án có liên quan, hình ảnh những ảnh những anh hùng áo trắng không còn nữa và nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí, công sức của nhiều y, bác sĩ, các nhà quản lý y tế lại là viết báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng.

Theo ông Thông, khi bác sĩ này làm việc với cơ quan chức năng, thành viên trong đoàn đã nói rằng: "Trước tiên tôi xin cám ơn các anh vì đã cứu gia đình tôi trong cuộc chiến Covid-19. Nếu không có các anh thì mẹ tôi, con tôi, gia đình tôi đã không qua khỏi, nhưng trong quá trình đó các anh đã không làm đúng quy định của pháp luật nên chúng tôi buộc phải xử lý"…

Theo ông Thông, các y bác sĩ ghi nhận việc Trung ương đã ban hành những hướng dẫn xử lý, phân hóa trong xử lý những vụ việc như Việt Á, giúp nhiều người không vướng vòng lao lý, nhưng "nếu chỉ đạo trên có sớm hơn thì hay biết bao nhiêu".

Một nỗi lo đau đáu khác được đại biểu đề cập là làm sao trả nợ vật tư y tế, oxy, thuốc men trong tình hình cấp thiết đã mượn trước đây, bây giờ các doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng không có cơ sở để hoàn trả.

Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, lĩnh vực này vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", cơ chế tài chính chậm đổi mới, điều kiện về thuốc, trang thiết bị chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ được giao, nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến huy động, phân bổ, quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch; có cơ chế riêng để thực hiện việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch khi dịch xuất hiện, tránh bị động, bất ngờ, lúng túng.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có chỉ đạo để các cơ quan, đơn vị hữu quan giải quyết, thanh toán việc mua sắm, mượn vật tư y tế phục vụ việc chống dịch. Ngoài ra, cần nâng số lượng biên chế ở các trạm y tế cấp cơ sở để đảm bảo hoạt động hiệu quả phục vụ người dân, tăng cường đầu tư trang thiết bị ở tuyến cơ sở để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại các trạm y tế.

Báo cáo của Đoàn giám sát gửi Quốc hội nêu rõ, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong 2 năm 2020 và 2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.

Trong đó có một số đơn vị mua kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á giá trị lên tới hơn 2.161 tỉ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).

Đến đầu tháng 5/2023, theo báo cáo của Bộ Công an, các cơ quan điều tra đã khởi tố 30 vụ án, 107 bị can.

Trong đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố 1 vụ án, 31 bị can; Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố 1 vụ án, 5 bị can.

Cơ quan cảnh sát, điều tra của 25 tỉnh, thành phố đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can. Vụ án cũng đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

Báo cáo đề nghị khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem