Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Cùng một bệnh, ở xã dùng thuốc 100 đồng, lên huyện đắt hơn

Gia Bình Thứ hai, ngày 29/05/2023 09:53 AM (GMT+7)
Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu cho rằng sự bất hợp lý về chính sách đang bóp nghẹt y tế cơ sở, ví dụ cùng một bệnh nền nhưng ở trạm y tế xã dùng thuốc 100 đồng, lên huyện hoặc tỉnh dùng loại đắt hơn.
Bình luận 0

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Là người phát biểu đầu tiên, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) đề nghị công bố hết dịch Covid-19 và chuyển nó sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Lý do, người tử vong vì Covid rất thấp, chỉ còn ở người có bệnh nền nặng.

Thứ 2, nước ta có tỷ lệ bao phủ vắc xin rộng với 266 triệu liều và mũi thứ 4 đã tiêm cho người trên 18 tuổi có nguy cơ cao. Ngoài ra, Covid – 19 trên thế giới "đã ổn định" khi đầu tháng 5, WHO công bố nó không còn là tình trạng khẩn cấp.

"Như vậy có thể chuyển Covid -19 từ nhóm A (nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao) sang nhóm B (nguy hiểm, có thể gây tử vong) và khi đó cần coi nó là bệnh chuyên khoa, việc chi trả chuyển sang bảo hiểm y tế hoặc người dân tự chi trả", đại biểu đánh giá.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Cùng một bệnh, ở xã dùng thuốc 100 đồng, lên huyện đắt hơn - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu sáng 29/5. Ảnh: Quochoi.

Cũng theo ông Nguyễn Lân Hiếu, Bộ Y tế nên giao trang thiết bị phục vụ phòng, chống Covid - 19 được mua sắm, cho tặng trong giai đoạn qua về các bệnh viện, địa phương sử dụng để tránh lãnh phí.

Với y tế dự phòng, đại biểu cho rằng khó khăn nổi trội là nhân lực, thu nhập, chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất nhưng: "Theo tôi, việc tăng lương và mua sắm không giải quyết tận gốc vấn đề bởi lương không thể tăng mãi, cơ sở khang trang không bệnh nhân, máy hiện đại không ai biết dùng sẽ lãng phí lớn".

Ông phân tích, y tế xã có 2 nhiệm vụ chính, thứ nhất là dự phòng, tiêm chủng, phòng chống dịch, tuyên truyền; thứ 2 là chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý bệnh mãn tính, sơ cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ 2 đang "ngày càng teo tóp" khiến nhiệm vụ 1 khó khăn hơn.

"Dự phòng là quan trọng nhưng chữa bệnh là cơ sở để y tế dự phòng có đủ sức tồn tại, phát triển trong nền kinh tế thị trường hôm nay. Sự bất hợp lý chính sách đã bóp nghẹt phát triển của y tế dự phòng. Không lý gì cùng một bệnh nền, ở y tế xã chỉ dùng thuốc hạ huyết áp giá 100 đồng trong khi lên tỉnh thì thuốc đắt hơn được dùng".

Khó khăn về chính sách còn thể hiện ở chỗ: "Một đêm trực, thù lao không đáng là bao, 27.000 đồng và bị trừ ngược trừ xuôi".

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Cùng một bệnh, ở xã dùng thuốc 100 đồng, lên huyện đắt hơn - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 29/5. Ảnh: quochoi.

Để hệ thống y tế dự phòng không bị teo tóp, đại biểu Hiếu cho rằng cần thực hiện mô hình mới, coi trạm y tế xã phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện; các tiêu chuẩn, con người là tương đương nhau; các bác sĩ, nhân viên y tế huyện sẽ có buổi khám ngoại trú ở xã phường.

Các địa phương cần tính toán chi tiết, "may đo cẩn thận, không mặc đồng phục cho tất cả trạm y tế", như trạm trưởng giỏi về siêu âm, cần đầu tư máy cho phát huy; y sĩ giỏi châm cứu cần phương tiện cho triển khai.

Cuối cùng theo ông Hiếu, cần số hóa ngành y tế bởi khám chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Công nghệ thông tin còn giúp nhiều cho đào tạo nhân lực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem