Vì sao lãi sau thuế của "ông lớn" DAP - Vinachem giảm tới 80%?

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 22/01/2024 09:44 AM (GMT+7)
Do kết quả thấp của các quý đầu năm 2023 nên DAP - Vinachem chỉ lãi sau thuế 70 tỷ đồng năm 2023, giảm 80% so với năm trước đó và thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Doanh thu thuần đạt 3.210 tỷ đồng, giảm 2%.
Bình luận 0

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, doanh thu thuần của Công ty cổ phần DAP - Vinachem (Mã: DDV) đạt 835 tỷ đồng, tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm gần 9%.

DAP - Vinachem cho biết trong quý IV, sản lượng DAP tiêu thụ đạt 61.649 tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Tuy sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng giá bán bình quân quý IV của công ty lại giảm với số tiền hơn 2 triệu đồng/tấn, tương ứng mức giảm tỷ lệ 13,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Các khoản giảm trừ doanh thu trong quý IV/2023 là hơn 10,5 tỷ đồng, giảm so với quý IV/2022, do ba tháng cuối năm 2023 chủ yếu là hàng xuất khẩu không phát sinh chiết khấu thương mại.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán kỳ này là hơn 713 tỷ đồng, giảm 8,8%. Giá vốn hàng bán giảm trong khi sản lượng tiêu thụ lại tăng, chủ yếu là do giá một số nguyên liệu chính kỳ này giảm sâu so với cùng kỳ năm trước (lưu huỳnh giảm 61%, Amoniac giảm 41,5%,…). Bên cạnh đó, kỳ này phát sinh hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho với số tiền hơn 15,7 tỷ đồng cũng là nguyên nhân làm giá vốn hàng bán giảm so với cùng kỳ năm trước.

Từ đó giúp biên lãi gộp của DAP - Vinachem cải thiện từ 3% cùng kỳ lên 14,4% quý IV/2023.

Trừ các chi phí hoạt động, DAP - Vinachem báo lãi sau thuế hơn 62 tỷ đồng, gấp 8,7 lần cùng kỳ và cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây.

Do kết quả thấp của các quý đầu năm nên công ty chỉ lãi sau thuế 70 tỷ đồng năm 2023, giảm 80% so với năm trước đó và thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Doanh thu thuần đạt 3.210 tỷ đồng, giảm 2%.

Vì sao lãi sau thuế của "ông lớn" DAP - Vinachem giảm tới 80%?- Ảnh 1.

Dù kết quả khả quan trong quý IV nhưng do kết quả thấp của các quý đầu năm nên DAP - Vinachem chỉ lãi sau thuế 70 tỷ đồng cả năm 2023 và là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Vì sao lãi sau thuế của "ông lớn" DAP - Vinachem giảm tới 80%?- Ảnh 2.

Dù kết quả khả quan trong quý IV nhưng do kết quả thấp của các quý đầu năm nên DAP - Vinachem chỉ lãi sau thuế 70 tỷ đồng cả năm 2023 và là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trước đó, DAP – Vinachem thường xuyên ghi nhận lợi nhuận “khủng”. Đặc biệt là trong 2 năm tài chính 2021 và 2022, khi lợi nhuận doanh nghiệp này lần lượt là 191 tỷ đồng và 357 tỷ đồng. Riêng, trong quý I/2022 và quý II/2022 doanh nghiệp này báo lãi mỗi quý quanh ngưỡng 150 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến quý IV/2022, khi thị trường phân bón gặp khó khăn, giá phân bón xuống thấp, hoạt động kinh doanh của DAP – Vinachem bắt đầu ảm đạm. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp “bốc hơi” mạnh, bất chấp việc doanh thu thuần vẫn đi ngang.

Cuối năm 2023, tổng tài sản của DAP - Vinachem còn 1.924 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, mức giảm chính đến từ các khoản phải thu ngắn hạn (giảm 62% về 147 tỷ đồng) và hàng tồn kho (giảm 42% về 326 tỷ đồng). Nếu so với cuối quý III, hai chỉ tiêu này lần lượt tăng 7% và giảm 15%.

Vì sao lãi sau thuế của "ông lớn" DAP - Vinachem giảm tới 80%?- Ảnh 3.

Cuối năm 2023, tổng tài sản của DAP - Vinachem còn 1.924 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm.

Sau một thời gian tăng mạnh và lập đỉnh vào tháng 5/2022, giá phân bón chịu áp lực giảm mạnh, các chuyên gia kỳ vọng giá phân bón sẽ tăng trở lại do Trung Quốc đã kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu.

Cụ thể, Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước, cùng với đó Nga cũng gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5 để bảo vệ thị trường nội địa.

Trong khi đó, sản xuất ure ở EU dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp do giá thành sản xuất ure ở khu vực này vẫn cao hơn nhiều so với chi phí nhập khẩu ure từ Ai Cập.

Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.

Tại thị trường trong nước, các chuyên gia dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2024 sẽ tăng chậm so với năm 2023. Nhu cầu tiêu thụ nội địa được dự đoán tăng vào quý IV/2023 và quý I/2024 khi bước vào vụ Đông Xuân, song vụ mùa năm nay đến trễ, bắt đầu cuối tháng 11.

Việc thiếu nguồn cung, tăng giá phân bón toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường và hoạt động sản xuất trong nước do nguồn phân bón đang được sử dụng ở nước ta chủ yếu là nhập khẩu từ bên ngoài. Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 4,12 triệu tấn, trị giá trên 1,41 tỷ USD, giá trung bình đạt 342,9 USD/tấn.

Trong bối cảnh thị trường phân bón trên thế giới liên tục biến động, các ban ngành, cơ quan đang đưa ra nhiều phương án để tăng cường sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung và giữ vững bình ổn giá cả.

Được biết, mảng DAP, công suất sản xuất toàn mảng vào khoảng gần 1 triệu tấn/năm. Thị trường phân mảnh. Các doanh nghiệp thị phần lớn bao gồm: DAP – Vinachem, Apromaco và Hà Anh...

Giá phân bón tổng hợp DAP và MAP được dự báo sẽ cao hơn dự kiến trước đây – mặc dù có mức độ biến động lớn hơn trong những tháng đầu năm 2024 do lệnh hạn chế xuất khẩu mới nhất của Trung Quốc dự kiến kéo dài đến tháng 4 sau khi kết thúc vụ mùa xuân trong nước.

Công ty cổ phần DAP - VINACHEM tiền thân là Công ty TNHH MTV DAP - Vinachem, được thành lập ngày 24/07/2008 theo quyết định của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất VN). Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ ngày 01/01/2015. Ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem