Về đồng ruộng săn cua

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ sáu, ngày 15/05/2015 15:10 PM (GMT+7)
Người miền Tây có câu “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng. Về sông ăn cá về đồng ăn cua” nhằm ca ngợi một vùng đất trù phú, cá tôm hào sảng, nhất là cá sông và cua đồng.
Bình luận 0

Trong ký ức của tôi, mỗi lần mưa xuống, ngoài đồng nước dâng cao là bọn trẻ rủ nhau ra đồng bắt cua bắt ốc. Ngày đó cua nhiều vô kể, nhiều đến nỗi người ta bắt đem phơi khô bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc với giá rẻ như bèo. Còn với bọn trẻ chúng tôi, chỉ cần đi một lát là trở về đầy giỏ.

Hấp dẫn nhất là vào mùa nắng, mỗi đứa một cây móc sắt rủ nhau đi thụt hang, hang nào sâu quá thì dùng móc để kéo cua ra. Mọi người tha hồ mà bắt, từ cua yếm lột (cua sữa) cho đến cua kềnh càng. Tuy bắt nhiều song ăn chẳng bao nhiêu. Nếu có ăn, lũ nhỏ cũng chỉ chọn càng cái để nướng. Phần đông trẻ con ra đồng vì ham vui, thích hòa mình vào thiên nhiên hơn là đánh bắt.

img
Em bé đi móc cua đồng.
Đó là chuyện của vài ba thập kỷ trước, còn bây giờ thì cá và cua sống ngoài tự nhiên không còn nhiều khiến cho bà con nông ngư dân phải vất vả lắm mới bắt được chúng. Ngày nay, muốn bắt được nhiều cua người ta phải đợi mực nước lên cao để đặt dớn, đặt lú, đặt lờ, lọp.  
 
Trước đây, cua là món ăn dân dã chỉ dành cho người nghèo và là món ăn chơi của trẻ con miệt đồng. Còn bây giờ, các món ăn chế biến từ cua đã chiếm vị trí hàng đầu trong bữa cơm gia đình. Hiện nay, cua đồng, ngoài việc sử dụng càng, thịt, nhiều người còn chế biến thành riêu cua để tung ra thị trường và mặt hàng nầy hiện đã có mặt tại một số siêu thị.
            
Hiện tại các xã dọc theo biên giới, kinh Vĩnh Tế - An Giang và Đồng Tháp Mười… số người chuyên sống bằng nghề bắt cua lên đến hàng trăm. Tới mùa nước nổi họ tất bật chuẩn bị ghe xuồng, đồ nghề để ra đồng đánh bắt. Nhiều nông dân ở An Phú, Tịnh Biên còn bơi xuồng qua khỏi biên giới Campuchia để thuê mặt nước đặt lọp, không khí diễn ra thật tưng bừng và náo nức.
           
Cua bắt được, bà con thường mang ra các chợ đầu mối để tuyển chọn, phân loại và vô bao trước khi giao cho thương lái. Có thể nói An Giang và Đồng Tháp là nơi có nhiều chợ cua đồng nhất miền Tây.  
         
Nói là chợ, thật ra chỉ khoảng mươi người nhóm họp. Tuy nhiên, không khí cũng không kém phần ồn ào, tấp nập. Kẻ bơi xuồng, người dùng xe thồ hoặc xe ba gác rộn ràng như một ngày hội cua đồng.  
          
Cua miền Tây, một phần chuyển đi các vựa đầu mối để phân phối cho các nhà hàng, quán ăn và người tiêu thụ, một phần chuyển lên TP.HCM. Số còn lại bà con xay riêu cua. Trước khi xay bột riêu, người ta rửa cua cho sạch, bóc bỏ vỏ yếm, gỡ mai, nạo lấy gạch để riêng, sau cùng cho tất cả vào máy xay cho thật nhuyễn, đóng gói, mướp lạnh để phân phối cho khách hàng.  

Thế là chỉ trong vòng vài ngày, con cua từ bưng biền đã về tới chợ, qua cơ sở chế biến rồi vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số để hiện diện trong các nhà hàng, quán ăn, biến thành các món ngon đặc sản, không phân biệt người giàu kẻ nghèo. Ai thưởng thức món lẩu cua, canh cua rau đay, rau mồng tơi, đặc biệt là tô bún riêu đậm đà hương vị đồng bằng đều cảm thấy nhớ đời. Không biết những lúc đó họ có nghĩ tới những người chân đất vai gầy, dầm mưa dãi nắng ôm lọp ra đồng đổ từng lọp cua hay không ?
img
Ghe xuồng đi đặt lọp cua giữa đồng.
img
Cua đồng tại một xã biên giới ở An Giang.
img
Cua đồng xay nhuyễn để chế biến riêu cua.
img
Cua đồng chuẩn bị chuyển đi xa.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem