Trồng loại củ ngon, ăn tốt cho tim mạch, bổ sung canxi, nông dân một xã ở Lào Cai có thu nhập tốt

Quang Phấn - Mùa Xuân Chủ nhật, ngày 26/11/2023 05:23 AM (GMT+7)
Bén rễ ở vùng đất xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai từ nhiều năm nay, sản phẩm khoai môn hiện đã và đang được nhiều người tiêu dùng biết đến. Khoai môn là loại củ ngon, dễ chế biến và ăn tốt cho sức khỏe, cung cấp dinh dưỡng, tốt cho tim mạch, bổ sung canxi...
Bình luận 0


Clip: Nông dân xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thu hoạch khoai môn.

Đưa khoai môn trở thành sản phẩm hàng hóa

Những năm trước đây, người dân xã Cốc Mỳ chủ yếu trồng khoai môn nhỏ lẻ để phục vụ cuộc sống trong gia đình và làm thức ăn chăn nuôi. 

Thế nhưng những năm gần đây, nhận thấy giống cây khoai môn sinh trưởng, phát triển tốt trên đất nương đồi và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, từ đó, các hộ dân đã nhân rộng diện tích và trồng khoai môn theo hướng hàng hóa.

Cùng với đó, xã Cốc Mỳ đã định hướng cho bà con nông dân chuyển từ một số giống cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp chuyển sang chuyên canh cây khoai môn. 

Các hoạt động đó của xã đang từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định.

Hưởng ứng chủ trương của xã, gia đình chị Hoàng Thị Vinh, thôn Ná Lùng đã chuyển đổi 0,5 ha đất trồng ngô hàng năm để trồng cây khoai môn. Sau 5 tháng chăm sóc đã cho thu hoạch.

Chị Hoàng Thị Vinh, thôn Ná Lùng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ: Cây khoai môn trồng khá dễ, ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt và không mất nhiều công chăm sóc. Thời gian thu hoạch cũng nhanh nên khá phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của người dân.

Khoai môn bén rễ trên đất dốc vùng biên Lào Cai - Ảnh 2.

Khoai môn bén rễ vùng đất xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: A Minh.

Để cây khoai môn cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, người trồng chỉ cần chú ý làm sạch cỏ, bón phân đúng thời điểm để cây sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh gây hại. Với giá bán củ dao động từ 12.000 - 17.000 đồng/kg, thu nhập từ trồng khoai môn cao gấp 2 - 3 lần so với trồng sắn, trồng ngô.

Khoai môn bén rễ trên đất dốc vùng biên Lào Cai - Ảnh 3.

Nông dân xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thu hoạch khoai môn. Ảnh: Quang Phấn.

Cũng như chị Vinh, gia đình bà Đặng Thị Lan, thôn Ná Lùng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát cũng trồng cây khoai môn từ nhiều năm nay bảo: Cây khoai môn bén rễ ở vùng đất này từ hơn chục năm nay, gia đình tôi trồng được 0,5 ha.

Với diện tích này, gia đình tôi đã thu hoạch và bán được hơn 1 tấn củ, giá từ 15 - 20.000 đồng/kg củ loại trắng; loại tím 30.000 nghìn đồng/kg, thu về hơn 20 triệu đồng. Dự kiến hết vụ năm nay, gia đình tôi sẽ thu được 3 tấn củ khoai môn trắng, tím.

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai và Chương trình 38 của Huyện ủy Bát Xát, khoai môn là cây trồng được xã Cốc Mỳ xác định là 1 trong 4 cây trồng chủ lực của xã. Hiện, toàn xã có khoảng 17,5 ha cây khoai môn, được trồng chủ yếu tại các thôn Ná Lùng, Vĩ Kẽm; sản lượng trung bình đạt 18 tấn/ha.

Xây dựng khoai môn thành sản phẩm OCOP

Dự kiến năm 2024, xã Cốc Mỳ sẽ mở rộng diện tích lên trên 30 ha tại các thôn trên địa bàn xã để tạo vùng nguyên liệu ổn định, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Để hướng sản phẩm khoai môn đạt tiêu chuẩn OCOP, xã Cốc Mỳ đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành xây dựng đề án, hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu đến năm 2024 sản phẩm khoai môn Cốc Mỳ sẽ được chứng nhận là sản phẩm OCOP của địa phương.

Khoai môn bén rễ trên đất dốc vùng biên Lào Cai - Ảnh 4.

Sản phẩm khoai môn hiện đang được bán với giá từ 15.000 đồng/kg trở lên. Ảnh: Quang Phấn.


Ông Phàn A Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho biết: “Để đưa sản phẩm khoai môn ra thị trường, UBND xã đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai làm quy trình để được công nhận khoai môn thành sản phẩm OCOP. Trước mắt đã hoàn thiện việc thành lập Tổ liên kết sản xuất, giấy chứng nhận kinh doanh và đang thực hiện các bước tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2024, sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP”.

Khoai môn bén rễ trên đất dốc vùng biên Lào Cai - Ảnh 5.

Khoai môn đang được người dân xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát trồng theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập. Ảnh: Quang Phấn.

Để phát triển các sản phẩm OCOP, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát tăng cường các hoạt động tham mưu UBND huyện hỗ trợ xây dựng, nâng cấp sản phẩm OCOP trên địa bàn. 

Tập trung sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và chế biến sâu, xây dựng mô hình sản xuất nhỏ và vừa, các HTX sản xuất sản phẩm OCOP.

Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết: “Huyện đang xác định những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. 

Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, định hướng cho các HTX và các đơn vị doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết 26 của tỉnh cũng như các nguồn vốn lồng ghép xã hội hóa và các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết; đồng thời hỗ trợ, thuê đơn vị tư vấn xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mã vùng trồng và chuyển đổi số, tiến tới đưa toàn bộ sản phẩm OCOP của huyện lên các sàn thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương”.

Khoai môn bén rễ trên đất dốc vùng biên Lào Cai - Ảnh 6.

Khoai môn đang được xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Thị Mến.

Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu, tin rằng sản phẩm khoai môn sẽ trở thành sản phẩm OCOP, nâng cao thương hiệu và giá trị sản phẩm; tạo sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững.

Chất xơ có trong củ khoai môn có công dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nhờ vào quá trình giải phóng insulin và glucose trong cơ thể.

Khoai môn là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, đáp ứng nhu cầu của cơ thể về lượng chất xơ cần thiết. Bằng cách bổ sung chúng vào chế độ ăn hàng ngày, bạn có thể hỗ trợ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem