Lên vùng Tân Văn của Lâm Đồng xem người K'Ho trổ tài nuôi tằm trồng dâu

Văn Long Thứ sáu, ngày 28/10/2022 16:14 PM (GMT+7)
Nhờ trồng dâu nuôi tằm, đồng bào K'Ho tại thôn Tân Lin (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, cao gấp nhiều lần so với cây cà phê, cây lúa.
Bình luận 0

Những cánh đồng dâu xanh mướt, lá to bằng bàn tay, người dân phấn khởi thu hoạch kén tằm là những gì mà phóng viên báo Dân Việt nhìn thấy khi được lãnh đạo Hội Nông dân xã Tân Văn dẫn vào thôn Tân Lin. "Trước đây, những khu vực này chủ yếu trồng cà phê, trồng lúa. 

Thế nhưng, cách đây khoảng 5 năm, đồng bào dân tộc K'Ho tại địa phương đã chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, thu nhập của người dân được tăng cao", bà Lương Nữ Hoài Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn cho biết.

Clip: Trồng dâu nuôi tằm ở xã Tân Văn, đồng bào dân tộc K'Ho thoát nghèo, có thu nhập khá.

Có mặt trong vườn dâu của gia đình ông K’ Breo (thôn Tân Lin, xã Tân Văn), phóng viên chứng kiến sự vui mừng của ông K’ Breo và người con trai của mình. 

Giá kén tằm đạt 200.000 đồng/kg, lá dâu giống mới to, năng suất cao nên thu nhập của gia đình ông K’ Breo cũng cứ thế mà tăng lên. Trao đổi với phóng viên, ông K’ Breo cho hay, so với trồng cà phê và lúa thì trồng dâu nuôi tằm giúp gia đình ông có thu nhập cao gấp 6 lần.

Trồng dâu nuôi tằm, đồng bào người dân tộc thiểu số ở Tân Văn khấm khá - Ảnh 2.

Ông K' Breo và con trai vui mừng vì giá kén tằm tăng cao giúp thu nhập của gia đình ông tăng cao. Ảnh: Văn Long.

"Gia đình tôi có 3.000m2 trồng cà phê từ năm 1995. Tuy nhiên, sau thời gian dài trồng cà phê nhưng năng suất kém, giá cả bấp bênh nên thu nhập cuối năm chẳng được là bao. Ngoài làm cà phê thì các thành viên trong gia đình vẫn phải làm thuê. Cho đến năm 2016, gia đình tôi quyết định chuyển qua trồng dâu nuôi tằm để cải thiện thu nhập.

Với diện tích trên, tôi cùng con trai nuôi được 1kg tằm giống mỗi tháng, sản lượng kén đạt được khoảng 60kg. Với giá kén cao như hiện nay thì sao khi trừ các chi phí thì tôi có thu nhập hơn 10 triệu đồng, cao hơn gấp 6 lần so với trồng lúa", ông K’Breo phấn khởi chia sẻ với phóng viên.

Trồng dâu nuôi tằm, đồng bào người dân tộc thiểu số ở Tân Văn khấm khá - Ảnh 3.

Nhờ trồng dâu, nuôi tằm, gia đình ông K' Breo đã có thu nhập ổn định hơn cà phê và lúa. Ảnh: Văn Long.

Theo bà Lương Nữ Hoài Thanh, cách đây khoảng 5 năm, diện tích đất trồng lúa của địa phương đạt hơn 200ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 100ha. 

Thay thế diện tích đất trồng lúa là những cánh đồng trồng dâu xanh tốt của người dân. Diện tích trồng dâu hiện nay tại xã Tân Văn đã đạt 240ha, cao hơn 100ha so với năm 2015.

Bà Thanh cũng cho hay, việc người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm thì mang lại hiệu quả khá cao vì tằm dễ nuôi, mất ít công và giá bán kén tằm được cao hơn. 

Chính vì vậy, người dân tại các thôn Tân Lợi, Tân Lộc, Tân Thuận đã chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng dâu, nuôi tằm khá nhiều.

Trồng dâu nuôi tằm, đồng bào người dân tộc thiểu số ở Tân Văn khấm khá - Ảnh 4.

Nhiều người dân tại xã Tân Văn đã chuyển đổi từ trông cà phê và lúa sang trồng dâu, nuôi tằm để có thu nhập ổn định hơn. Ảnh: Văn Long.

Theo sự hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân xã Tân Văn, phóng viên tiếp tục đến được khu vườn trồng dâu của gia đình ông K’Huy (45 tuổi, thôn Tân Lin). 

Tương tự ông K’Breo, ông K’Huy đã chuyển đổi 2.000m2 đất trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm, nuôi tằm. Theo ông K’Huy, nuôi tằm thì công việc luôn tay luôn chân nhưng khá nhàn và có thu nhập ổn định hơn nhiều so với lúa và cà phê.

"Tằm là con vật rất kỵ với thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón, chính vì vậy, chúng tôi rất ít khi sử dụng để phun hay bón cho tằm. Phân tằm được sử dụng để bón cho vườn dâu luôn để phát triển. Hơn nữa, những vườn xung quanh vườn dâu khi bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật thường thông báo cho nhau để không dùng dâu ở gần đó nuôi tằm. Nếu tằm ăn phải sẽ chết ngay, gây thiệt hại cho hàng xóm.

Hơn nữa, phòng nuôi tăm phải thường xuyên được khử trùng bằng vôi hoặc dùng quả bồ kết khô cho vào than củi nướng lên tạo khói. Sau đó đóng cửa phòng thật kín để dùng khói đó khử trùng. Chính vì vậy, sau khoảng 2-3 lứa tằm thì chúng tôi sẽ khử trùng phòng nuôi tằm 1 lần, năng suất kén tằm sẽ ổn định, tăng lên rất nhiều", ông K’Huy chia sẻ.

Trồng dâu nuôi tằm, đồng bào người dân tộc thiểu số ở Tân Văn khấm khá - Ảnh 5.

Những cánh đồng trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Lâm Hà ngày càng được mở rộng. Ảnh: Văn Long.

Trao đổi với phóng viên, bà Lã Thị Hà – Chi Hội trưởng Hội Nông dân thôn Tân Lin cho biết, diện tích trồng lúa của thôn hiện còn 50ha, giảm 4ha so với năm 2021. Năm 2021, toàn thôn Tân Lin có 76 hộ trồng dâu nuôi tằm thì hiện nay đã tăng lên trên 110 hộ, trong đó có nhiều người đồng bào dân tộc K'Ho. Cũng theo bà Hà, vì giá kén tằm tăng cao, năng suất kén cũng ổn định, vì vậy các hộ nghèo, cận nghèo trong thôn đã giảm rõ rệt trong vài năm trở lại đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem