Trà Vinh: Đổi thay nhờ những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt

My Hà Thứ sáu, ngày 04/11/2022 06:27 AM (GMT+7)
Trong những gần đây, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nặng nề ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân trong khu vực.
Bình luận 0

Đứng trước nguy cơ đó, dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL" (ICRSL) với những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả và các giải pháp thích ứng xâm nhập mặn, tạo sinh kế bền vững cho người dân đã được triển khai tại tỉnh Trà Vinh.

Hệ thống cống Bông Bót, Tân Dinh bảo vệ cho hơn 11.000ha

Những ngày này, chúng tôi đi về huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) và nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở đây kể từ khi hệ thống cống Bông Bót và Tân Dinh được đưa vào sử dụng phục vụ cho việc ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ hơn 11.000ha đất canh tác.

Hệ thống cống Bông Bót và Tân Dinh nằm trên địa bàn xã An Phú Tân thuộc khu vực ven tuyến Sông Hậu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư đã đưa vào vận hành cống ngăn mặn (chủ động đóng - mở) với việc chủ động đóng, mở theo từng chu kỳ của con nước khi độ mặn cho phép để tiếp ngọt cho các huyện vùng ven biển như Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải… nên các công nhân vận hành ở đây dễ chủ động và việc vận hành luôn bám sát 24/24 giờ với diễn biến của độ mặn trên Sông Hậu.

Anh Nguyễn Văn Luân- một công nhận vận hành cống Bông Bót cho biết, với hệ thống cống chủ động đóng - mở (hay còn gọi cống cưỡng bức), nên chúng tôi phải trực chiến liên tục trong những thời điểm khô hạn, mặn. Ngoài việc đo mặn trong giai đoạn đỉnh triều của con nước (thường có 02 thời điểm đo là ban ngày và ban đêm) khi thời điểm lấy nước vào cống phục vụ điều tiết trong sản xuất, cứ cách 30 - 60 phút phải tiến hành đo; trường hợp mặn diễn biến bất thường (độ mặn từ 1‰ trở lên) thì cứ 15 phút phải thực hiện đo… từ đó, cập nhật thông tin về độ mặn gửi về Công ty và Xí nghiệp Thủy nông huyện Cầu Kè để có hướng xử lý đóng - mở.

Theo đánh giá, hàng năm, tình trạng xâm nhập mặn làm giảm năng suất canh tác từ 30 đến 70% và 96.000 hộ dân trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Trà Vinh nói riêng bị thiếu nước ngọt sử dụng mỗi ngày. Hạn hán, xâm nhập mặt ở đây đã để lại tác hại qua nhiều năm, đặc biệt là người dân đang mất dần sinh kế.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế xâm nhập mặn và phục vụ trữ nước ngọt về mùa khô, Bộ NNPTNT đã đầu tư xây dựng hệ thống 2 cống Bông Bót và Tân Dinh. Các công trình này thuộc Tiểu dự án 6, hợp phần 3 "IDA kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít" thuộc dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL.

Trà Vinh: Đổi thay nhờ những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt - Ảnh 1.

Hệ thống cống Bông Bót nằm trên địa bàn huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Tác động tích cực tới sinh kế của người dân

Theo thiết kế, cổng cống Bông Bót tại huyện Cầu Kè, Trà Vinh được làm bằng thép với khối lượng nặng 350 tấn được vận hành bởi hệ thống thủy lực với các tấm thép thấp hơn để ngăn nước mặn. Với kiểu vận hành này, cống sẽ có cơ chế giảm hạn hán và xâm nhập mặn, cải thiện cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL.

Anh Nguyễn Chân Lạc, ấp An Trại, Phú Tân, Trà Vinh cho biết, trước năm 2016 bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, anh trồng nhãn bị thất thu hoàn toàn sau này được nhà nước quan tâm xây dựng 2 cống Bông Bót và Tân Dinh đã giúp chủ động được nước tưới tiêu cho bà con.

Tương tự cơ chế vận hành cống Bông Bót, cống Tân Dinh giúp cho việc cân bằng độ mặn ngọt để tưới tiêu cho toàn vùng, hạn chế xâm nhập mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Hứa Thanh Sơn - Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, kể từ khi hai hệ thống cống được đưa vào vận hành, bà con rất phấn khởi trong vấn đề trữ ngọt, ngăn mặn. "Khi độ mặt phù hợp, thì mình cho nước vào phục vụ bà con sản xuất, khi độ mặt cao hơn 1‰, thì mình ngăn không cho nước mặn vào"- ông Sơn nói.

Ông Diêu Hùng Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, Trà Vinh cho biết: "Công trình cống Bông Bót, Tân Dinh đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ nước ngọt, bên cạnh đó về mỹ quan, 2 cống này cũng phục vụ giao thông. Trước khi chưa có cống chỉ có phà qua được, sau khi công trình mới đi vào hoạt động đã giúp giao thông thuận tiện, thông thương nối liền giữa tỉnh lộ 915 của Trà Vinh với Vĩnh Long, thông với TP.Cần Thơ".

Cũng theo ông Thắng, thông qua đó giúp việc vận chuyển hàng hóa của bà con thuận tiện hơn, các thương lái xuống tận vườn cây ăn trái thu mua với giá cao, không bị ép giá như trước đây. "Kết hợp cùng đê bao quanh sông Hậu, tỉnh lộ 915 đã mở ra triển vọng về phát triển kinh tế, nhất là thương mại, dịch vụ vận tải phục vụ hàng hóa nông sản lưu thông ở ĐBSCL kể từ khi có hai hệ thống cống này"- ông Thắng cho biết thêm.

Theo đánh giá của Phòng Phòng NNPTNT huyện Cầu Kè: Năm 2020 là năm đầu tiên vận hành hệ thống cống Bông Bót và Tân Dinh. Hệ thống cống này ngăn mặn từ phía biển lấn lên phía sông Hậu cũng như thực hiện trữ ngọt cho các kênh trục và kênh cấp I, cung cấp nguồn nước vào nội đồng, điều tiết nguồn nước về các huyện vùng ven biển khá hiệu quả.

Tại huyện Cầu Kè, mùa khô năm 2021 không xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt và mặn vào kênh trục như những năm trước đây. Nhìn chung, các diện tích sản xuất nông nghiệp ít bị tác động do thiếu nước và mặn đe dọa trong vùng nội đồng.

Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và chuyển đổi sinh kế vùng ĐBSCL phát triển bền vững và thịnh vượng” (MD-ICSRL) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh dự kiến vay vốn WB, với tổng mức đầu tư là 935 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi là 605 tỷ đồng…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem