Nếu chuyển đổi số, nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ có thêm nhiều điều kiện để cất cánh

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 29/10/2022 12:07 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập về chuyển đổi số Nguyễn Tuấn Hoa tại hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở ĐBSCL” do Báo Tiền Phong phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức tại TP. Cần Thơ vào sáng 29/10.
Bình luận 0

Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn nền nông nghiệp của ĐBSCL

Chuyên gia tư vấn độc lập về chuyển đổi số Nguyễn Tuấn Hoa cho biết: "Nếu chuyển đổi số, nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ có nhiều điều kiện hơn để phát triển, nếu nông nghiệp phát triển, nhiều yếu tố sẽ phát triển theo".

Nếu chuyển đổi số, nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ có thêm nhiều điều kiện để phát triển - Ảnh 1.

Chuyên gia tư vấn độc lập về chuyển đổi số Nguyễn Tuấn Hoa phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở ĐBSCL” vào sáng 29/10. Ảnh: N.H

Ông Hoa nhận định, nên tập trung nguồn lực chuyển đổi số trong nông nghiệp bởi thời gian qua "làm hơi chậm". Theo đó, trọng tâm của chuyển đổi số cần hướng đến là thông minh hóa quy trình sản xuất và thông minh hóa quy trình quản lý.

Riêng vấn đề để thông minh hóa quy trình quản lý, theo ông Hoa, cần đưa máy móc vào để quy trình diễn ra chính xác, giảm thiểu can thiệp của con người, từ đó tạo ra quy trình mới.

Ông Hoa cũng cho rằng, cần chú trọng vào chuyển đổi số trong quy trình sản xuất mới, tạo ra của cải vật chất, để tạo ra bùng nổ, đột phá trong khâu sản xuất ở Việt Nam. Bởi nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế tuyến tính, phải chuyển sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, lấy công nghệ số là nền tảng, làm thay đổi hoàn toàn nền nông nghiệp của ĐBSCL.

Ông Cao Gia Huấn - Trưởng Ban Công nghệ thông tin Tập đoàn Lộc Trời cho hay, hiện nay, tập đoàn đã xây dựng hệ thống bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân khắp ĐBSCL. Tập đoàn cũng có 1.200 kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ bà con về canh tác an toàn, đảm bảo quy trình về sản phẩm, sản xuất lúa gạo xuất khẩu…

Trưởng Ban Công nghệ thông tin Tập đoàn Lộc Trời đặc biệt cho hay, Tập đoàn Lộc Trời cũng đưa một số ứng dụng về chẩn đoán sâu bệnh, bà con có thể cung cấp hình ảnh, qua đó tập đoàn sẽ đưa ra những kiến nghị để tăng tiện ích cho bà con nông dân. "Hiện, tập đoàn đã liên kết với các đối tác lớn, trong đó có Viettel, VNPT, rút ngắn liên kết, mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân" - ông Huấn chia sẻ.

Chuyển đổi số hỗ trợ người nông dân tránh tình trạng được mùa mất giá

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn vùng ĐBSCL.

Nếu chuyển đổi số, nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ có thêm nhiều điều kiện để phát triển - Ảnh 2.

Chuyển đổi số hỗ trợ người nông dân tránh tình trạng được mùa mất giá. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Tâm, có rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số. Đầu tiên là nhiệm vụ phát triển mạnh hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng điện toán đám mây; kế đến là nhiệm vụ thông minh hóa hạ tầng các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.

Về lĩnh vực nông nghiệp, ông Tâm cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ giúp tạo thương hiệu cho sản phẩm, giúp người nông dân tránh tình trạng được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian, dần nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo.

TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, chuyển đổi số dù được rất quan tâm, nỗ lực, song quá trình này vô cùng khó và diễn ra chậm.

Theo TS. Nguyễn Quân, về nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, với địa phương, xây dựng chính quyền số không đơn giản, nhất là các vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Tây Bắc, chuyên gia vô cùng ít. Như vậy, cần phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia chuyển đổi số.

TS. Nguyễn Quân cũng cho rằng, cần đầu tư hơn nữa nguồn lực vật chất và tài chính cho chuyển đổi số. "Chuyển đổi số cần một hệ sinh thái tương ứng, trong đó có thể chế, hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số và các nền tảng công nghệ số, các sản phẩm công nghệ số. Hệ sinh thái số đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn" - TS. Nguyễn Quân nói.

Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia nêu quan điểm, cần phải tạo nền móng chuyển đổi số và nhiệm vụ đầu tiên là chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số.

Theo đó, những người đứng đầu các đơn vị phải vào cuộc, chịu trách nhiệm chính về chuyển đổi số, tiến hành thử nghiệm chuyển đổi số. Cùng với đó, phải kiến tạo thể chế, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và phát triển hạ tầng số như hạ tầng băng rộng, mạng 5G…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem