TP.HCM tăng tốc làm sản phẩm OCOP, không "gói gọn" 5 huyện ngoại thành

Trần Đáng Thứ ba, ngày 18/10/2022 05:15 AM (GMT+7)
Theo kế hoạch, trong năm 2022, TP.HCM sẽ tổ chức đánh giá, công nhận cho 44 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
Bình luận 0

Mới đây, TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hiện Chương trình OCOP của thành phố không chỉ gói gọn trong 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ mà còn mở rộng ra các quận còn làm nông nghiệp, như: Quận 9, 12, Bình Tân, TP.Thủ Đức.

Mở rộng địa bàn xây dựng sản phẩm OCOP

TP.HCM tăng tốc làm sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của TP.HCM. Ảnh: Trần Đáng

Theo dự thảo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương đã đưa chỉ tiêu có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn là chỉ tiêu thuộc tiêu chí 13 - tổ chức sản xuất, là 1/19 tiêu chí xã cần hoàn thành trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, đến năm 2023, 100% xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố đều có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Thúc đẩy mở rộng địa bàn sản xuất sản phẩm OCOP và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP là định hướng của thành phố trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Thanh Bảo - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP.HCM cho biết, đến nay thành phố có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. 

Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt 4 sao. Ngoài ra, có 1 sản phẩm là bột rau má có đường của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt đang đề nghị Bộ NNPTNT đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, hiện thành phố có 27 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Thành phố đang xem xét thêm 44 sản phẩm OCOP tiềm năng. 

Các sản phầm này là những sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: Khô cá Chim 1 nắng, cá khô lưới trâu cá dứa tươi, Hàu tươi Cần Giờ, Bạch tuộc sông (HTX Cần Giờ Tương Lai); bánh đúc Bà Điểm (hộ kinh doanh Bánh đúc Bà Điểm); rau muống hạt, Rau mồng tơi, rau mầm (Công ty TNHH Sản xuất công nghệ HB); Cà pháo ngâm, cà pháo mắm tôm, cóc chua ngọt, dưa món Ngọc Liên (Công ty TNHH SX TM XNK Ngọc Liên); trái cây thập cẩm sấy (Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huynh Đệ Tề Hùng); rượu Linh Chi 300 (HKD cơ sở sản xuất rượu - nấm sạch Ngọc Trường Phát)…

Nâng giá trị sản phẩm OCOP 

Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá, mặt được của Chương trình OCOP là số HTX tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố được thành lập và đưa vào hoạt động ngày càng nhiều. Hiện TP.HCM có 54/116 HTX có sản xuất kinh doanh sản phẩm có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Đây là đầu mối hỗ trợ hộ dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản suất sản phẩm OCOP đã và đang triển khai thực hiện theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để sản xuất sản phẩm là các quy trình sản xuất đảm bảo sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe của người sản xuất, tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. 

Đề án Chương trình OCOP được xây dựng và triển khai thực hiện đã góp phần thúc đẩy sự khơi gợi và phát triển các ý tưởng của các chủ thể sản xuất, từ đó các sản phẩm mới mang tính độc lạ, chất lượng cao đã được nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất.

TP.HCM là trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của cả nước với dân số trên 9 triệu người. Vì vậy, các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương, như: Cá dứa một nắng, cá đù, xoài, bánh tráng Phú Hòa Đông…, đã xây dựng được thương hiệu tại địa phương, sản lượng tiêu thụ khá ổn định. Trong tương lai nếu gắn kết được hoạt động sản xuất các sản phẩm OCOP này với hoạt động du lịch sẽ góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem