Tách luật giao thông đường bộ, nhiều ý kiến trái chiều gay gắt

Thế Anh Thứ tư, ngày 16/02/2022 09:56 AM (GMT+7)
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông một lần nữa tiếp tục nhận được nhiều luồng ý kiến còn băn khoăn, trái chiều, khác nhau…
Bình luận 0

Tách Luật giao thông đường bộ còn nhiều tranh cãi

Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật đã được Quốc hội khoá XIV lấy ý kiến các đại biểu tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 11/2020, có 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; 62,7% tổng số đại biểu Quốc hội không tán thành.

Đến nay, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông một lần nữa tiếp tục nhận được nhiều luồng ý kiến còn băn khoăn, trái chiều, khác nhau… đặc biệt là nhiều chuyên gia không đồng ý chuyển quyền đào tạo sát hạch lái xe sang cho Bộ Công an.

Tách luật giao thông đường bộ, nhiều ý kiến trái - ngược nhau - Ảnh 1.

Lực lượng CSGT kiểm tra hành chính người vi phạm giao thông tại TP.Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải

Góp ý về việc này, TS. Đào Huy Hoàng - Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, không nên tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật. Trong đó, việc chuyển đào tạo sát hạch lái xe sang cho Bộ Công an cần tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học vững chắc, xem xét, lấy ý kiến rộng rãi.

"Nếu còn nhiều ý kiến nên chăng cho phép việc đào tạo và sát hạch lái xe ở cả 2 bộ, tăng cường xã hội hóa và kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng lái xe cơ giới đường bộ", TS. Hoàng góp ý.

Trong khi đó, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) lại cho rằng, các quy phạm pháp luật, điều khoản, chương, mục của Luật giao thông đường bộ năm 2008 hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ…

Đại tá Bình cho biết, nếu tiếp tục kết cấu trong Luật giao thông đường bộ năm 2008 như hiện nay thì không thể quy định đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực. Việc tách Luật giao thông đường bộ 2008 thành hai đạo luật chuyên biệt sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nhà nước và người dân.

Cũng trong Báo cáo về việc Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: "Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ".

Thứ trưởng Thọ cho hay, Luật này đã góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc và thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực. Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng và trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Tách luật giao thông đường bộ, nhiều ý kiến trái - ngược nhau - Ảnh 2.

Còn nhiều ý kiến không đồng ý chuyển quyền đào tạo sát hạch lái xe sang cho Bộ Công an. Viết Long

Tiếp thu ý kiến

Theo Thứ trưởng Thọ, trong quá trình lấy ý kiến Ban Đảng, các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành kèm văn bản giải trình một số ý kiến của đại biểu (ĐB) QH tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV đã có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, có ý kiến đề nghị rà soát và nghiên cứu kỹ để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tránh cục bộ khép kín, độc quyền...

Cụ thể, Ban Tổ chức Trung ương chỉ đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những nội dung liên quan đến dự luật. Riêng Ban Kinh tế Trung ương không đưa ra quan điểm có nên tách luật không nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo thận trọng, vì hai dự án luật này có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Trung ương góp ý không nên tách Luật Giao thông đường 2008 vì không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bao trùm mục tiêu và phạm vi của luật. Đồng thời, đề nghị bổ sung nội dung quy tắc và người điều khiển phương tiện giao thông vào Luật Giao thông đường bộ.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có một số ý kiến đề nghị gộp hai mảng nội dung do Bộ GTVT và Bộ Công an đang dự thảo thành một luật chung. Cũng theo Ủy ban Pháp luật, tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV, đa số ý kiến ĐBQH không tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Tách luật giao thông đường bộ, nhiều ý kiến trái - ngược nhau - Ảnh 3.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, có 104 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội; có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,7% tổng số đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ GTVT căn cứ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và văn bản số 4152/TTKQH-QPAN ngày 02/12/2020 của Tổng Thư ký Quốc hội để đánh giá kỹ lưỡng, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, bảo đảm chất lượng của các Luật, sự thống nhất, đồng thuận về phương án tiếp thu, giải trình; báo cáo Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. 

Về tên gọi của dự án Luật, Thứ trưởng Thọ cho biết, sẽ chỉnh tên luật thành “Luật Đường bộ” để thay thế cho tên gọi cũ (Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)) đảm bảo phù hợp với phạm vi, đối tượng, những quy định trong nội dung của dự thảo Luật; đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ với tên gọi của Luật Đường sắt, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Về phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật để không trùng lặp với dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ,.

Theo đó phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đang được liệt kê theo tên Chương (bao gồm: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ) để đảm bảo bao quát hết các nội dung được điều chỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ và vấn đề thay đổi thẩm quyền đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở các ý kiến thống nhất tại cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải ngày 23/8/2021 về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).








Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem