Tách luật giao thông đường bộ, chuyển việc cấp GPLX về Bộ Công an: Chuyên gia pháp luật nói gì?

Q. Nguyễn Thứ sáu, ngày 11/02/2022 08:16 AM (GMT+7)
GS-TS Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp bằng, GPLX cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ GTVT đang thực hiện nên giao cho Bộ Công an là phù hợp.
Bình luận 0

Tại 2 buổi hội thảo khoa học do Bộ Công an tổ chức ngày 10/2, nhiều nhà khoa học trong và ngoài lực lượng công an tham gia có tham luận và đóng góp ý kiến trực tiếp đến các nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB) và vấn đề quản lý đào tạo, cấp bằng giấy phép lái xe (GPLX).

Tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai luật chuyên biệt

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tách luật giao thông đường bộ, chuyển việc cấp GPLX về Bộ Công an - Ảnh 1.

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông. Ảnh: N.T

Đại tá Bình cho rằng, an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn. Trong đó, an toàn giao thông (là an toàn cho người đi đường) thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (có chất lượng an toàn công trình và phương tiện) thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Do đó, tên gọi Luật GTĐB là chuyên ngành nhưng nội dung phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành, dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực.

Đại tá Bình nêu số liệu, từ năm 2009 - 2021, toàn quốc xảy ra hơn 361.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113.000 người, bị thương hơn 356.000 người; chiếm hơn 95% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số các vụ tai nạn.

Theo đại tá Bình, hoạt động GTĐB tác động trực tiếp tới quyền con người, đó là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản khi đi lại. Tuy nhiên, Luật GTĐB năm 2008 thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác thực hiện, không quy định đầy đủ.

Từ những phân tích trên, đại tá Bình cho rằng, cần phân tách Luật GTĐB 2008 thành "Luật Đường bộ" và "Luật Trật tự ATGT đường bộ" mới phù hợp với xu thế chung. Việc tách 2 dự án Luật trên không có "nhóm lợi ích" nào khác ngoài lợi ích của người dân, sẽ không trùng chéo, chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ của các bộ quản lý.

Giao công tác quản lý, cấp GPLX về Bộ Công an

Theo GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thực tiễn công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho thấy việc quản lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là hai đối tượng có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau nhưng lại bị chia cắt, nhiều cơ quan quản lý, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất.

"Chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp bằng, GPLX cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ GTVT đang thực hiện nên giao cho Bộ Công an là phù hợp", ông Trần Ngọc Đường nói, đồng thời lý giải Bộ Công an đang được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm… Trong đó có công tác bảo đảm trật tự an ninh, an toàn giao thông qua chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp GPLX.

Cơ sở dữ liệu về GPLX kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng phục vụ hiệu quả công tác xác minh làm rõ các vi phạm và điều tra các vụ án hình sự. "Lực lượng công an có kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển phương tiện của người lái xe khi tham gia giao thông, từ đó sẽ xây dựng nội dung chương trình đào tạo, sát hạch với yêu cầu thực tiễn. Hơn nữa theo kinh nghiệm quốc tế mà tôi biết, nhiều quốc gia giao lực lượng cảnh sát thực hiện công tác này", ông Đường nói.

Tách luật giao thông đường bộ, chuyển việc cấp GPLX về Bộ Công an - Ảnh 3.

Bộ GTVT sẽ chuyển việc sát hạch, cấp bằng lái xe sang Bộ Công an. Ảnh minh họa

Cùng quan điểm, GS-TS Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết từ năm 1995 đến nay việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX được giao cho Bộ GTVT. Dù Bộ GTVT đã tiến hành cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe nhưng hoạt động đánh giá, cấp GPLX, quản lý sau cấp chỉ đơn thuần là hành chính, chưa gắn với việc giám sát, đánh giá ý thức chấp hành giao thông của người được cấp GPLX do Bộ GTVT không có chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

"Chúng tôi cho rằng đề nghị chuyển nội dung quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an quy định trong dự thảo luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông cơ bản là có căn cứ, đúng với yêu cầu thực tế bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội", ông Nguyễn Minh Đức nói.

Tuy nhiên, ông Đức cũng lưu ý khi chuyển giao trách nhiệm quản lý, giữa Bộ Công an và Bộ GTVT cần tính toán việc chuyển giao các trung tâm đào tạo, sát hạch. Theo ông Đức, toàn quốc có 329 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 370 cơ sở đào tạo lái xe ô tô với khoảng 2.000 cán bộ viên chức, khi chuyển đổi thì cần phải đánh giá tác động và tính toán các phương án giải quyết tối ưu trong hồ sơ dự thảo luật trình Chính phủ và Quốc hội để đảm bảo sự đồng thuận.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an và một số bộ, ngành đã thống nhất việc sửa Luật Giao thông đường bộ 2008. Luật này được sửa theo hướng tách thành 2 luật, trong đó Luật Giao thông đường bộ (Luật Đường bộ) do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Vào tháng 11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc tách luật GTĐB thành hai luật riêng biệt, có 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; 62,7% tổng số đại biểu Quốc hội không tán thành.

Về nội dung xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, có 17,8% tổng số đại biểu Quốc hội chọn phương án chuyển; 66,7% tổng số đại biểu Quốc hội chọn không chuyển.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem