Rong biển Việt Nam là "mỏ vàng" chưa "vớt" được, thị trường trong nước thì rong ngoại áp đảo

Hùng Phiên Thứ bảy, ngày 03/12/2022 05:14 AM (GMT+7)
Ngành rong biển đang được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, hiệu quả, bền vững.
Bình luận 0

Ngày 2/12, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành rong biển Việt Nam.

Theo Tổng cục Thủy sản, rong biển là nhóm thực vật bậc thấp có giá trị kinh tế vô cùng to lớn. Bên cạnh sử dụng làm thực phẩm, rong biển còn được dùng trong các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, phân bón sinh học, chất kích thích sinh học, bao bì sinh học, nhiên liệu sinh học…

Tìm giải pháp phát triển quy mô lớn ngành rong biển Việt Nam - Ảnh 1.

Thu hoạch rong nho tại biển Khánh Hòa. Ảnh: Khánh Hiền

Nghề trồng rong biển hiện đang nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia trên thế giới như một giải pháp dựa vào thiên nhiên để phát triển kinh tế bền vững.  

Việt Nam có 88 loài rong biển giá trị kinh tế, với khoảng 900.000ha diện tích tiềm năng trồng rong biển. Tuy nhiên, việc trồng rong ở nước ta vẫn còn sơ khai. Diện tích trồng rong giai đoạn 2005-2019 chỉ tăng từ 8.265ha lên 10.150ha. Sản lượng thu hoạch năm 2019 chỉ khoảng 120.000 tấn rong biển tươi.

Thông tin tại hội nghị cho biết, một số địa phương cũng đã xây dựng thành công mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp. Như việc trồng rong sụn kết hợp nuôi ốc hương, hải sâm và vẹm xanh như ở Khánh Hoà. Nuôi ốc hương, tu hài kết hợp trồng rong câu ở vùng biển Phú Yên. Nuôi xen ghép thủy sản trong ao đầm có nguồn rong câu tự nhiên ở Hải Phòng…

Tìm giải pháp phát triển quy mô lớn ngành rong biển Việt Nam - Ảnh 2.

Sản phẩm rong nho tách nước tại cơ sở Lê Văn Nhuẫn (thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Ảnh: Nguyên Mai

Những mô hình này đã tạo ra nhiều loại sản phẩm, nguồn cung cấp đa dạng và đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau, giảm rủi ro trong sản xuất và phân phối, sử dụng hiệu quả mặt nước.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn đã đã tham gia sản xuất và chế biến rong biển. Đó là, Công ty TNHH Hải Nam Okinawa (ở Bình Thuận) chuyên sản xuất rong nho tươi và rong nho muối bán cho Nhật Bản, với công suất 130 - 150 tấn/năm. Công ty Nhựa Super Trường Phát (ở Quảng Ninh) sản xuất giống và trồng rong sụn Eucheuma cotonii trên dàn phao sử dụng vật liệu HDPE; sản lượng khoảng 2000 tấn/năm…    

Tuy nhiên, tại các hệ thống phân phối ở Việt Nam, sản phẩm rong biểm chiếm áp đảo vẫn là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan…

Tìm giải pháp phát triển quy mô lớn ngành rong biển Việt Nam - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành rong biển Việt Nam. Ảnh: Hùng Phiên

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong chiến lược phát triển ngành hàng rong biển Việt Nam. Xây dựng thiết chế nghiên cứu khoa học trong sự kết nối doanh nghiệp, nguồn lực lao động và hiệu quả thị trường. Đây là một trong những giải pháp cơ bản để tăng tốc toàn diện ngành rong biển nước ta.  

Bộ NNPTNT cũng đang phối hợp với Bộ KHCN triển khai các nhiệm vụ lưu giữ nguồn gen và nghiên cứu chọn tạo giống rong biển phục vụ phát triển khoa học công nghệ về giống giai đoạn 2021-2025 thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành rong biển đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, hiệu quả, bền vững. Tạo ra sản phẩm rong biển có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện KT-XH, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư vùng biển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem