Chăn nuôi gia súc ăn cỏ "thua" trên sân nhà, các chuyên gia chỉ rõ giải pháp phát triển bền vững

Hoan Nguyễn Thứ năm, ngày 18/05/2023 20:06 PM (GMT+7)
Để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ bền vững, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn.
Bình luận 0

Ngày 18/5, tại Phú Thọ, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam phối hợp Trường Đại học Hùng Vương tổ chức hội thảo quốc gia "Các giải pháp chính phát triển, chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả và bền vững".

Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa tương xứng tiềm năng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn năm 2018-2022, trừ số lượng trâu, dê, cừu có xu hướng giảm nhẹ, còn phần lớn số lượng đầu con và sản lượng sản phẩm của đàn gia súc ăn cỏ (bò thịt, bò sữa, thỏ, hươu...) đều có xu hướng tăng. Riêng trong năm 2021, chăn nuôi gia súc ăn cỏ trong nước sản xuất hơn 1,7 triệu tấn thịt (trâu, bò, dê, cừu, thỏ, hươu, nai) và sữa.

Tận dụng tiềm năng, cơ hội để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ bền vững - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo "Các giải pháp chính phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu quả và bền vững". Ảnh: Hoan Nguyễn

Cùng với đó, nhiều chính sách về nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến khích đầu tư, kiểm soát dịch bệnh..., đã và đang đi vào thực tiễn, thu hút người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm các loại gia súc ăn cỏ trong nước và xuất khẩu. 

Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được nghiên cứu, cập nhật và chuyển giao cho sản xuất, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống, chuồng trại và thức ăn dinh dưỡng vật nuôi.

Phương thức chăn nuôi có những thay đổi tích cực, hình thành nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất như: Chăn nuôi hươu sao, dê, cừu thịt; chăn nuôi bò sữa hiện chiếm tỷ lệ gần 100%. Thị trường giá cả và các sản phẩm gia súc ăn cỏ cơ bản ổn định, bảo đảm người chăn nuôi có lãi.

Theo PGS.TS Hoàng Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, tổng sản lượng thịt của gia súc ăn cỏ sản xuất ra đã tăng lên và chiếm 9,5% tổng sản lượng thịt sản xuất của ngành chăn nuôi. Con số này, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thịt lợn và gia cầm.

Tận dụng tiềm năng, cơ hội để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ bền vững - Ảnh 2.

PGS.TS Hoàng Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoan Nguyễn

Qua khảo sát thực tế, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam năm 2021 là 3,68kg thịt xẻ/người/năm; tiêu thụ sữa bình quân đạt 27kg/người/năm, thấp hơn hẳn so với mức trung bình của các quốc gia trên thế giới. 

Trong các sản phẩm gia súc ăn cỏ, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu chính ngạch được sữa và các sản phẩm từ sữa đến gần 50 quốc gia; thịt và sản phẩm thịt xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có nhiều lợi thế, song ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, vẫn phải đối mặt với một số thách thức như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến, công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, năng suất, giá thành.

Công tác thanh tra, kiểm tra về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi còn nhiều hạn chế, nhất là ở các địa phương. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc ăn cỏ, nhất là bò sữa đòi hỏi tỷ suất đầu tư lớn, chu kỳ sản xuất dài, thời gian thu hồi vốn chậm, có tính rủi ro cao, nên phần lớn người sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển.

Việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ và cây thức ăn gia súc ở nhiều nơi còn gặp khó khăn. Mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt còn hạn chế, giá thịt bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường.

Tình hình nhập lậu vật nuôi sống, nhất là bò thịt và sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài qua biên giới đường bộ vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đồng bộ nhiều giải pháp để chăn nuôi gia súc phát triển bền vững

Ông Lã Văn Thảo - Quyền Trưởng phòng Kế hoạch và tổng hợp, Cục Chăn nuôi cho rằng, so với các ngành khác, chăn nuôi là ngành có kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn nhất. Thực tế cho thấy, nếu không xuất khẩu được thì không tạo ra động lực phát triển.

Tận dụng tiềm năng, cơ hội để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ bền vững - Ảnh 3.

Ông Lã Văn Thảo - Quyền Trưởng phòng Kế hoạch và tổng hợp, Cục Chăn nuôi cho rằng, chăn nuôi gia súc ăn cỏ Việt Nam hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Cũng theo ông Thảo, ngành đặt mục tiêu mức tăng trưởng giá trị sản xuất của gia súc ăn cỏ giai đoạn 2021-2025 đạt 4-5%/năm, sản lượng thịt các loại từ 8-10%/năm, sản lượng sữa từ 1,7-1,8 triệu tấn/năm; trung bình tiêu thụ thịt các loại từ 50-55kg/người/năm và tiêu thụ sữa từ 16-18kg/người/năm.

Do vậy, trong giai đoạn mới, cần cơ cấu lại ngành theo hướng chú trọng phát triển các loài gia súc ăn cỏ để phù hợp thực tiễn tại Việt Nam và theo xu thế chung của thế giới. Theo đó, cần phân loại sản phẩm để hướng tới các đối tượng tiêu dùng khác nhau.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Có thêm các cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với các hộ chăn nuôi hướng đến sản xuất hàng hóa lớn. 

Tận dụng những thế mạnh, tổ chức sản xuất để khai thác tốt, nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm sản phẩm gia súc ăn cỏ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tích hợp quy hoạch phát triển chăn nuôi ở cụm tỉnh, vùng, miền với quy hoạch chung của quốc gia. Xây dựng vùng chăn nuôi gia súc ăn cỏ gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; tiếp tục chuyển đổi diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; chế biến phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp. Áp dụng công nghệ sinh học trong việc chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng.

Từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp thực tế địa phương. Thống nhất hệ thống quản lý giống trâu, bò sữa, bò thịt ở các cơ sở nhân giống trên phạm vi cả nước gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi.

Ðẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Tổ chức liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ: Sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm; chú trọng liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hội, hiệp hội ngành hàng. Xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

Tận dụng tiềm năng, cơ hội để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ bền vững - Ảnh 4.

Ông Trần Tú Anh – Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ phát biểu tại hội thảo Ảnh: Hoan Nguyễn

Ông Trần Tú Anh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cho rằng, Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển đa dạng các loài gia súc ăn cỏ do có nhiều vùng sinh thái, diện tích đất đồi rừng chiếm 64,5%, hệ thống sông suối khá dày đặc...

Tại Phú Thọ đã hình thành nhiều vùng phát triển chăn nuôi bò tập trung; một số vùng chuyên trồng ngô sinh khối với tổng diện tích ngô sinh khối khoảng 2000ha/năm; hình thành 4 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ bò thịt chất lượng cao giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ, để chăn nuôi gia súc ăn cỏ phát triển hiệu quả, bền vững, Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn.

Trong thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi tỉnh nhà.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem