Nuôi con bổ dưỡng rúc dày đặc trong bể xi măng, anh nông dân Hậu Giang có của ăn của để

Nguyễn Thị Thanh Hiểu (TTKN Hậu Giang) Thứ hai, ngày 06/06/2022 13:01 PM (GMT+7)
Lươn là loài thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người ưa chuộng. Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Nguyễn Hoàng Lâm ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) nuôi không đủ bán do nhu cầu thị trường lớn...
Bình luận 0

 Trước thực trạng lươn tự nhiên ngày càng khan hiếm không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy nhiều mô hình nuôi lươn nhân tạo đã được ra đời. Mô hình nuôi lươn nhân tạo không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chủ động được nguồn nước, lươn giống, đảm bảo năng suất đầu ra, tăng lợi nhuận. 

Điển hình là mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Nguyễn Hoàng Lâm ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Nuôi con bổ dưỡng rúc dày đặc trong bể xi măng, anh nông dân Hậu Giang có của ăn của để - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hoàng Lâm bên mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của gia đình tại ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Với đặc điểm chi phí thấp, dễ nuôi, ít bệnh, dễ tiêu thụ…kỹ thuật nuôi lươn không bùn trong bể xi măng đã được người dân tại một số địa phương trong tỉnh áp dụng rất thành công. Nắm bắt được điều này anh đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2021, anh đầu tư xây dựng bể nuôi lươn không bùn kiên cố và thả nuôi 12.000 con lươn giống trong 3 bể. Mỗi bể có diện tích 10m2, chiều cao bể nuôi 5 tấc.

Thiết kế đáy bể nuôi lươn có độ dốc, có hệ thống cấp thoát nước thuận tiện thay nước, trong lòng bể được lót gạch men đảm bảo độ trơn, nhẵn, hạn chế lươn bị xây xát và các chùm dây ni lông để trú ẩn. Vì lươn có đặc tính ưa tối.

Theo anh Lâm, để cho lươn phát triển nhanh, mau lớn trước tiên nước nuôi lươn phải sạch. Đặc biệt là con giống phải đồng cỡ, khỏe mạnh, bơi nhanh, da không trầy xước. 

Trước khi thả lươn, nên tiến hành sát trùng bằng dung dịch nước muối có nồng độ 2 - 3% trong thời gian 5 - 10 phút hoặc thuốc tím để loại trừ ngoại kí sinh và sát trùng vết thương do xay xát trong quá trình vận chuyển. 

Đặc biệt là được chuyển thức ăn viên hoàn toàn, khi lươn khoảng 2-3 tháng tuổi lươn phát triển có sự chênh lệch về độ lớn, anh tiến hành phân lươn theo cùng kích cỡ nuôi riêng để tránh hao hụt, do lươn có tập tính ăn lẫn nhau, mực nước trong bể nuôi phải đạt 25 - 30cm.

Thức ăn cho lươn anh sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp. Quan trọng là phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn hợp lý. 

Trước khi cho ăn, cần phải thay nước, vừa làm cho môi trường nước không bị bẩn, vừa để lươn không ăn phải thức ăn thừa sót lại, mỗi ngày nên thay nước ít nhất 2 lần. Để đạt hiệu quả và tăng tỷ lệ sống, anh thường xuyên bổ sung một số vitamin kết hợp men tiêu hóa trộn vào thức ăn nhằm giúp lươn hấp thu tốt hơn.

Anh chia sẻ, sau gần một năm chăm sóc, gia đình tôi xuất bán lứa đầu tiên thu 3,1 tấn lươn thịt, với giá 120.000 đồng/kg. Thu được 372 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí anh còn lãi trên 106 triệu đồng. Thấy được tiềm năng của mô hình này khá cao nên anh tiếp tục đầu tư mới 2 bể nuôi cho vụ kế tiếp.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng cho thấy hiệu quả từ sự mạnh dạn dám nghĩ dám làm của anh Lâm, đã góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Hỏa Lựu. 

Mô hình nuôi lươn này rất phù hợp với các hộ dân ít đất sản xuất, biết tận dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập. 

Thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Lâm không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.   


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem