Nữ Thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển ước mong “thay da đổi thịt” cho quê nghèo

Nguyệt Minh Chủ nhật, ngày 26/02/2023 19:25 PM (GMT+7)
Xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là nơi Chảo Thị Yến - Cô gái trẻ sinh năm 1990 quyết gác lại tấm bằng Thạc sĩ Quản lý tài nguyên rừng bền vững (Đại học Goettingen, Đức và Đại học Padova, Italia) để trở về lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương.
Bình luận 0

Đồng cảm từ tuổi thơ vất vả

Trò chuyện với PV Dân Việt, Thạc sĩ Chảo Thị Yến tâm sự, hoàn cảnh gia cảnh khó khăn nên bố mẹ của cô dù có vất vả quanh năm làm nương rẫy nhưng vẫn bị cái nghèo đeo bám. Bởi vậy, những bữa cơm độn ngô, ăn rau trừ bữa đã trở thành một phần ký ức không thể phai mờ của Chảo Thị Yến.

Chính vì thế, mong ước thường trực của Chảo Yến là làm sao để thoát nghèo, làm sao để có cuộc sống tốt hơn. Chẳng ai nghĩ được, một cô gái sinh ra trong gia đình nghèo nhất, nhì thôn lại có thể theo đuổi con đường học vấn với những thành tích khủng.

Nữ Thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển ước mong “thay da đổi thịt” cho quê nghèo  - Ảnh 1.

Nậm Chạc là xã vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn với tổng diện tích tự nhiên là 5.077 ha. Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn xã chiếm 77,46%. Ảnh: Chảo Yến.

Năm 2010 Chảo Yến quyết tâm theo học tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (chuyên ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên). 4 năm học đại học, Chảo Yến liên tục nhận được học bổng do có thành tích tốt trong học tập. Vì vậy cô nàng 9X cũng giúp bố mẹ vơi bớt đi gánh nặng về kinh tế để có thể chăm lo cho các anh chị em khác trong gia đình.

Sau khi ra trường, với những quyết tâm và nỗ lực của mình, cô tiếp tục theo học Thạc sỹ chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững (Đại học Goettingen, Đức và ĐH Padova, Italia) với học bổng 100%.

Với kiến thức và kinh nghiệm được trau dồi, những tưởng Chảo Yến sẽ chọn công việc ổn định tại một thành phố lớn, thế nhưng năm 2018, ai ngờ Chảo Thị Yến quyết định tạm cất đi tấm bằng Thạc sĩ để trở về quê nghèo. 

Nữ Thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển ước mong “thay da đổi thịt” cho quê nghèo  - Ảnh 2.

Đa số người dân ở xã Nậm Chạc chỉ trồng ngô và sắn, nhưng sản lượng không cao. Có những thôn cả năm chỉ trồng được 1 vụ ngô và 1 vụ sắn. Ảnh: Chảo Yến.

Chảo Thị Yến chia sẻ: “Ngay sau khi đi du học về, tư duy của mình đã thay đổi rất nhiều, thay vì chỉ mong muốn thoát nghèo, mình muốn gia đình mình có một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy. 

Đặc biệt, mình cảm thấy những giá trị văn hóa của địa phương rất đặc sắc để có thể phát triển du lịch. Tuy nhiên, khi đó mình chưa đủ can đảm để ngay lập tức trở về, đến cuối năm 2022 mình mới về quê, và làm song song nhiều việc như: tư vấn tự do, tiktoker…”

Trở về nơi mình sinh ra, thời gian đầu, cô gặp không ít khó khăn do vấp phải sự phản đối từ gia đình và không ít lời bàn tán từ mọi người: “Học lắm để làm gì?”, “Đi học cũng chỉ để về quê”... Tất cả những lời nói đó không những khiến cô  nản lòng, mà lại càng tăng thêm sức mạnh để chinh phục những thử thách mới. 

Chảo Yến bày tỏ: “Phải làm sao để không chỉ mình có thể phát triển, mà cả thôn bản cũng có thể thoát nghèo”.

Nữ Thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển ước mong “thay da đổi thịt” cho quê nghèo  - Ảnh 3.

Chảo Thị Yến chụp ảnh cùng các em nhỏ trong thôn, cô chỉ mong sao các bạn nhỏ và người dân ở Nậm Chạc có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Ảnh: Chảo Yến.

Dự định lớn lao

Sau thời gian dài nghiên cứu, với những kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình về lâm nghiệp, cùng sự hỗ trợ của các thầy cô giáo cũ tại trường đại học, nữ Thạc sĩ 9X đã tìm ra phương hướng, cách thức mới để “thay da đổi thịt” cho quê hương mình.

Nữ Thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển ước mong “thay da đổi thịt” cho quê nghèo  - Ảnh 3.

Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã Nậm Chạc chiếm đến 77,46%, nên nhiều gia đình còn đói nghèo, ở trong những căn nhà dựng tạm bằng tre, lứa hay vài miếng tôn đã gỉ sét. Ảnh: Chảo Yến.

“Thổ nhưỡng cũng như khí hậu ở xã Nậm Chạc rất phù hợp để trồng các loại cây như: dổi, mận, đào. Cây dổi có thể mang lại giá trị kinh tế cao, 700 đến 800 nghìn đồng 1 cân hạt dổi. Cây sinh trưởng với thời gian không quá dài, từ 3 đến 4 năm đã có thể cho thu hoạch. Còn cây mận, đào không chỉ bán được quả, mà còn có thể tạo ra địa điểm thu hút khách du lịch mỗi mùa hoa mận, hoa đào nở” - Chảo Yến chia sẻ.

Tuy nhiên, cách thức đã tìm ra, nhưng làm thế nào để thực hiện được nó mới là thử thách khó khăn nhất. Điều này khiến Chảo Thị Yến không khỏi trăn trở: “Giá cây giống hiện tại khá cao, từ 25 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng cho một cây giống. Với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn xã chiếm đến 77,46%, bà con khó để có đủ kinh phí tự mua”.

Anh Tần Láo Sử (35 tuổi, thôn Suối Thầu) cho biết: “Bà con chúng tôi có đất, nhưng lại không có tiền để mua giống. Trong khi quanh năm chỉ trồng ngô, trồng sắn không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì thế mà cái nghèo vẫn còn bủa vây từ bao đời”.

Nữ Thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển ước mong “thay da đổi thịt” cho quê nghèo  - Ảnh 4.

Mặc dù người dân vất vả làm việc, nhưng đời sống kinh tế không thật sự ổn định vì chưa tìm được hướng đi phù hợp, bền vững. Ảnh: Chảo Yến.

Ước mơ của Chảo Yến, của anh Sử cũng như của bao người dân khác tại xã Nậm Chạc là một cuộc sống ổn định hơn. Với họ, cây giống chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa mới giúp phát triển xã nghèo.

Giúp quê hương “thay da đổi thịt” trong tương lai, Thạc sĩ Chảo Thị Yến bày tỏ: “Tôi rất mong các nhà hảo tâm trên cả nước cùng chung tay, góp sức, hỗ trợ bà con xã Nậm Chạc về các loại cây giống như dổi, mận, đào... để từ đó có thể hiện thực hóa ước mơ giúp người dân quê hương tôi thoát nghèo”.

Hiện tại, với diện tích đất nông nghiệp sẵn có, bà con có thể trồng khoảng 5.000 cây giống (bao gồm: 1.000 cây dổi giống, 2.000 cây đào giống, 2.000 cây mận giống). 

Nữ Thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển ước mong “thay da đổi thịt” cho quê nghèo  - Ảnh 5.

Ước mơ về một cuộc sống ổn định hơn không chỉ thường trực trong lòng bậc làm cha làm mẹ, mà ngay những đứa trẻ nhỏ nơi đây cũng có mong muốn, mưu cầu một cuôc sống hạnh phúc hơn. Ảnh: Chảo Yến.

Ông Lù A Hòa - Chủ tịch UBND xã Nậm Chạc cho biết: Nậm Chạc là xã vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn với tổng diện tích tự nhiên là 5.077 ha. Trên địa bàn xã có 590 hộ (2.878 nhân khẩu), trong đó có 7 dân tộc cùng sinh sống gồm: Dao, Giáy, Mông, Mường, Tu rí, Hà Nhì, Kinh, (trong đó có 3 dân tộc chính là: Mông, Dao, Giáy).

Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn xã chiếm 77,46%.

Mong ước của cháu Chảo Thị Yến cũng là mong muốn của bao người dân tại xã Nậm Chạc. Tôi hy vọng quê hương mình sẽ nhận được sự hỗ trợ về cây giống để có thể giúp địa phương vươn lên thoát nghèo.


Để giúp bà con xã Nậm Chạc có một cuộc sống ổn định hơn, mọi sự giúp đỡ xin gửi về:


Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 21210000524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ chương trình cây giống


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem