Nhóm cựu du học sinh Úc và hành trình đồng hành cùng xóm nghèo sau đại dịch

Nguyệt Minh Chủ nhật, ngày 26/02/2023 14:05 PM (GMT+7)
Với đam mê làm thiện nguyện, nhóm cựu du học sinh Úc đã cùng nhau thực hiện thực hiện dự án án cộng đồng mang tên ESDS, đồng hành cùng người dân tại Bản Sưng (Xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng.
Bình luận 0

Nhóm các cựu sinh viên Úc (Australia) đã viết dự án “Nâng cao năng lực tự vững của mô hình du lịch cộng đồng bản Sưng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình sau đại dịch COVID-19 (ESDS)” và nhận được tài trợ của Chính phủ Úc thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Úc do Chương trình Aus4Skills quản lý vào tháng 3/2022.

Dự án hướng đến mục tiêu duy trì và phát huy các nghề truyền thống, đây cũng là một phần của mô hình du lịch cộng đồng Bản Sưng trong “điều kiện bình thường mới”. Trong 12 tháng, dự án ESDS đã giúp tăng cường sự ổn định, phục hồi kinh tế cho cộng đồng người Dao Tiền như một phần thuộc kế hoạch ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19.

Khát khao góp sức bồi đắp quê hương

Đến với Bản Sưng, một xóm từng được giới thiệu là nơi nghèo nhất của xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), giờ đây chúng tôi không khỏi bất ngờ, Bản Sưng đã trở mình. Ẩn giữa thiên nhiên yên bình với núi rừng hùng vĩ, không phải một cuộc sống tẻ nhạt, mà là một cộng đồng người dân tộc Dao Tiền nhộn nhịp, đoàn kết cùng nhau phát triển du lịch để tạo sinh kế bền vững.

Nhóm cựu du học sinh Úc và hành trình vực dậy xóm nghèo sau đại dịch  - Ảnh 2.

Khung cảnh yên bình, nên thơ tại xóm Bản Sưng xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Nguyệt Minh

Anh Nguyễn Hà Hải (Phụ trách tài chính) chia sẻ: “Cơ duyên đến với Bản Sưng cũng rất tình cờ. Chúng tôi gồm có 6 anh chị em, nhiều người trong số đó chưa từng biết nhau, được kết nối để cùng làm gì đó cho cộng đồng. Khi ấy, chúng tôi chỉ có một mong muốn là làm gì đó giúp ích cho người dân với tinh thần chia sẻ và khát khao góp sức phát triển cộng đồng”.

Bắt đầu từ mong muốn đó, cả nhóm ngay lập tức bắt tay vào việc khảo sát địa điểm phù hợp. Thời gian đầu cũng có khá nhiều địa điểm được tìm hiểu, nhưng cuối cùng, với sự cam kết đồng hành của chính quyền địa phương, cả nhóm đã quyết định chọn Bản Sưng, một nơi thực sự cần những hỗ trợ để phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Nhóm cựu du học sinh Úc và hành trình vực dậy xóm nghèo sau đại dịch  - Ảnh 3.

Các thành viên trong dự án ESDS chụp cùng du khách đến trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại Bản Sưng. Ảnh: Nguyệt Minh.

Chia sẻ về lý do nên duyên với Bản Sưng, chị Hải Yến chia sẻ: "Qua chị Bàn Kim Quy, Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, chúng tôi biết đến tình hình thực tế tại Bản Sưng. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng việc đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh đã làm giảm mạnh dòng khách du lịch trong và ngoài nước tới Bản.

Điều này gây ra nhiều khó khăn cho đồng bào người Dao Tiền tại Bản Sưng. Không chỉ cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, cơ sở vật chất đầu tư phục vụ du lịch từ trước đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Các nghề truyền thống vừa được nhen nhóm triển khai, không có khách, không có nguồn lực nên cũng bị mai một. Chúng tôi muốn giúp người dân giữ được nghề truyền thống và văn hoá, từ đó tạo dựng mô hình du lịch cộng đồng và phát triển bền vững".


Nhóm cựu du học sinh Úc và hành trình vực dậy xóm nghèo sau đại dịch  - Ảnh 4.

Bên cạnh những công việc thường ngày, người dân được học cách phát triển du lịch cộng đồng, hướng dẫn các đoàn khách đi thăm quan cảnh đẹp của quê hương. Ảnh: Nguyệt Minh.

Nhớ lại khoảng thời gian trước khi bắt đầu dự án ESDS, chị Phạm Nhật Nga - Phụ trách nhóm Truyền thông tâm sự: "Mặc dù là lần đầu cả 6 thành viên làm việc cùng nhau, nhưng chúng tôi đã cố gắng khắc phục những khó khăn khi phải làm việc với nhau từ xa và hỗ trợ nhau trong các công việc của nhóm. Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, dự án cũng may mắn tìm được các đối tác đều mong muốn phát triển cộng đồng như Đà Bắc CBT, Actions on Poverty (AOP), đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Đại học Dược Hà Nội, DNXH Chie Dù Pù Dù Pà, Zó project …. Tất cả các đối tác đều đã nỗ lực để hỗ trợ tốt nhất chongười dân ở Bản Sưng”.

Đơm trái ngọt từ tình yêu thương

Suốt 1 năm trời ròng rã cùng bà con thực hiện dự án (từ 3/2022 đến 3/2023), cả nhóm đã gặp không ít khó khăn. Mỗi người đều có những công việc riêng và ở những địa điểm khác nhau, nên trước đó cả nhóm chưa từng có một buổi gặp mặt đầy đủ.

Nhóm cựu du học sinh Úc và hành trình vực dậy xóm nghèo sau đại dịch  - Ảnh 5.

Chị Lý Thị Nhất - Nhóm trưởng nhóm thổ cẩm đang giới thiệu về từng họa tiết, hoa văn trên chiếc áo truyền thông của người Dao Tiền. Ảnh: Nguyệt Minh.

Chị Nguyễn Thị Thùy - Phụ trách nhóm Dược liệu tâm sự: “Những cuộc họp của nhóm thường diễn ra online vào lúc 21 giờ. Bởi người đi học, người đi làm, người đi công tác.. nên việc gặp mặt nhau đầy đủ là rất khó. Phải đến ngày cuối cùng khi dự án khép lại, tất cả 6 anh chị em chúng tôi mới được gặp mặt nhau đầy đủ".

Vì dự án kéo dài 1 năm, các thành viên phải phân chia thời gian để đảm bảo luôn luôn có sự góp mặt của một đến vài thành viên trong nhóm hỗ trợ bà con thực hiện dự án.

Với sự nỗ lực không ngừng của người dân Bản Sưng và nhóm Cựu du học sinh Úc, những thành quả ngọt  đã đơm bông, kết trái.

Hơn 80 người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án; 04 tổ nhóm được thực hiện bao gồm: nhóm dược liệu, nhóm giấy dó, nhóm thổ cẩm và nhóm nông nghiệp. Xấp xỉ 60 phụ nữ được tập huấn nâng cao năng lực tự vững; 15 khóa tập huấn đã được triển khai trong vòng 6 tháng (tháng 5 - tháng 11/2022).

Nhóm cựu du học sinh Úc và hành trình vực dậy xóm nghèo sau đại dịch  - Ảnh 6.

Nghề truyền thống như thổ cẩm được lưu giữ và phát triển ngày càng đa dạng. Bên cạnh quần áo truyền thống, người dân nơi đây còn được hướng dẫn làm thêm nhiều sản phẩm như túi sách, móc chìa khóa. Ảnh: Nguyệt Minh.

Chị Lý Thị Nhất - Nhóm trưởng nhóm thổ cẩm chia sẻ: “Từ ngày có các anh chị trong dự án ESDS về hỗ trợ, chúng tôi đã khôi phục được nghề truyền thống và còn được học cách tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Thu nhập của bà con nhờ đó đã tăng lên”.

Bên cạnh các con số trên, dự án cũng góp phần khôi phục, lưu giữ được nghề làm giấy dó truyền thống và đa dạng hóa các sản phẩm được phát triển đối với nhóm thổ cẩm và dược liệu. Ngoài tạo tiền đề cho sinh kế bền vững thông qua việc thành lập các tổ sản xuất và phát triển sản phẩm dược liệu, giấy dó và thổ cẩm, dự án cũng đã nâng cao năng lực truyền thông, dịch vụ du lịch và quản lý khách hàng cho người dân.

Đặc biệt, phụ nữ là đối tượng được hưởng lợi chính với 75.54% số lượt tham gia tất cả các loại hình tập huấn (con số này ở nam giới là 24.46%).

Nhóm cựu du học sinh Úc và hành trình vực dậy xóm nghèo sau đại dịch  - Ảnh 7.

Bên cạnh nhóm thổ cẩm, các nhóm khác cũng được thành lập như: giấy dó, dược liệu, nông nghiệp hữu cơ, giúp người dân có thêm các mô hình sản xuất mới, làm đa dạng hình thức du lịch cộng đồng của xóm. Ảnh: Nguyệt Minh.

Bà Bàn Kim Quy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc nhấn mạnh: “Dự án đã góp phần bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống như sản xuất giấy dó, thổ cẩm, thảo dược… cùng với việc tăng cường các kỹ năng truyền thông và tiếp thị, thực hành chăm sóc khách hàng vì sự phát triển bền vững của mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sưng. Do đó, tôi và lãnh đạo địa phương huyện Đà Bắc, đặc biệt là xã Cao Sơn đánh giá rất cao những nỗ lực của nhóm triển khai dự án và mong muốn dự án được tiếp tục sau khi kết thúc vào tháng 3/2023”.

Bản Sưng những ngày cuối cùng của tháng 2 nắng đẹp chan hòa, như một lời cảm ơn chân thành đến các thành viên trong dự án, đồng thời cũng là lời khẳng định, nơi đây sẽ ngày một phát triển mạnh mẽ hơn từ những tiền đề mà dự án ESDS đã mang lại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem