Nông dân một huyện trung du Phú Thọ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhiều nhà đang khá giả lên

Mạnh Thuần - Hoan Nguyễn Thứ tư, ngày 09/08/2023 10:31 AM (GMT+7)
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững, đến nay trên địa bàn huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã có 13 Hợp tác xã và trên 300 hộ nông dân được nhận hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng, giúp nông dân tăng thu nhập...
Bình luận 0

Nông dân được "rót" vốn, liên kết sản xuất nông nghiệp lợi đủ đường 

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Thị Thu Hưởng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 08 của Huyện ủy Cẩm Khê về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Cẩm Khê đã lên kế hoạch triển khai các nội dung hỗ trợ rõ từng đối tượng, với các loại hình, sản phẩm được hỗ trợ sản xuất, nổi bật là các hoạt động nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào phục vụ sản xuất đã mang lại nhiều kết quả tốt, nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, Hội Nông dân huyện Cẩm Khê đã lên kế hoạch triển khai hỗ trợ bà con nông dân trồng lúa chất lượng cao quy mô liền vùng từ 30 ha trở lên; trồng mới các loại rau an toàn, cây gia vị, cây gai xanh, nấm, mộc nhĩ; trồng cây bưởi, cây chè chất lượng cao; hỗ trợ chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học; hỗ trợ xây dựng điểm quảng bá và tiêu thụ thủy sản; hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP...

"Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 13 hợp tác xã (HTX) và trên 300 hộ nông dân được nhận hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Tính riêng năm 2022, kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt hơn 1 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao ở Hùng Việt; trồng rau, cây gia vị an toàn ở các xã Tuy Lộc, Phượng Vĩ, Thị trấn Cẩm Khê; trồng cây gai xanh ở xã Phượng Vĩ; sản xuất nấm, mộc nhĩ ở xã Đồng Lương, Minh Tân; trồng ớt ở xã Minh Tân, Yên Dưỡng…", bà Hưởng nhấn mạnh.

Hơn 4 tỉ đồng hỗ trợ 13 hợp tác xã, 300 nông dân huyện miền núi Phú Thọ phát triển nông nghiệp - Ảnh 1.

Hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ nông dân huyện miền núi Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong ảnh: Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Cẩm Khê tham gia gian hàng chào mừng đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đáng chú ý, theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Khê, trong giai đoạn 2021-2025 có hơn 30 hộ nông dân tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu ở xã Minh Tân, xã Hùng Việt nhận được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha theo Nghị quyết 08 của Huyện ủy Cẩm Khê. 

"Việc này hướng người nông dân chuyển đổi nhiều diện tích trồng hoa màu sang trồng ớt xuất khẩu để tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho các hộ trồng ớt xuất khẩu. Ngoài ra cũng tạo thuận lợi để thành lập Tổ liên kết sản xuất trồng ớt Minh Tiến", bà Hưởng nói.

Hơn 4 tỉ đồng hỗ trợ 13 hợp tác xã, 300 nông dân huyện miền núi Phú Thọ phát triển nông nghiệp - Ảnh 2.

Bà con nông dân huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) yên tâm nhất là tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu được hỗ trợ kinh phí 20 triệu đồng theo Nghị quyết 08 của Huyện ủy Cẩm Khê; được doanh nghiệp ký hợp đồng trọn gói từ cung cấp giống đến bao tiêu sản phẩm với giá cả đảm bảo. Ảnh: Mạnh Thuần

Anh Phạm Văn Mùi - Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất trồng ớt Minh Tiến - hộ gia đình đi đầu trong mô hình trồng ớt xuất khẩu tại địa phương chia sẻ, lúc đầu khi mới quyết định tham gia trồng ớt xuất khẩu gia đình cũng khá e ngại vì không biết kỹ thuật trồng và cách phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt "liệu cây ớt có thích nghi với đồng đất địa phương hay không…?"

Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn huyện Cẩm Khê, anh Mùi và các hộ nông dân khác đã yên tâm hơn, ngày càng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng màu trước đây sang trồng ớt xuất khẩu.

Theo anh Mùi, giống ớt Zopezo đang là giống ớt được bà con trong Tổ liên kết sản xuất trồng ớt Minh Tiến ưa chuộng, lựa chọn trồng đại trà nhiều nhất. Ớt giống này sau khi trồng và chăm sóc từ 70-80 ngày, bắt đầu cho thu hoạch. 

Thời gian thu hoạch ớt kéo dài hơn 3 tháng, mỗi tháng thu hái 3-4 đợt. Khi ớt được thu hoạch, huyện Cẩm Khê phối hợp với Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu (GOC) có trụ sở ở tỉnh Bắc Giang để đến tận các hộ gia đình thu mua; tiến hành sơ chế, bảo quản và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Hơn 4 tỉ đồng hỗ trợ 13 hợp tác xã, 300 nông dân huyện miền núi Phú Thọ phát triển nông nghiệp - Ảnh 3.

Từ chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, các hộ nông dân mạnh dạn thay đổi cây trồng truyền thống bằng cây dứa mật, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Ảnh: Mạnh Thuần

"Giống ớt này rất khỏe, ít sâu bệnh. Năng suất ớt trung bình đạt 1,2 tấn quả/sào. Với giá bán 7.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống, công chăm sóc, màng phủ mỗi sào ớt cho thu lãi hơn 5 triệu đồng/sào. Dự kiến, vụ ớt đông này, gia đình tôi sẽ thu lãi trên 200 triệu đồng. So với trồng lúa, cây hoa màu khác, trồng ớt Zopezo xuất khẩu giúp gia đình tôi thu lãi nhiều hơn 2-3 lần", anh Mùi phấn khởi.

Nông dân thay đổi tư duy, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Khê cũng cho biết, trong 5 năm vừa qua, dấu ấn đặc biệt của nông dân huyện là "từ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện nhiều hộ nông dân, HTX trong huyện vươn lên phát triển mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương".

Trong đó, điển hình như HTX Nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản Liên Gia Trang (xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê) thành lập tháng 9/2019, với 10 thành viên, chuyên sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như cá thính, rau sắn muối chua, ốc nhồi...

Ông Trần Văn Công - Giám đốc HTX Liên Gia Trang cho biết: Việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX sẽ giúp thành viên, hộ nông dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa thuận lợi, hiệu quả hơn. Đồng thời, đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua truy xuất nguồn gốc. 

Hơn 4 tỉ đồng hỗ trợ 13 hợp tác xã, 300 nông dân huyện miền núi Phú Thọ phát triển nông nghiệp - Ảnh 4.

Sản phẩm rau sắn muối chua của HTX Liên Gia Trang có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Big C, Winmart, Co.opmart… Ảnh: Hoan Nguyễn

Hiện sản phẩm rau sắn muối chua của HTX Liên Gia Trang đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị lớn như: Big C, WinMart… và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Năm qua, doanh thu HTX đạt gần 500 triệu đồng. Sản phẩm của HTX được khách hàng tại nhiều địa phương trong cả nước biết đến, đặt mua, góp phần phát triển kinh tế hộ tại địa phương.

Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ thương mại Toàn Thắng (ở xã Tuy Lộc), thành lập từ tháng 4/2021, sau khi nhận được hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của huyện Cẩm Khê hơn 200 triệu đồng đã mạnh dạn xây dựng nhà màng với diện tích 1.500m5 trồng các loại rau, củ, quả sạch theo phương pháp hữu cơ.

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa, HTX Toàn Thắng đã tuân thủ quy trình từ chọn giống, làm đất, gieo trồng, ươm hạt tới chăm sóc, thu hoạch. Bên cạnh đó, HTX Toàn Thắng còn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.

Đến nay, các sản phẩm của HTX Toàn Thắng đang được đưa vào nhiều bếp ăn của các trường mầm non trên địa bàn tỉnh và vươn rộng đến nhiều thị trường các tỉnh lân cận, giúp HTX có doanh thu mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho 12 lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Hơn 4 tỉ đồng hỗ trợ 13 hợp tác xã, 300 nông dân huyện miền núi Phú Thọ phát triển nông nghiệp - Ảnh 5.

Với diện tích liên kết gần 10ha, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, mỗi năm, HTX Toàn Thắng (huyện Cẩm Khê) tiêu thụ ra thị trường khoảng 50 tấn rau các loại. Ảnh: Thùy Trang

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Khê Trần Thị Thu Hưởng, trong thời gian tới, để nông nghiệp huyện nói riêng và tỉnh nói chung tiếp tục phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung, Hội Nông dân huyện Cẩm Khê sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện đối với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến, tạo bước đột phá trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trên toàn huyện Cẩm Khê.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem