Nông dân Đà Lạt làm nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường

Văn Long Thứ tư, ngày 25/10/2023 15:50 PM (GMT+7)
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cùng nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong nhiều năm qua, Hội Nông dân (ND) TP.Đà Lạt đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Hơn 7.000 hộ nông dân TP Đà Lạt sản xuất kinh doanh giỏi

Gặp ông Nguyễn Đức Công – Chủ tịch Hội ND TP.Đà Lạt trong Đại hội đại biểu Hội ND tỉnh Lâm Đồng, ông Công cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Hội ND TP.Đà Lạt đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh gắn với bảo vệ môi trường.

Theo ông Công, TP.Đà Lạt với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất các loại rau, hoa và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nông dân thành phố có truyền thống cần cù, sáng tạo, luôn tìm tòi học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất.

Những năm qua, Hội ND TP.Đà Lạt đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như thông qua các hội nghị, hội thảo, lồng ghép trong các hoạt động tư vấn, dịch vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật và vận động thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hội với các hội viên, nông dân…

Hội viên làm nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Mô hình trồng cà chua trên chậu áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa của anh Nguyễn Đức Huy đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Long

"Bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò của các cấp Hội còn hạn chế trong việc kết nối giữa nông dân với các doanh nghiệp, HTX; giữa nông dân với nông dân, giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ. Công tác thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp chưa tốt nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người lao động và môi trường cảnh quan Đà Lạt…".

Ông Nguyễn Đức Công -

Chủ tịch Hội ND TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

"Toàn TP.Đà Lạt hiện có hơn 7.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 67% diện tích đất nông nghiệp), hàng năm cung cấp cho thị trường trên 2,2 tỷ cành hoa và gần 400.000 tấn rau các loại, giá trị thu hoạch bình quân đạt 470 triệu đồng/ha/năm. Giá trị ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 14% trong cơ cấu kinh tế của thành phố, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho hơn 13.000 hộ gia đình, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động, nông dân Đà Lạt có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh.

Các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân của Hội ND thành phố đã góp phần củng cố và phát triển phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đến nay toàn thành phố có 7.504 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có hơn 400 hộ đạt cấp tỉnh và 31 hộ đạt cấp trung ương. Những hộ này đều là những nông dân tiên phong trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sáng tạo nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cho thu nhập bình quân từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng/ha/năm"- ông Nguyễn Đức Công thông tin.

Ông Công cũng cho biết, một số công nghệ hiện đại đã được ứng dụng như trồng rau thủy canh, khí canh, công nghệ sau thu hoạch, ứng dụng vật liệu mới trong canh tác, tự động hóa… Tiêu biểu như mô hình trồng hoa lily trên giá thể của anh Nguyễn Hữu Trí ở thôn Đa Quý (xã Xuân Thọ); mô hình trồng cà chua trên chậu áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa của anh Nguyễn Đức Huy (HTX Thủy Canh Việt, phường 9); mô hình cà phê hữu cơ của HTX Song Vũ (Xuân Trường); mô hình sản xuất cây giống hoa, rau, củ, quả bằng phương pháp nuôi cấy mô invitro của HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thủy (phường 9). Nhiều mô hình trồng rau thủy canh, dâu tây, cánh đồng hoa kết hợp với du lịch canh nông... đã góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương, nâng cao đời sống người dân trong thời gian qua.

Bảo vệ môi trường nhờ đổi rác lấy quà

Hội viên làm nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Chương trình “đổi bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng lấy quà” của Hội Nông dân TP.Đà Lạt đã giúp nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương. Ảnh: Văn Long

Toàn TP. Đà Lạt hiện có hơn 7.000ha diện tích

sản xuất nông nghiệp

- Cung cấp cho thị trường trên 2,2 tỷ cành hoa và gần 400.000 tấn rau các loại

- Nâng cao đời sống cho hơn 13.000 hộ gia đình, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động

Một thông tin cũng rất hay mà ông Nguyễn Đức Công cho phóng viên biết là chương trình đổi rác lấy quà của Hội ND TP.Đà Lạt đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân.

Chia sẻ với phóng viên, ông Công cho hay, tình hình phát triển nhà kính, nhà lưới quá nhanh làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học quá mức cần thiết, rác thải nông nghiệp phát sinh ngày càng nhiều và chưa được thu gom, phân loại, xử lý đúng cách đã khiến cho môi trường tại Đà Lạt bị ảnh hưởng rất lớn.

"Nhận thấy tình trạng trên đã khiến cho cảnh quan, môi trường của TP.Đà Lạt ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Hội ND TP.Đà Lạt đã tổ chức chương trình "Đổi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng". Đến nay, sau 10 tháng triển khai, chương trình đã thu hút hơn 2.100 lượt nông dân tham gia, thu về hơn 25 tấn rác thải nông nghiệp nguy hại. Chương trình này đã động viên, khuyến khích bà con nông dân xây dựng thói quen thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhiều bà con đã nhắc nhở nhau thu gom lại và mang đến đổi lấy những món đồ bảo hộ lao động phục vụ sản xuất như găng tay, mũ, ủng, áo mưa..."- ông Công cho hay.

Hiện nay, toàn bộ lượng rác thải thu gom từ chương trình "Đổi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng" đã được Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt vận chuyển đưa về nơi tập kết để xử lý đúng quy định, qua đó đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Ngoài chương trình đổi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng, các cấp Hội ND TP.Đà Lạt còn xây dựng nhiều mô hình nông dân bảo vệ môi trường như: Vận động nông dân xây dựng mô hình "Khu vườn Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn"; Mô hình "Thu gom, xử lý rác thải rau, hoa làm phân bón hữu cơ"; triển khai cho hộ nông dân ký cam kết không vứt rác bừa bãi ra mương suối và nơi công cộng; vận động hộ nông dân nhận trồng và chăm sóc từ 2 cây xanh trở lên trong khuôn viên đất sản xuất, đất ở của gia đình góp phần thực hiện kế hoạch trồng cây xanh, cây phân tán của thành phố... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem