Loài cá dân dã thấy ở khắp nơi, ao, hồ, kênh, rạch, không ngờ lại là vị thuốc cho người bệnh gút

P.V Thứ tư, ngày 03/05/2023 17:26 PM (GMT+7)
Cá rô đồng là loài cá dân dã, nhưng lại có nhiều công dụng cho sức khỏe, nhất là đối với những người bị bệnh gút. Không những thế, cá rô còn rất dễ nuôi.
Bình luận 0

Công dụng của cá rô đồng

Rô đồng là loài cá nước ngọt, sống phổ biến ở các ao, ruộng lúa, ao đìa, sông rạch... Mùa sinh sản chủ yếu vào tháng 5 - 7.  Cá rô đồng có màu xanh từ xám đến nhạt, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng, với một chấm màu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Chúng có răng chắc, sắc, xếp thành dãy trên hai hàm.

Đây là loại thực phẩm dân dã, ngon và bổ. Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong 100g thịt cá rô đồng chứa chất đạm 20,3g, chất béo 1,5g, và các chất khoáng vi lượng như can xi, phosphor, sắt,  vitamin B1, B2…

Theo y học cổ truyền, thịt cá rô đồng có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, rất tốt cho người khí huyết suy, cơ thể suy nhược, tỳ vị yếu, ăn uống không tiêu.

Theo các bác sĩ đông y, những người khí huyết suy, cơ thể gầy yếu, ăn uống không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa, có thể dùng bài thuốc từ cá rô đồng như sau: Cá rô đồng 200g, rau cải xanh 500g, gừng 1 nhánh nhỏ, gia vị vừa đủ. Cá rô sơ chế sạch, đánh sạch vảy, khía bụng, bỏ ruột, bỏ mang rồi rửa sạch nhớt. Đun sôi nước, cho cá rô đồng vào luộc cùng với gừng. Khi cá chín thì vớt ra, gỡ lấy thịt, ướp gia vị. Phần xương cá giã hoặc xay nhuyễn, lọc lấy nước. Rau cải rửa sạch, cắt ngắn khoảng 1cm. Đun sôi nước cá, cho rau cải xanh, thịt cá vào nấu, khi canh sôi lại lần nữa, nêm gia vị là được. Ăn trong bữa cơm. 

Loài cá dân dã thấy ở khắp nơi, ao, hồ, kênh, rạch, không ngờ lại là vị thuốc cho người bệnh gút - Ảnh 1.

Ăn thường xuyên cá rô đồng cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gút. Ảnh: ĐMX.

 Nghiên cứu cho thấy, ăn thường xuyên cá rô đồng cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gút. Cách làm như sau: Cá rô đồng 2 - 3 con làm sạch, lá lốt 30g rửa sạch, củ cải 100g thái lát, nghệ 1 - 2 lát, gia vị vừa đủ. Cho tất cả vào nồi thêm nước xâm xấp, đun lửa nhỏ om đến khi nhừ.

Ngoài ra, còn một món ăn từ cá rô đồng có tác dụng thanh nhiệt, chữa ho có đờm vàng do phế nhiệt. Cách làm: Cá rô đồng 3 - 5 con, rau má 150g. Cá rô nướng gỡ lọc lấy thịt, xương cá giã nhuyễn lọc để lấy nước vừa đủ. Rau má rửa sạch, thái nhỏ. Đun sôi nước cá, cho rau má vào, thêm vài lát gừng và gia vị làm canh ăn. 

Kỹ thuật nuôi cá rô đồng

Cá rô đồng là loài cá rất dễ nuôi, ao nuôi cá rô đồng tốt nhất có diện tích từ 500 - 1.000m2, gần nguồn nước sạch để dễ thay đổi nước. Bờ ao cần có rào lưới xung quanh để bảo vệ và tránh thất thoát cá. Đáy ao bằng phẳng và dốc về phía cống để dễ thu hoạch. Chiều cao mực nước ao nuôi khoảng 1,2 - 2 m.

Bà con nên thả cá vào các thời điểm: tháng 3-4 và tháng 8-9 dương lịch. Giống phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất tại cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện, được kiểm dịch đầy đủ theo quy định. Cá có ngoại hình cân đối, màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn, không dị hình, không xây xát, kích cỡ đồng đều.

Loài cá dân dã thấy ở khắp nơi, ao, hồ, kênh, rạch, không ngờ lại là vị thuốc cho người bệnh gút - Ảnh 2.

Cá rô đồng là loài cá rất dễ nuôi. Ảnh: T.L

Mật độ thả nuôi: Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng ao, mật độ thả trung bình  khoảng 15 - 25 con/m2.  Khi đem cá giống về, bà con không nên thả cá ra ao ngay mà phải ngâm túi chứa cá xuống ao cho nhiệt độ trong bao và ngoài ao cân bằng nhau mới mở túi cho cá bơi từ từ ra ngoài.

 Với hình thức nuôi công nghiệp, bà con có thể cho cá ăn thức ăn viên suốt quá trình nuôi hoặc thức ăn tự chế từ nguồn phụ phẩm có nguồn gốc động vật.

Thức ăn phải đảm bảo hàm lượng đạm theo từng giai đoạn phát triển của cá và cho ăn liên tục đủ lượng; vì nếu cho cá ăn không đủ chất và lượng cá sẽ chậm lớn, kéo dài thời gian nuôi và không đạt hiệu quả.

Lúc cá còn nhỏ, cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm trên 30%, lượng thức ăn 5 - 7% tổng trọng lượng cá, cho ăn 3 - 4 lần/ngày.

Khi cá lớn giảm dần hàm lượng đạm trong thức ăn, nhưng phải trên 25%, lượng thức ăn 2 - 3% tổng trọng lượng cá; cho ăn 2 lần/ngày.

Trong suốt quá trình nuôi, cần lưu ý giữ cho nước ao thật tốt để phòng bệnh cho cá nhất là giai đoạn giữa vụ nuôi trở đi vì lúc này lượng chất thải từ cá, lượng thức ăn dư thừa, các lớp tảo chết tích tụ dưới đáy ao rất nhiều. Bổ sung thêm men tiêu hoá, vitamin (đặc biệt là vitamin C, các chất kích thích để tăng khả năng tiêu hoá, sức để kháng cho cá.

Định kỳ kiểm tra đo các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Định kỳ thay khoảng 30% nước trong ao nuôi, sau khi thay nước xong dùng vôi và muối (lần lượt từng loại) hòa nước tạt đều khắp ao để phòng bệnh cho cá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem