Loại cá thơm ngon bổ dưỡng xưa là "cá nhà nghèo", nay dân Sóc Trăng nuôi thành công, hễ nói bán là hết sạch

Thúy Liễu (Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng) Chủ nhật, ngày 30/04/2023 08:17 AM (GMT+7)
Khoảng 4 năm trở lại đây, tại một số địa phương trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ nuôi tôm đã phát triển mô hình nuôi con cá chốt xen canh trong ao nuôi tôm. Cá chốt được thị trường khá ưa chuộng giá bán cao...
Bình luận 0
Việc nuôi cá chốt xen canh trong ao nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, ngoài việc đem lại nguồn thu nhập tốt cho hộ nuôi, còn góp phần cải tạo ao nuôi tôm, giúp cho mùa vụ nuôi tôm nước lợ giảm được dịch bệnh trên con tôm nuôi, cùng với đó tôm nuôi đạt năng suất và chất lượng tốt sau thu hoạch.

 

Loại cá thơm ngon bổ dưỡng xưa là "cá nhà nghèo", nay dân Sóc Trăng nuôi thành công, bán giá nhà giàu - Ảnh 1.

 

Nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) nuôi cá chốt luân canh trong ao nuôi tôm. Ảnh: Thúy Liễu

Chúng tôi đến tham quan khu vực ao nuôi cá chốt của ông Võ Hồng Liệt, ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) đúng lúc ông Liệt đang thu hoạch vụ cá chốt nuôi đầu tiên trong năm 2023. 

Cẩn thận dùng chiếc rổ to đưa vào vèo lưới xúc đầy rổ cá chốt, đưa lên khỏi mặt nước cho chúng tôi xem độ lớn đồng đều của đàn cá chốt sau mấy tháng nuôi, ông Liệt hồ hởi chia sẻ: “Tôi thả nuôi giống cá chốt trâu vào ao nuôi tôm vào tháng 11 năm 2022, sau khi đã thu hoạch xong vụ nuôi tôm nước lợ trong năm 2022. Diện tích ao nuôi cá là 2.500 m2, sau hơn 4 tháng nuôi cá chốt đã đạt được trọng lượng bình quân từ 25 con - 30 con/kg, bây giờ cá đã thu hoạch được để cung ứng ra thị trường...".

Theo ông Liệt, hiện tại, kéo xong mẻ lưới này là ông đã thu hoạch dứt điểm vụ nuôi cá chốt, ước tổng sản lượng cá 3,5 tấn, giá bán cá 100.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/2.500 m2 ao nuôi. 

So với con tôm nuôi nước lợ thì con cá chốt dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, đặc biệt trong môi trường nước lợ, ngọt cá đều tăng trưởng tốt, cá không gặp các vấn đề về dịch bệnh. Do đó, để cá chốt phát triển tốt mỗi ngày nên cho cá ăn loại thức ăn viên, từ 2 lần - 3 lần/ngày và cứ cách vài tuần nên bổ sung thêm vitamin tổng hợp cho cá, giúp cá khỏe mạnh, đường ruột cá tốt tiêu thụ thức ăn nhanh, giúp cá mau lớn. 

"Dự định là sau khi thu hoạch xong cá chốt, tôi sẽ tiếp tục thả nuôi cá chốt, trong thời gian đợi độ mặn thích hợp lấy nước vào thả nuôi vụ tôm trong năm 2023”, ông Liệt cho hay.

Đồng chí Tăng Thanh Chí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 100 ha diện tích nuôi cá chốt, hầu hết cá chốt được nuôi luân canh trong ao nuôi tôm và một phần diện tích ao nuôi tôm kém hiệu quả, hộ dân chuyển sang nuôi cá chốt, vì cá chốt dễ nuôi, không có dịch bệnh. 

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo hộ dân chỉ phát triển diện tích nuôi cá vừa phải, tránh tình trạng cung vượt cầu, kéo giá bán cá giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận hộ nuôi. Mặc dù cá chốt dễ nuôi nhưng để có thu hoạch đạt sản lượng cao.

Các hộ dân trước khi thả nuôi cá cần cải tạo ao nuôi thật kỹ, sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường ao nuôi và thường xuyên kiểm tra nguồn nước, độ pH và không để tảo phát triển nhiều trong ao nuôi, nền đáy ao nuôi phải xử lý sạch để tránh khí độc phát sinh, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá”.

Cá chốt được thị trường khá ưa chuộng từ thời điểm mới phát triển mô hình nuôi cá chốt trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, giá bán cá loại 25 con - 30 con/kg lên đến 150.000 đồng - 200.000 đồng/kg, nhưng qua từng năm giá cá giảm dần. 

Hiện tại, giá bán cá tại ao từ 90.000 đồng - 100.000 đồng/kg, nguyên nhân giá cá giảm là do lượng cá trên thị trường nhiều; vì vậy, khi phát triển nuôi cá chốt hộ dân nên thả nuôi diện tích vừa phải, để đầu ra con cá ổn định và đảm bảo lợi nhuận tốt cho hộ nuôi.

Cá chốt - cá ngạnh (tên tiếng anh: Naked catfishes) là một loại cá da trơn thuộc họ cá lăng. Cá chốt thường sinh sống ở các vùng nước ngọt, nước lợ tại khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ở nước ta, cá chốt được tìm thấy nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở Bạc Liêu. Ở Bạc Liêu xưa cá chốt nhiều vô số nên có câu ca: Bạc Liêu là xứ quê mùa/Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.

Loài cá chốt có đặc điểm đầu nhỏ, miệng tù với 4 đôi râu. Phần thân dẹp và ánh lên màu vàng nghệ. Trên thân có nhiều ngạnh rất nhọn, khi chích vào tay gây đau nhức từ 1 - 3 ngày, nên cá chốt một thời được xem là nỗi ám ảnh đối với bà con làm nghề đánh bắt cá ở miền Tây.

Vào những ngày sa mưa, cá chốt đua nhau theo kênh rạch lên đồng. Đây được xem là thời điểm đánh bắt cá thuận lợi và chất lượng nhất bởi vào lúc này, cá rất mập, thịt chắc ngọt và béo ngậy vô cùng. Với cá chốt, người dân có thể chế biến thành nhiều món ăn dân dã, phong phú như: kho sả, nấu me, om chuối hay làm mắm đều rất ngon.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem