Khám phá "Lễ dâng y" độc đáo của người Khmer Nam bộ ở tỉnh Sóc Trăng

Chúc Ly - Mai Anh Thứ hai, ngày 01/11/2021 06:20 AM (GMT+7)
Lễ dâng y Kathina, là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo Nam tông. Hàng năm, từ ngày 15/9 đến 15/10 âm lịch, bà con người Khmer Nam bộ, trong đó có cộng đồng dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng lại rộn ràng tổ chức lễ Kathina hay còn gọi là lễ dâng bông hoặc lễ dâng y.
Bình luận 0

Lễ dâng y của người Khmer Nam bộ- cầu cho phum sóc yên ấm

Lễ dâng y (hay là lễ dâng bông) là nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, được tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ và trước ngày tổ chức lễ Oóc – Om – Bóc. Người dân tổ chức nghi lễ này nhằm cầu cho phum sóc yên ấm, gia đình bình an và thành kính dâng những áo cà sa, các vật dụng dành cho chư tăng.

Video: Lễ dâng y tại chùa Xá Xiểng (tỉnh Sóc Trăng) được tổ chức năm 2020.

Đại đức Linh Vạn Sự, trụ trì chùa Peam Puôl Thmây, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Trong đồng bào dân tộc Khmer, lễ dâng y thường diễn ra theo nguyên thủy khi ra. Trong thời gian 29 ngày, chùa nào cũng có thể chọn 1 ngày để tổ chức lễ dâng y. Lễ dâng y nói đúng theo tiếng là Kathina có nghĩa là bền vững và bền chắc".

Lễ dâng y – nét văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ - Ảnh 2.

Chư tăng được mời về nhà để tụng kinh và cầu an cho gia chủ và cư dân trong phum, sóc. Ảnh: M.A.

Theo truyền thống, chỉ vị sư nào đã hoàn thành 3 tháng an cư nhập hạ theo đúng giới luật tại một nơi mới được thọ lãnh phước báu của đại lễ này. Sau khi chọn được ngày phù hợp trong khoảng thời gian từ 15/9 đến 15/10 âm lịch, các chùa sẽ sẽ thông báo cho phật tử ngày làm lễ dâng y.

Về vật phẩm dâng lên trong ngày lễ, ngoài những lễ vật truyền thống như áo cà sa (vật phẩm quan trọng nhất trong lễ để tưởng nhớ về nghi thức do Phật chế), bình bát để sư sãi khất thực, tập, viết,...

Vật phẩm còn có các vật dụng sinh hoạt, đồ dùng hàng ngày cần thiết khác trong chùa như thuốc men, thực phẩm,... 

Những vật phẩm này được bà con chuẩn bị để tỏ lòng tri ân và chia sẻ đối với người xuất gia. Các phật tử chuẩn bị lễ vật cúng dường rất trang trọng.

Từng tham gia lễ hội dâng y, ông Nguyễn Minh Trí (ngụ phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), chia sẻ: "Dâng y là phong là phong tục của người Khmer. Đối với gia đình tôi, đây là ước nguyện của mẹ nên bây giờ tới ngày tới tháng gia đình tôi dâng bông cúng lên chùa Xá Xiểng. Đây cũng chính là tâm nguyện của nhiều bà con đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng cũng như các tỉnh ĐBSCL".

Lễ dâng y – nét văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ - Ảnh 3.

Các vật phẩm cho lễ dâng y của dân tộc Khmer Nam bộ được gia chủ chuẩn bị chu đáo. Ảnh: MA.

Ông Lý Thanh Tuấn (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), cho biết thêm: "Tại gia đình đứng ra tổ chức lễ dâng y thì phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Cách ngày lễ chính 2-3 ngày bà con chòm xóm chung quanh sẽ tề tựu về đây rất đông vui, người chuẩn bị phần lễ nghinh cúng, cắm hoa hay làm bánh, người thì chuẩn bị sân khấu để biểu diễn những hoạt động văn nghệ truyền thống".

Nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer

Thông thường, lễ dâng y được diễn ra trong 2 ngày. Ngày thứ nhất, các gia đình tổ chức cho các đoàn phật tử (gồm đội múa trống Sa dăm, các chú khỉ Hanuman, các chú đeo hình nộm ông địa hoặc một vị thần nào đó trong truyền thuyết, các chú ngựa,....) đi quyên góp tịnh tài để mua các vật dụng dâng đến chư tăng. 

Sự đóng góp mỗi gia đình, mỗi người là không bắt buộc, tùy vào lòng hảo tâm. Sau đó họ thỉnh chư tăng đến để tụng kinh và cầu an cho gia chủ và cư dân trong phum, sóc.

Lễ dâng y – nét văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ - Ảnh 4.

Các gia đình tổ chức cho các đoàn phật tử đi quyên góp tịnh tài để mua các vật dụng dâng đến chư tăng. Ảnh: M.A.

Ngày thứ hai, phật tử các nơi hội tụ về chùa, nhiễu phật 3 vòng ở chính điện, dâng cúng trai tăng tứ vật dụng (đồ ăn, thuốc men, y phục và vật trải thảm khi ngồi thiền), bát và nhất là y báu Kathina (áo cà sa Kathina). 

Người ta cho rằng cúng dường tại thời điểm này đem lại nhiều phước lành phát sinh do oai đức của chư tăng an cư trong 3 tháng tại một nơi. Khi đoàn người diễu hành bà con chung quanh cũng hòa mình vào đoàn người, tạo nên không khí vô cùng nhộn nhịp và rộn ràng.

Theo anh Tuấn, bên cạnh chủ làm Kathina, bà con trong bổn sóc cũng cầm theo bông để hùng phước cùng chủ nhà, không khí rất đông vui. 

Lễ dâng y là nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng người Khmer, là dịp cộng đồng tổ chức quyên góp tu sửa trường học, đường sá, nhà tăng, nhà hội...Mọi việc làm đều thể hiện một ý thức cộng đồng rất cao.

Lễ dâng y – nét văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ - Ảnh 5.

Các gia đình đem vật phẩm đến chùa Khmer. Ảnh: M.A.

Lễ dâng y – nét văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ - Ảnh 6.

Theo truyền thống, chỉ vị sư nào đã hoàn thành 3 tháng an cư nhập hạ theo đúng giới luật tại một nơi mới được thọ lãnh phước báu của đại lễ này.

Ngoài ra, để tăng thêm phần long trọng, chính quyền địa phương còn hỗ trợ các chùa tổ chức hội thao dân gian, tổ chức hát dù kê, biểu diễn nghệ thuật truyền thống để phục vụ bà con vui chơi giải trí về ban đêm.

Tùy thuộc vào đời sống kinh tế của phật tử trong phum sóc mà quy mô tổ chức lễ dâng y cũng khác nhau. Đây cũng là dịp để bà con trong bổn sóc sum họp và quây quần tổ chức các hoạt động mang đậm sắc màu văn hóa dân gian của đồng bào Khmer như: Múa trống Sa dăm, múa Chằn, múa chúc phúc, nhạc ngũ âm,…

Lễ dâng y – nét văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ - Ảnh 7.

Phật tử các nơi hội tụ về chùa, nhiễu phật 3 vòng ở chính điện, dâng cúng trai tăng tứ vật dụng. Ảnh: M.A.

Năm nay, lễ dâng y rơi vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Chính vì thế tại các tỉnh thành miền Tây nơi có đồng bào Khmer Nam Bộ đang sinh sống như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ,….các địa phương tạo mọi điều kiện để bà con đón lễ. Tuy nhiên, tùy vào tình hình phòng chống dịch bệnh tại mỗi nơi sẽ có cách tổ chức phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem