Vì sao người Khmer Nam Bộ không có năm Sửu, Mão và Thìn?

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 13/02/2021 14:26 PM (GMT+7)
Trong 12 con giáp của người Khmer không có năm Sửu, Mão (Mèo), Thìn mà thay bằng bò, thỏ và rắn Naga.
Bình luận 0

Theo văn hóa Phương Đông, lịch được xác lập theo chu kỳ thay đổi đều đặn của mặt trăng. Đơn vị giờ, ngày, tháng, năm được tính bằng Thập Nhị Chi trong Can Chi hay Thiên Can Địa Chi. Mỗi địa chi tương ứng lần lượt với 12 loại động vật quen thuộc: Chuột, Trâu, Hổ, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn. 

Người Á Đông như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam... đều dùng động vật tượng trưng cho các năm sinh để biết mình cầm tinh con gì. Từ đó, tính toán được năm tuổi, phỏng đoán số mệnh và tử vi mỗi người.

Vì sao người Khmer Nam Bộ không có năm Sửu, Mão và Thìn? - Ảnh 1.

Hình tượng năm trâu (sửu) được thay bằng bò trên bích hoạ của chùa Khmer.

Tuy nhiên, theo sách "Tranh tường Khmer Nam Bộ" của tác giả Huỳnh Thanh Bình (Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ) thì 12 con giáp của người Khmer khác với người Việt. Theo đó, người Khmer phỏng các con giáp thuộc cung hoàng đạo với mục đích và ý tưởng riêng của họ. 

Nguyên tắc của 12 năm âm lịch, với mỗi năm đại diện bởi một con giáp vẫn được tuân theo nhưng trâu được thay thế bằng bò, mão (mèo) được thay bằng thỏ và rồng bằng rắn Naga. Ngoài ra, mỗi con giáp thể hiện dưới dạng bích hoạ thường đi kèm với một "hóa thân" nam hoặc nữ (đại diện cho âm dương) gồm: Thiên, Người, Chằn.

Theo đó, sự khác nhau này có liên quan tới truyền thuyết hoàng tử Thomma bal chiến thắng cuộc đấu trí với "thần bốn mặt" Kabil Môhaprum.

Chuyện kể rằng, từ thuở Ngọc Đế Indra tạo nên trời đất, một vị quốc vương có một người con trai thông minh, đĩnh ngộ tên là hoàng tử Thomma bal. Vừa mới lên 5, hoàng tử Thomma bal đã bắt đầu học, người học đâu nhớ đấy, học một biết hai. Đến năm 7 tuổi, hoàng tử thông thuộc cả bộ sách thiên văn, bói toán, luật lệ, kinh điển của chư vị thần linh.

Nhà vua rất hài lòng về đứa con quý, truyền bá quan xây cất một dinh thự giữa khu vườn rộng để hoàng tử thuyết pháp. Người đời bấy giờ gọi hoàng tử là nhà hiền triết, tiếng Bắc Phạn (Sanscrit) gọi là Dharmapla tức là nhà gìn giữ pháp luật.

Tiếng khen nhà hiền triết Thomma bal - vị đông cung thái tử mới 7 tuổi đã thông tinh kim cổ bay tới thiên đình. Vị thần Kabil Môhaprum là vị thần có bốn mặt chuyên xuống trần thuyết pháp dạy đời nghe qua liền nổi lòng ghen tức. Thần tìm cách hại Thomma bal để củng cố địa vị của mình. Nghĩ xong thần liền bay xuống dinh và gọi hoàng tử Thommabal ra thử thách.

Ông đưa ra 3 câu hỏi:

- Câu thứ nhất: Buổi sáng cái duyên con người ở đâu?

- Câu thứ hai: Buổi trưa cái duyên con người ở đâu?

- Câu thứ ba: Buổi tối cái duyên con người ở đâu?

Nếu hoàng tử đáp đúng, ông sẽ tự chặt đầu mình, nếu hoàng tử sai sẽ dâng đầu cho ông ta. Cuối cùng, nhờ nghe được hai con linh điểu nói chuyện với nhau mà hoàng tử đã chiến thắng.

Vì sao người Khmer Nam Bộ không có năm Sửu, Mão và Thìn? - Ảnh 2.

Năm Mão của người Khmer được thay bằng hình tượng năm Naga (thay cho con rồng/Thìn) được thể hiện một vị nam thần/deva cưỡi trên Naga.nữ nhân cưỡi trên lưng thỏ.

Vì sao người Khmer Nam Bộ không có năm Sửu, Mão và Thìn? - Ảnh 3.

Năm Thìn được thể hiện một vị nam thần/deva cưỡi trên rắn Naga.

Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng của đạo Bà La Môn và Phật giáo hệ phái Tiểu thừa, người Khmer ăn Tết khác hơn người Việt.

Ngày Tết của đồng bào Khmer được gọi là "Chôl Chnăm Thmây" được tổ chức vào trung tuần tháng Tư dương lịch. Đây là thời điểm tiết trời khô ráo, mùa màng đã gặt hái xong, người dân tha hồ mà vui chơi.

Ngày Tết, người Khmer làm bánh ngọt, bánh tét, hoa quả nhang đèn... dâng lên chùa lễ Phật, sau đó cùng dùng với các sư và khách khứa. Tết đến, nhiều gia đình vào ở trong chùa làm công quả, vừa vui chơi, vừa được dự lễ, vì mọi nghi thức, vui chơi sinh hoạt trong 3 ngày Tết đều tập trung tại chùa.

Theo khoa thiên văn truyền từ Ấn Độ sang thì người Khmer tính ngày đầu năm bằng hai lối vào. Chôl (vào năm) tính theo sự vận chuyển của mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi 12 con thú tượng trưng của 12 con giáp trong một kỳ.

Chnăm (năm) tính theo sự vận chuyển của mặt trời và đánh dấu bước đầu năm mới. Thường Chôl được tính vào đầu tháng Cheth là tháng Ba âm lịch của người Việt, nhằm khoảng giữa tháng 4 dương lịch; còn Chnăm thì thay đổi tùy theo trăng tròn và khuyết nhằm ngày 12, 13 hay 14 âm lịch.

Giờ vào năm mới của người Khmer không giống giờ của người Âu hay Á là cứ vào nửa đêm, lúc không giờ là giao thừa mà giờ vào năm mới của người Khmer luôn thay đổi, không năm nào giống năm nào, căn cứ vào quyển Đại lịch (Môha Soong kran) mà người ta biết được giờ đón giao thừa.

Vì sao người Khmer Nam Bộ không có năm Sửu, Mão và Thìn? - Ảnh 4.

Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer Nam Bộ.

Trong giờ khắc đón giao thừa, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại, ngồi hướng về phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba cái để tiễn đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Têvêđa là vị tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian một năm, hết nhiệm kỳ sẽ có vị khác xuống thay thế.

Đối với người Khmer, ngày lễ đầu năm là ngày lễ về tôn giáo, là một dịp tẩy sạch những bẩn nhơ trong năm cũ để bước vào cuộc đời mới thanh khiết, vui tươi hơn năm qua. Suốt 4 ngày đầu năm, mọi người phải dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, lau chùi tất cả vật dụng và thắp các ngọn đèn, thắp nhang thơm, cắm hoa tươi, treo bông kết hoa để đón thỉnh chư thần Têvêđa đến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem