Lào Cai: Khắp nơi cắt bán rau đặc sản “Trạng Quỳnh”, từng đoàn khách dừng lại mua, nhà nông thu bộn tiền

Thứ ba, ngày 22/02/2022 18:41 PM (GMT+7)
Những ngày này, nông dân phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa) đang tập trung thu hoạch rau mầm đá bán ra thị trường. Nếu như rau đặc sản “mầm đá” trong truyện Trạng Quỳnh không thể ăn được thì rau mầm đá Sa Pa lại đem lại giá trị kinh tế rất cao.
Bình luận 0

Lào Cai: Khắp nơi cắt bán rau đặc sản mầm đá có trong truyện Trạng Quỳnh, từng đoàn khách dừng lại mua, nhà nông thu bộn tiền

Anh Hồ Khắc Tráng, tổ 1, phường Ô Quý Hồ đang gọi thêm người thu hoạch rau mầm đá. Vừa hướng dẫn 2 người địa phương cách cắt rau, anh Tráng vừa kể về quá trình trồng thành công loại rau mầm đá - loại rau đặc sản vùng ôn đới từng xuất hiện trong truyện Trạng Quỳnh. 

Năm 2018, anh Hồ Khắc Tráng có ý tưởng đưa giống rau mầm đá của Trung Quốc về trồng thử nghiệm trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình. Anh đã nhập cùng lúc nhiều giống rau mầm đá để theo dõi loại nào thích hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu của Sa Pa. 

Rất may, trong lần trồng thử nghiệm đầu tiên, anh đã tìm ra giống rau phù hợp với điều kiện đất đai ở độ cao 1.700 m so với mực nước biển. Từ 5.000 m2 đầu tiên, đến nay, anh  đã mở rộng diện tích trồng rau mầm đá lên 3,5 ha ứng dụng công nghệ cao. 

Lào Cai: Khắp nơi cắt bán rau đặc sản “Trạng Quỳnh”, từng đoàn khách dừng lại mua, nhà nông thu bộn tiền - Ảnh 1.

Anh Hồ Khắc Tráng hướng dẫn công nhân thu hoạch rau mầm đá.

Theo kinh nghiệm của anh Tráng, rau mầm đá rất phù hợp với khí hậu lạnh của Sa Pa. Thời vụ trồng từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, sau khoảng 2,5 tháng, rau có thể cho thu hoạch. Rau đạt tiêu chuẩn thu hoạch là khi mầm nhô lên 2 - 3 cm, trọng lượng đạt khoảng 8 - 9 lạng/cây. 

Mầm đá thuộc họ cải, trồng ở vùng khí hậu lạnh nên dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, năng suất khoảng 30 tấn/ha, giá bán ổn định tại vườn từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí có thể cho lãi hơn 200 triệu đồng/ha.

Anh Hồ Khắc Tráng cho biết: Rau mầm đá phù hợp với khí hậu mùa đông ở Sa Pa. Thường các năm, vào mùa đông, các gia đình để đất trống bởi thời tiết quá lạnh, cây trồng khó phát triển. Cây mầm đá rất lý tưởng để tăng giá trị kinh tế vụ đông.

Từ vài nghìn m2 đầu tiên của 1 hộ trồng thử nghiệm, đến năm 2020, phường Ô Quý Hồ đã có 3 ha trồng rau mầm đá, đến năm 2021, diện tích trồng rau mầm đá đạt hơn 20 ha với 10 hộ trồng. Ô Quý Hồ được coi là “thủ phủ” rau mầm đá của Sa Pa, bởi diện tích rau mầm đá tập trung tại đây.

Trên địa bàn phường Ô Quý Hồ có hơn 200 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có 100 ha su su lấy quả; 20 ha su su lấy rau; 20 ha mầm đá; 15 ha cà chua; 40 ha su hào, bắp cải; 45 ha lúa… Diện tích rau chủ yếu tập trung ở tổ 1 và tổ 2 thành vùng chuyên canh. 

Nông nghiệp tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của phường khi năm 2021, các chỉ tiêu trong sản xuất nông nghiệp của phường Ô Quý Hồ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các sản phẩm nông nghiệp của phường có đầu ra ổn định, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, các khu công nghiệp lớn. Trong tình hình dịch bệnh, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề thì sản xuất nông nghiệp đem lại nguồn thu ổn định cho người dân. 

Dù mới đưa vào trồng được 3 năm nhưng với những đặc tính nổi bật, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, Ô Quý Hồ xác định mầm đá là cây trồng chủ lực, mũi nhọn của phường.

Ông Triệu Trọng Bằng, Chủ tịch UBND phường Ô Quý Hồ cho biết: Rau mầm đá trở thành đặc sản của Sa Pa được nhiều thực khách biết đến. Rau ngon, có giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, năng suất và giá trị kinh tế cao, chúng tôi khuyến khích nông dân trồng rau mầm đá vào vụ đông, điều này góp phần giải bài toán để đất trống trong mùa đông giá rét. 

Đối với một số hộ trồng hoa ly, chúng tôi cũng vận động sau khi thu hoạch, có thể xuống giống trồng mầm đá. Dự báo, khi du lịch phục hồi, thị trường tiêu thụ rau mầm đá càng rộng mở. 10 hộ trồng rau mầm đá của phường đang tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng đã nuôi ăn.

Thời điểm này, khắp nơi ở Sa Pa đều thấy bày bán rau mầm đá, rau mầm đá thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng. Du lịch tái khởi động, từng đoàn du khách đổ về Sa Pa, món rau mầm đá cũng được nhiều du khách lựa chọn mua về làm quà. 

Rau mầm đá - món quà của vùng cao - có triển vọng phát triển rất lớn, trở thành cây trồng đem lại thu nhập ổn định, thậm chí có thể làm giàu với người dân Sa Pa. Một số vùng có độ cao trên 1.500 m ở Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát cũng có thể phát triển rau mầm đá theo mô hình như ở Ô Quý Hồ.


Vân Thảo (www.baolaocai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem