"Khu đô thị" giữa lòng nông thôn mới ở Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Hà Lan Thứ hai, ngày 29/05/2023 10:30 AM (GMT+7)
Một khu đô thị giữa lòng nông thôn với dọc ngang quanh xã là các tuyến đường bằng bê tông kiên cố thoáng đãng, môi trường sạch đẹp, trong lành. Ngạc nhiên hơn cả là hầu hết những vườn rau VietGAP, hướng hữu cơ ở Tượng Sơn có quy trình giám sát, nhật ký sản xuất ghi lại bởi camera, nông dân làm thương mại điện tử chuyên nghiệp...
Bình luận 0
"Khu đô thị" giữa lòng nông thôn mới ở Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Khu đô thị giữa lòng nông thôn được nhắc tới ở trên chính là xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đến với Tượng Sơn, đập vào mắt chúng tôi là những khu vườn được quy hoạch bài bản, sản xuất đủ các loại rau củ quả kết hợp đào ao nuôi cá, nuôi ốc. Cũng như các địa phương khác, vườn hộ đều được quy hoạch theo các lớp lang nhưng Tượng Sơn có thêm nét đặc biệt đó là hầu hết các tiến bộ khoa học công nghệ đều đã được địa phương này ứng dụng thành công vào sản xuất rau củ quả, cụ thể là sản xuất rau VietGAP, theo hướng hữu cơ có gắn camera giám sát.

"Khu đô thị" giữa lòng nông thôn mới ở Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Người dân hiến đất và góp công làm đường đổ bê tông kiên cố tại xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Sơn, Giám đốc HTX Hoàng Hà (xã Tượng Sơn) chia sẻ, những năm 2015 – 2016, nông dân Tượng Sơn bắt đầu "bén duyên" với mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Từ một vài hộ tham gia, đến tháng 10/2019 – khi thương hiệu rau Tượng Sơn được chứng nhận VietGAP thì tổng số hộ tham gia đã lên tới con số 256/7 thôn.

Thời điểm đó, giai đoạn xây dựng mô hình kinh tế đang lên cao trào, nâng cao thu nhập của người dân trong xây dựng NTM lên cao, khi Tượng Sơn phát triển được những vườn hộ mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng khiến nhiều địa phương ngưỡng mộ, đến học tập kinh nghiệm.

Cuối năm 2020, để làm sạch môi trường, tăng tính kỷ luật trong sản xuất, xã Tượng Sơn lắp đặt 10 mắt camera giám sát hoạt động sản xuất tại các hộ dân thôn Hà Thanh. Năm 2021, xã mở rộng thêm 10 mắt camera tại thôn Sâm Lộc và Thượng Phú. "Những hộ dân này đang từng bước chuyển từ sản xuất VietGAP sang theo hướng hữu cơ, an toàn. Tất cả quy trình sản xuất đều phải ghi nhật ký bằng… clip và chịu sự giám sát thông qua hệ thống máy chủ đặt tại HTX Hoàng Hà", ông Sơn nói.

May mắn hơn nữa là xã Tượng Sơn được nằm trong vùng lắp đặt trạm quản lý khí hậu tự động công nghệ iMetos (có thể dự báo, cảnh báo thời tiết, dự báo được lượng mưa và thời gian mưa, báo động lượng mưa quá ngưỡng, nhiệt độ cực đoan như nóng, lạnh, rét đậm, rét hại, sương muối,… trong phạm vi bán kính 5 - 25km), dán tem nhãn QR code truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là sử dụng công nghệ internet để quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường.

Đến nay, diện tích sản xuất rau hàng năm của xã Tượng Sơn đạt 30 – 40 ha, trong đó đã hình thành các vùng rau - củ - quả tập trung chuyên canh với diện tích 14 ha. Tổng sản lượng rau – củ - quả toàn xã xấp xỉ đạt 2.000 tấn/năm. Trên địa bàn xã đã hình thành 5 vùng chuyên canh cây rau – củ - quả gồm Cánh Hàn, Đội Rai, Tây Nương Cộ, Phú Cầu, Cu Cu. 

Đa số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hiệu quả sản xuất của người nông dân đã được cải thiện với mức lãi trung bình 113 đến 120 triệu đồng/ha/năm, mức lãi đạt cao hơn 6 lần so với trồng lúa và 3 - 4 lần so với trồng lạc. Hiện, xã có 2 nhà máy sơ chế rau củ tại thôn Thượng Phú và Bắc Bình (do dự án WB7 đầu tư) để sơ chế nông sản trước khi xuất bán.

Theo lãnh đạo xã Tượng Sơn, sản phẩm rau, củ, quả được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương. Những năm qua, địa phương đã đa dạng hóa cây trồng nên mùa nào người dân cũng có thu nhập từ rau. Với 30 ha tập trung ngoài đồng ruộng và khoảng 35 ha tại các vườn hộ, mỗi năm, tổng thu nhập từ các loại rau trên địa bàn lên đến hàng chục tỷ đồng. Từ truyền thống và tiềm năng này, chính quyền xã Tượng Sơn đã chỉ đạo Hợp tác xã phải xây dựng thành công vùng chuyên canh rau hữu cơ.  "Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa lại giá trị kinh tế cao, bền vững, Đảng ủy, chính quyền xã quyết định cho triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ, hướng đến xây dựng cả Tượng Sơn thành vùng rau hữu cơ tuyệt đối"- đồng chí Dương Kim Huy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết.

"Khu đô thị" giữa lòng nông thôn mới ở Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Sản phẩm rau, củ quả hữu cơ Tượng Sơn được công nhận nhãn hiệu tập thể "Tượng Sơn rau củ quả sạch huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh"

Với những bước đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, sản phẩm rau củ quả sạch Tượng Sơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Tượng Sơn rau củ quả sạch huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh". 

"Nhãn hiệu Tượng Sơn được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu tập thể là điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm rau củ quả xã Tượng Sơn trên thị trường; hạn chế nguy cơ chiếm đoạt nhãn hiệu, góp phần tạo ra cơ hội và lợi ích lớn hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh", đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh thông tin.

Đồng chí Dương Kim Huy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã rất tự tin khi khẳng định với chúng tôi về chặng đường xây dựng xã NTM kiểu mẫu của xã nhà. "Được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 nhưng cán bộ, nhân dân xã chúng tôi không thỏa mãn, dừng lại với những kết quả đạt được mà tiếp tục đoàn kết, chung sức, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2019"- đồng chí Kim Huy tự hào chia sẻ.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, trên lộ trình xây dựng đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, tiêu chí nào cũng khó nhưng Tượng Sơn đã làm tốt 3 tiêu chí khó nhất đó là: Môi trường, thu nhập và khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn ở xã đảm bảo tiêu chí: Rộng, xanh, sạch, đẹp. 

Được biết, để có kết quả như vậy, ngoài ý thức người dân, xã đã thành lập tổ dịch vụ thu gom rác với 4 người, 1 tháng thu 3 lần và mỗi lần 3 ngày. Trước khi tổ này xuống tận nhà gom rác thì người dân đã phải xử lý, phân loại rác, thứ nào đào hố chôn, thứ nào đốt, thứ nào tái chế để làm phân bón vi sinh. Nhờ đó, lượng rác trong dân giảm nhiều, xã cũng tiết kiệm được chi phí và quan trọng hơn là môi trường luôn sạch sẽ, trong lành.

"Khu đô thị" giữa lòng nông thôn mới ở Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh - Ảnh 4.

Đồng chí Dương Kim Huy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.

Đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu không chỉ qua đánh giá các tiêu chí cứng mà điều quan trọng hơn đó là, cộng đồng thôn xóm phải biết đoàn kết, giữ vững an ninh thôn xóm, coi việc bảo vệ cảnh quan môi trường của làng xóm như bảo vệ chính ngôi nhà mình. 

Đặc biệt, dù ở giai đoạn phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao hay đạt xã NTM kiểu mẫu, Tượng Sơn vẫn xác định tiêu chí thu nhập là quan trọng nhất. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, mang lại lợi ích kinh tế cao, bền vững, Đảng ủy, chính quyền xã quyết định cho triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ, hướng đến xây dựng Tượng Sơn thành vùng rau hữu cơ tuyệt đối. 

Đáng chú ý, người dân Tượng Sơn đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm, đưa khoa học kĩ thuật, chọn giống, cải tạo đất, thâm canh đạt năng suất cao. Đặc biệt, sản phẩm rau, củ, quả Tượng Sơn đã được cấp chứng chỉ VietGAP, được nhiều đối tác là các siêu thị, công ty cung ứng rau quả trong và ngoài nước tìm đến ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm. 

Đến nay, toàn xã có hơn 250 vườn hộ có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm; gần 300 vườn cho thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/năm,… góp phần đưa thu nhập đầu người bình quân toàn xã tăng lên 45 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn xã Tượng Sơn có hơn 250 vườn hộ sản xuất nông nghiệp thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, sản phẩm rau quả Tượng Sơn đã được cấp chứng chỉ VietGAP.

Qua các năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, ngoài mở rộng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, Tượng Sơn đã thành lập được 15 tổ hợp tác, 5 hợp tác xã, 5 doanh nghiệp liên kết với hộ dân phát triển kinh tế; xây dựng 91 mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

"Khu đô thị" giữa lòng nông thôn mới ở Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh - Ảnh 5.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem