Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: Đi tìm nguyên nhân của sự đói, nghèo (Bài 1)

Mùa Xuân Thứ sáu, ngày 19/05/2023 09:00 AM (GMT+7)
Ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã dành một nửa cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng khi về làm Bí thư Chi bộ ở thôn vùng cao, ông mới biết đồng bào dân tộc Xa Phó vẫn còn nhiều hộ đói, nghèo…
Bình luận 0
Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: Đi tìm nguyên nhân của sự đói, nghèo (Bài 1) - Ảnh 1.

Clip: Ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai nói về những khó khăn của đồng bào dân tộc Xa Phó.

Xuất thân là người lính cụ Hồ

Chúng tôi gặp ông Phạm Huy Cảm vào một buổi chiều hè khi cơn mưa vừa tạnh sau những ngày nắng nóng dài ngày, đường còn chưa kịp khô. Do chúng tôi chưa quen đường nên Bí thư Chi bộ Phạm Huy Cảm đã tận tình đi chiếc xe gắn máy Wave, màu xanh lục ra tận đầu thôn để đón. Ấy thế mới nói, ông được bà con từ thôn đến xã, rồi cán bộ thành phố, tỉnh Lào Cai biết đến là bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm, chu đáo không chỉ trong công việc hàng ngày mà đối với cả khách đến thăm.

Sau cái bắt tay thật chặt, ông Cảm mời chúng tôi vào nhà. Tuy đã ở tuổi 75, tóc đã bạc trắng nhưng giọng nói của ông Cảm vẫn mang cái sự lưu loát của một người thầy, sự rành mạch của người lính cụ Hồ. Nhìn lên bức tường nhà ông Cảm, chúng tôi thực sự ấn tượng với những Bằng khen, Giấy khen từ Trung ương đến địa phương được ông Cảm treo trang trọng như một niềm tự hào về những thành tích mà ông Cảm đã cống hiến.

Người chỉ lối giúp dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: Đi tìm nguyên nhân của sự đói, nghèo (Bài 1) - Ảnh 2.

Khi được Đảng ủy xã Tả Phời tăng cường về làm Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, ông Phạm Huy Cảm đã tổ chức họp dân nhiều lần để tìm hiểu nguyên nhân của sự chậm phát triển kinh tế... Ảnh: Mùa Xuân.

Trong câu chuyện với ông Cảm, chúng tôi được biết, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở tỉnh Bắc Ninh. Năm 1967, ông lên công tác trong ngành giáo dục của Lào Cai. Thời điểm đó, ông Cảm được phân công giảng dạy tại trường phổ thông cơ sở Cam Đường, huyện Bảo Thắng (nay là xã Cam Đường, thành phố Lào Cai). Sau 4 năm công tác ở trường, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Cảm hăng hái tham gia nhập ngũ tại đơn vị Đoàn 1506 - Bộ tư lệnh công binh (Ba Vì – Hà Tây – Hà Nội).

Những năm tháng ở trong đơn vị rồi hành quân từ Bắc vào Nam hỗ trợ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã rèn cho ông Cảm bản lĩnh cứng cáp của người lính cụ Hồ.

Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông xuất ngũ trở về Lào Cai, tiếp tục công việc giảng dạy tại trường cũ. Với ông Cảm, được gieo mầm cho những ước mơ đó là niềm vinh dự, tự hào lớn lao. Ông luôn tâm niệm bản thân phải làm được điều gì đó giúp con em đồng bào các dân tộc vùng cao biết con chữ, nâng cao trình độ.

Sau hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, năm 2008, ông Cảm được nghỉ hưu theo chế độ tại thôn Phân Lân, xã Tả Phời. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng khi cấp ủy, chính quyền địa phương cần, ông Cảm vẫn sẵn lòng tích cực tham gia công tác và nhận nhiệm vụ do chính quyền địa phương giao phó.

Người chỉ lối giúp dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: Đi tìm nguyên nhân của sự đói, nghèo (Bài 1) - Ảnh 3.

Trước khi ông Phạm Huy Cảm chưa về làm Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, đồng bào dân tộc Xa Phó chỉ trồng lúa 1 vụ nên thiếu đói giáp hạt. Ảnh: Mùa Xuân.

Năm 2009, ông Cảm tiếp tục được thành phố Lào Cai mời tham gia công tác để tăng cường cho xã Tả Phời và ông được giao 2 nhiệm vụ: Cùng cấp ủy, chính quyền xã Tả Phời thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới và cải tiến phong tục tập quán đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn vùng cao.

Thế là ông Cảm lại tiếp tục cống hiến công sức của mình để cùng xã Tả Phời xây dựng nông thôn mới giàu đẹp hơn. Trong 3 năm, ông đã cùng xã Tả Phời tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.

Điểm nhấn là, ông Cảm phối hợp cùng địa phương đưa 60 ha chè Shan Tuyết về trồng tại thôn Pèng, Ú Sì Sung và 20 ha cây lê Tai Nung về cho bà con thôn Phìn Hồ, Phìn Hồ Thầu trồng để nâng cao thu nhập.

Tại sao cái đói, cái nghèo mãi đeo bám đồng bào dân tộc Xa Phó?

Năm 2018, vì yêu cầu nhiệm vụ, ông Cảm được Đảng ủy xã Tả Phời giao trọng trách lên làm Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, nằm vùng cùng bà con dân tộc ít người nơi đây. Dấn thân vào vùng đất khó của đồng bào dân tộc Xa Phó cũng là vùng khó khăn nhất của xã Tả Phời nói riêng và thành phố Lào Cai nói chung.

Với trọng trách, nhiệm vụ được giao, ông Cảm hàng ngày lại cầm trên tay chiếc cặp sách chứa đựng cây bút, quyển sổ, những nghị quyết, văn bản của cấp trên gửi xuống để lên thôn Láo Lý tuyên truyền cho bà con.

Người chỉ lối giúp dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: Đi tìm nguyên nhân của sự đói, nghèo (Bài 1) - Ảnh 4.

Những năm trước đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà con thôn Láo Lý, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai kém phát triển do nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa có kỹ thuật chăn nuôi.... Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, cho biết: Thôn Láo Lý có 75 hộ dân, với 374 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Xa Phó hay còn gọi là dân tộc Phù Lá.

"Khi tôi mới về làm Bí thư Chi bộ thôn vùng khó này buồn lắm nhà báo ạ. Buồn là bởi đây là thôn nhiều con số 0 nhất. Không có Hội CCB, Hội người cao tuổi; không có ai học hết bậc THPT; đặc biệt là không có thanh niên nào đạt cân nặng 50 kg trở lên; không có hộ nào có thu nhập trên 100 triệu đồng; thiếu đói, thu nhập thấp…" - ông Cảm kể lại. 

Thôn này chỉ cách trung tâm xã Tả Phời khoảng 3km; điện, đường, trường học đã được Nhà nước đầu tư. Từng là người thầy của biết bao đứa trẻ ở vùng cao nơi đây khi còn đứng trên bục giảng. Thế nhưng khi tôi được phân công về làm cán bộ thôn, họp thôn cùng với bà con tôi mới thấu được sự khó khăn, vất vả của đồng bào dân tộc Xa Phó.

Người chỉ lối giúp dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: Đi tìm nguyên nhân của sự đói, nghèo (Bài 1) - Ảnh 5.

Một góc thôn Láo Lý, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai nơi có 100% là đồng bào dân tộc Xa Phó sinh sống. Ảnh: Mùa Xuân.

Để đi tìm nguyên nhân của sự đói, nghèo và những phong tục tập quán còn lạc hậu của đồng bào dân tộc Xa Phó, ông Cảm đã phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, ăn với dân, thậm chí ngủ với dân để lắng nghe, phân tích từng vấn đề cụ thể. 

Xa Phó là 1 trong những dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Người Xá Phó sinh sống chủ yếu ở các huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai. Người Xá Phó, hay còn gọi là người dân tộc Phù Lá, sống chủ yếu dựa vào việc làm nương và ruộng bậc thang hoặc chăn nuôi.

Từ đây, ông Cảm nhận ra rằng nguồn gốc sâu xa của những cái "không" ở trên, tất cả đều xuất phát từ trình độ dân trí quá thấp, nhận thức còn hạn chế, tập quán sản xuất lạc hậu. Ở thôn từ trước tới giờ không có ai đi bộ đội do không đủ sức khỏe nên không có Hội CCB thôn; không có Hội người cao tuổi vì tuổi thọ trung bình thấp.

Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp, người dân không biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, người dân chỉ biết trồng lúa 1 vụ, sử dụng trâu để cày hoặc dùng cuốc, hộ nào có tiền thì đi mua ít phân NPK về bón cho cây lúa nhưng người dân lại không biết rằng loại phân này khiến chai đất mà năng suất không được bao nhiêu. Trong khi đó, phân chuồng từ chăn nuôi nhiều thì người dân lại không biết tận dụng. Rất nhiều chỗ đủ khả năng trồng ruộng 2 vụ, người dân nói ông Cảm "thầy ơi" không có nước thì không trồng lúa được 2 vụ đâu, lại kêu thành phố.

Ngoài ra, đồng bào dân tộc Xa Phó sinh sống quần tụ, ít giao lưu và va chạm với xã hội bên ngoài nên dẫn đến tự ti, nhất là trong giao tiếp. Việc lập gia đình chỉ giới hạn trong thôn, cùng dân tộc nên mới dẫn tới tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Người chỉ lối giúp dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: Đi tìm nguyên nhân của sự đói, nghèo (Bài 1) - Ảnh 6.

Ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai xem lại những Bằng khen của cá nhân do Trung ương, địa phương tặng. Ảnh: Mùa Xuân.

Ở một khía cạnh khác, trong phát triển chăn nuôi, ông Cảm thấy đồng bào dân tộc Xa Phó do thiếu hiểu biết nên khi ở thôn khác có trâu, bò, lợn, gà chết thường mang về nhà chế biến ăn. Nhưng không phải ăn không mà phải mất một khoản tiền chi trả cho chủ chăn nuôi nữa. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh dịch bệnh cho đàn vật nuôi của thôn khiến chăn nuôi không thể phát triển, chưa kể có thể gây ra bệnh cho người.

Từ những vấn đề lạc hậu, những tồn tại hạn chế đó ông Cảm nghĩ, nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục không thôi thì chưa thể đủ sức thuyết phục mà cần phải có cách làm, hướng đi cụ thể để người dân nhìn vào thực tiễn.

Còn nữa…

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: Đi tìm nguyên nhân của sự đói, nghèo (Bài 1) - Ảnh 9.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem