Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Kết hợp làm du lịch nông thôn

Lan Anh - Hồng Thái Thứ ba, ngày 25/10/2022 10:06 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 với nhiều mục tiêu quan trọng.
Bình luận 0

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông - lâm - ngư nghiệp, môi trường sinh thái nông thôn của tỉnh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, tỉnh Hậu Giang triển khai kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2022 - 2025.

Tăng thu nhập người dân nông thôn ít nhất 1,5 lần

UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 với nhiều mục tiêu quan trọng. Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM (hiện toàn tỉnh có 35/51 xã NTM, chiếm 68,63%), trong đó có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 16/19 tiêu chí NTM và các xã, ấp đặc biệt khó khăn phải cơ bản hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; đồng thời những địa phương (xã, huyện) đã được công nhận đạt chuẩn NTM thì tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Kết hợp làm du lịch nông thôn - Ảnh 1.

Khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tây Đô (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang). Ảnh: T.L

Đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh Hậu Giang có 101 cơ sở lưu trú du lịch, 1.307 phòng; 21 điểm tham quan du lịch, nhiều điểm kinh doanh, ăn uống... Có 16 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, các công trình văn hóa tôn giáo, lễ hội văn hóa, làng nghề truyền thống, ẩm thực, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Đặc biệt, mục tiêu trọng tâm của Chương trình xây dựng NTM đến năm 2025 là mức thu nhập bình quân của người dân nông thôn của tỉnh tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

UBND tỉnh xác định 11 nhiệm vụ trọng tâm để các sở, ngành và địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả, đồng thời đưa phong trào xây dựng NTM của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu. Điển hình, các ngành chức năng và địa phương triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn… từ đó góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Phát triển các điểm đến, sản phẩm du lịch

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh thực hiện phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững.

Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Kết hợp làm du lịch nông thôn - Ảnh 3.

Chợ nổi Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) – điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: T.L

Theo đó, Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025 có từ 3 - 5 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn có ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; 70% số lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các sở, ngành liên quan sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn, nguồn nhân lực du lịch nông thôn; lựa chọn, hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn.

Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho hoạt động này. Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế của địa phương; tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem