Quảng Trị: Xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới

Thu Hà (Hội ND Quảng Trị) Thứ hai, ngày 24/10/2022 13:07 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, cùng với việc phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, Hội Nông dân xã Hải Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thi đua đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới...
Bình luận 0

Hội Nông dân xã Hải Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thi đua đẩy mạnh sản xuất, dồn điển đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có hiệu quả.

Quảng Trị: Xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

 Mô hình nuôi trâu của ông Cái Vạn Bữu hội viên nông dân xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Ông Nguyễn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phong cho biết: Hội có 1.718 hội viên nông dân, chiếm 97,8% tổng số hộ nông nghiệp, tham gia sinh hoạt tại 7 chi Hội và 43 tổ Hội. 

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp của địa phương, nông dân xã Hải Phong đã phát huy tính cần cù lao động, sáng tạo trong sản xuất, nắm bắt các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, từ sự nỗ lực của hội viên và sự hỗ trợ của Hội, nông dân đã phát triển, mở rộng nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình Sen - cá; chăn nuôi bò Lai sin; nuôi Dê đàn; mô hình cải tạo đất trồng lúa khó sản xuất sang đào ao thả cá và trồng cây ăn quả…

Riêng năm 2021, Hội Nông dân xã đã hướng dẫn và hỗ trợ vốn mở rộng phát triển 02 mô hình: Mô hình chăn nuôi trâu đàn theo hình thức nuôi nhốt của hộ ông Cái Vạn Bữu với tổng đàn 30 con, trong đó 10 con trâu nái và 20 con trâu thịt, nguồn thức ăn dành 1ha đồng cỏ và rơm rạ có sẵn, mỗi năm xuất bán từ 7- 10 con, lợi nhuận thu được 150 triệu đồng/năm; Mô hình chăn nuôi vịt đàn của hộ ông Võ Văn Ất, với quy mô tổng đàn nuôi 40 ngàn con/năm, mỗi tháng xuất bán từ 4.000 - 5.000 con, lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, Hội tích cực vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả. Toàn xã hiện có 7 tổ hợp tác, trong đó có 3 tổ nuôi cá lồng trên sông với 45 thành viên tham gia, gồm cá chình, leo và các loại cá khác; 2 tổ sản xuất lúa cánh đồng lớn, thuận tiện cho việc sản xuất, giảm chi phí và công chăm sóc, với 27 thành viên tham gia, diện tích 33,6 ha và 2 tổ trồng lúa hữu cơ, 19 thành viên tham gia với diện tích 5 ha lúa hữu cơ.

Hội Nông dân xã cũng đã chủ động phối hợp với các ngành, hợp tác xã tổ chức các lớp dạy nghề, buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng trăm lượt hội viên. Năm 2021, Hội đã phối hợp tổ chức 07 lớp, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Quảng Trị: Xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá bằng lồng mũi thuyền trên sông đem lại hiệu quả cao ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Đào Thiện (Đài PTTH Quảng Trị).

Để hỗ trợ hội viên có vốn sản xuất, Hội đã phối hợp hỗ trợ vốn vay qua các ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, toàn xã có tổng dư nợ 32,3 tỷ đồng với 770 hộ vay. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội 10,2 tỷ đồng cho 323 hộ vay; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn 20 tỷ đồng cho 395 hộ vay; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 1,6 tỷ đồng cho 40 hộ vay; nguồn Quỹ hỗ nông dân các cấp giải ngân 460 triệu đồng cho 12 hộ vay.

Từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, nhiều hội viên nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thành hộ khá, giàu như: Hộ gia đình ông Lê Đình Tính, thôn Phú Kinh với mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo cho thu nhập từ 150-180 triệu đồng/năm; hộ ông Dương Công Khánh, thôn Câu Hà vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giàu với mô hình chăn nuôi lợn sinh sản cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm; hộ ông Hoàng Tấn Lợi, thôn Câu Hà với mô hình sen - cá diện tích 1ha cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm…

Hướng tới đích nông thôn mới kiểu mẫu

Hội nông dân xã Hải Phong còn làm tốt công tác vận động nông dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới; nông dân đã tham gia các nội dung trong chỉnh trang nông thôn: “Ngày nông thôn mới”, “Con đường tự quản”, xây dựng “Con đường kiểu mẫu”, xây dựng chi Hội điểm trong xây dựng nông thôn mới; tham gia đóng góp ngày công lao động, tiền mặt để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chỉnh trang khuôn viên nhà ở góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân hoán đổi đất xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lúa hữa cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm; chế biến tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; khuyến khích phát triển các ngành nghề phụ và tham gia kinh doanh dịch vụ...

Bên cạnh đó, Hội tiếp tục tăng cường hoạt động hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao; đồng thời vận động hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Qua đó, Hội Nông dân xã Hải Phong, hội viên, nông dân trong xã đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương sớm về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem