Hạn chế rút BHXH 1 lần: Cần giải pháp căn cơ

Nguyệt Tạ Chủ nhật, ngày 01/05/2022 06:09 AM (GMT+7)
Đóng BHXH là cơ hội để lao động được đảm bảo cuộc sống lúc về già thông qua việc nhận lương hưu, nhưng vì khó khăn trước mắt nhiều lao động đã chọn giải pháp rút BHXH 1 lần. Lợi hại của thực trạng nóng này ra sao?
Bình luận 0

Gia tăng số người rút BHXH 1 lần

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có hơn 200.000 lượt người rút BHXH 1 lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân cứ hai người mới tham gia BHXH thì một người rời đi. Có đến 97% số người chọn rút 1 lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 - 29 tuổi. Tỷ lệ này ở nữ giới là 55,6%, nam giới là 44,4%.

Chị Nguyễn Thị Lan (39 tuổi, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có mặt tại BHXH quận Nam Từ Liêm từ rất sớm chờ để được làm thủ tục giải quyết BHXH 1 lần. Chị Lan cho biết, từ nhiều ngày nay, lúc nào cũng đông lao động tới làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và đăng ký giải quyết BHXH 1 lần.

Làn sóng rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Cần giải pháp căn cơ - Ảnh 1.

Lao động làm thủ tục hưởng BHXH 1 lần tại BHXH Hà Nội. Ảnh: P.V

"Bộ LĐTBXH đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH, trong đó có 5 nhóm chính sách rất căn cơ, căn bản, bám theo tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH. Dự kiến Luật BHXH sửa đổi sẽ được trình tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH - Đào Ngọc Dung

Theo tính toán, sau 6 năm đóng BHXH, nếu rút BHXH 1 lần, chị Lan sẽ nhận được một khoản gần 50 triệu đồng. Số tiền này được dùng để lo sinh hoạt gia đình. Chị Lan tâm sự: "Tôi thất nghiệp đã 2 năm, 2 năm nghỉ việc phải làm đủ công việc để mưu sinh nhưng vẫn không đủ chi tiêu. Giờ đến lúc phải thanh toán tiền sổ đỏ mua nhà không có tiền nên đành phải rút BHXH 1 lần"- chị Lan tâm sự.

Hoàn cảnh khó khăn, cộng thêm việc chị cũng không có ý định quay lại công ty làm việc nên sau 1 năm thất nghiệp, chị quyết định rút BHXH 1 lần. Không riêng gì chị Lan, hàng trăm nghìn lao động đã chọn giải pháp rút BHXH 1 lần và xem nó như là cứu cánh giúp họ thoát khỏi cảnh túng quẫn.

"Giờ cũng nhiều tuổi, đi xin làm công nhân cũng rất khó, thế nên tôi dự định về nhà mở cửa hàng may tại nhà. Nếu làm việc tại nhà thì tôi cũng không muốn tham gia đóng BHXH tiếp"- chị Lan nói.

Cùng chung hoàn cảnh, anh Vũ Văn Phúc (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, anh cũng đang làm thủ tục để nhận BHXH 1 lần. Dù biết lấy BHXH 1 lần thiệt thòi vì sau không có lương hưu, giờ không có BHYT nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác.

Làn sóng rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Cần giải pháp căn cơ - Ảnh 3.

Rút BHXH 1 lần sẽ làm lao động chịu nhiều thiệt thòi (Công nhân làm việc tại 1 công ty may tại Hà Nội. Ảnh: Viết Niệm)

Với 16 năm đóng BHXH, mức đóng trên nền tiền lương khá cao, nếu rút BHXH 1 lần, anh có thể nhận về tới 150 triệu đồng. "Cuộc sống quá khó khăn, đợt rồi cả 2 vợ chồng tôi đều thất nghiệp, nên bắt buộc phải rút để lấy tiền lo liệu nợ nần và cho các con ăn học. Nếu sau này đi làm lại thì lại tiếp tục đóng thôi"- anh Phúc nói.

Có một vấn đề đáng báo động là người lao động không chỉ rút BHXH 1 lần do những khó khăn trước mắt mà nhiều lao động còn rút BHXH 1 lần còn do tâm lý đám đông. Anh Nguyễn Văn Giang (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, anh cũng khá lo ngại vì gần đây thấy bạn bè, đồng nghiệp rút BHXH 1 lần nhiều. Anh Giang nói: "Tôi cũng đang khá băn khoăn, nếu nghỉ việc tôi cũng muốn rút BHXH 1 lần. Để lâu không biết sau này thế nào, vì khả năng cũng không làm việc tại doanh nghiệp tới lúc về hưu được".

Làn sóng rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Cần giải pháp căn cơ - Ảnh 4.

Không chỉ anh Giang, rất nhiều lao động không nắm rõ Luật BHXH, không nắm rõ quyền lợi nên chọn giải pháp rút BHXH 1 lần theo số đông. Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, có nhiều lao động sau khi thất nghiệp chọn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngay sau khi hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì làm hồ sơ rút BHXH 1 lần.

"Cán bộ tư vấn của trung tâm cũng đã tư vấn nhiều lần cho lao động nhưng không thành công. Lao động nói họ muốn rút BHXH 1 lần bởi vì hoàn cảnh khó khăn và cũng không chắc có thể tìm kiếm được việc làm mới. Nhiều lao động cho biết, có thể họ sẽ làm công việc tự do, hoặc nếu tìm được công việc ổn định thì sẽ tiếp tục đóng BHXH sau"- ông Thành nói.

Chỉ nên cho lao động rút một phần BHXH

"Tôi cho rằng vẫn cần thực hiện chính sách BHXH 1 lần, nhưng chỉ thực hiện với các trường hợp lao động ra nước ngoài định cư dài hạn, đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng chưa đóng đủ thời gian theo quy định. Các trường hợp còn lại nên khuyến khích tiếp tục tham gia để bảo đảm về già có lương hưu, trong điều kiện chúng ta sẽ giảm thời gian đóng xuống 15 năm và có thể xuống 10 năm. Tuy nhiên, cũng cần có chính sách hỗ trợ thông qua vay vốn ưu đãi, trợ cấp khó khăn để người lao động không rút BHXH 1 lần. Bên cạnh đó, có thể vận động được người người lao động không rút BHXH 1 lần mà theo hướng rút một phần.

img

Cụ thể, có thể lấy 8% của người lao động đóng để giải quyết khó khăn trước mắt, còn 14% tiếp tục giữ lại. Phần giữ lại sẽ được quỹ BHXH bảo toàn phát triển, khi hết tuổi lao động người lao động được cân đối sử dụng. Thậm chí khi người lao động có điều kiện quay lại tham gia BHXH thì tiếp tục đóng hướng tới đủ thời gian hưởng lương hưu. Việc tham gia BHXH vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội theo nguyên tắc phát triển bền vững. Tham gia BHXH để chăm lo cho chính mình, tích lũy để hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn, hưu trí, tử tuất và chế độ BHYT. Đây là quyền lợi rất quan trọng và người lao động cần cân nhắc thật kỹ trước khi bàn tới chuyện rút BHXH 1 lần".

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

img

Sửa Luật BHXH giữ chân lao động

"Để tạo điều kiện cho người lao động sớm được hưởng lương hưu, theo Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018 về cải cách chính sách BHXH, thời gian đóng BHXH ít nhất để được hưởng lương hưu có thể giảm từ 20 năm xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Sắp tới, Chính phủ sẽ sớm xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, luật về việc làm để sửa đổi các quy định theo nghị quyết của Trung ương. Việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần này, sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện) người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động".

Ông Nguyễn Thế Mạnh -

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Theo ông Thành, thời gian qua, tỷ lệ lao động tham gia đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng gia tăng. Đến năm 2022, tình trạng này bắt đầu giảm so với cuối năm 2021, lý do là bởi kinh tế bắt đầu phục hồi.

Đề xuất nhiều giải pháp giảm rút BHXH 1 lần

Theo BHXH Việt Nam, từ năm 2016 - 2020, có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính BHXH 1 lần, mỗi năm trung bình có gần 750.000 người rời khỏi hệ thống. Cứ hai người mới tham gia vào hệ thống BHXH thì một người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thực tế, có nhiều quốc gia không cho phép lao động được hưởng BHXH 1 lần. Báo cáo của Hiệp hội An sinh quốc tế (ISSA) và ILO cho thấy một số quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga và Đức cũng áp dụng điều khoản này.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết, kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn thực hiện trong tháng 3/2022 với hơn 1.500 người lao động cho thấy, hơn 56% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ; và hơn 13% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống phải đi vay. Đặc biệt có 1/5 (trong tổng số 2.000 người) lao động được hỏi cho biết đã từng rút BHXH 1 lần, sau đó lại đóng tiếp. Nguyên nhân là do cần tiền giải quyết những khó khăn trước mắt. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động mất đi cơ hội nhận lương hưu và có BHYT khi về già, hoặc nếu có cũng rất thấp.

Bàn về giải pháp, ông Lê Đình Quảng cho rằng: "Cần phải tăng cường tuyên truyền cho người lao động hiểu ý nghĩa của việc tham gia BHXH, song song với đó cần nâng tiền lương, giúp lao động ổn định cuộc sống. Công việc ổn định lao động có tích lũy sẽ yên tâm làm việc tiếp tục tham gia BHXH, hưởng chế độ BHXH hưu trí lâu dài".

Cũng theo ông Quảng nên nghiên cứu giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm; có chế tài mạnh, quản lý chặt chẽ tránh doanh nghiệp viện cớ phá sản để chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động... để giảm thiểu số người rút BHXH 1 lần. Bên cạnh đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất giải pháp cho vay tín dụng thuận lợi người lao động khó khăn khi mất việc, tránh việc phải tìm tới "tín dụng đen".

Còn theo TS Đào Quang Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) thì cho rằng cần phải bổ sung thêm nhiều chế độ với BHXH tự nguyện: Như chế độ tử tuất; thai sản, an toàn lao động... Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chế tài giám sát, quản lý quỹ. Thực hiện công khai, minh bạch kết quả kinh doanh hay thu chi Quỹ BHXH để người dân được tiếp cận, an tâm, tin tưởng.

Còn ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng nên có trợ giúp kinh tế cho các lao động khó khăn. Đây có thể là giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng ồ ạt rút BHXH 1 lần.

"Nhiều người lao động chỉ cần một khoản tiền không quá lớn, 15 - 20 triệu đồng để vượt qua khó khăn trước mắt. Có thể tính toán để cho người lao động vay với lãi suất thấp và điều kiện vay không quá khó khăn và trừ dần vào lương hằng tháng"- ông Thành nói. 

Còn ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng nên có trợ giúp kinh tế cho các lao động khó khăn. Đây có thể là giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng ồ ạt rút BHXH 1 lần.

"Nhiều người lao động chỉ cần một khoản tiền không quá lớn, 15 - 20 triệu đồng để vượt qua khó khăn trước mắt. Có thể tính toán để cho người lao động vay với lãi suất thấp và điều kiện vay không quá khó khăn và trừ dần vào lương hằng tháng"- ông Thành nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem