Hà Tĩnh chuyển mình với nông nghiệp xanh kết hợp du lịch sinh thái

Tập Thỏa Chủ nhật, ngày 31/12/2023 13:05 PM (GMT+7)
Những năm qua, TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã mạnh dạn tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển mô hình nông nghiệp xanh kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Bình luận 0

Hướng tới thành phố "công viên xanh"

Những năm qua, TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) chủ trương tập trung phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đô thị, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành khu dịch vụ gắn với du lịch sinh thái tại địa phương. Cùng với đó, huy động các nguồn lực để nâng cấp hệ thống hạ tầng, củng cố các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Để thực hiện điều đó, chính quyền TP.Hà Tĩnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ người nông dân trong tất cả các khâu từ hình thành các hợp tác xã đến xây dựng, nhận diện thương hiệu, hạ tầng, chuyển giao công nghệ, giống, kỹ thuật... Ngoài ra, thành phố cũng tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, địa phương này đã hỗ trợ kinh phí không quá 750 triệu đồng cho các mô hình nông nghiệp xây dựng nhà lưới, nhà màng. Hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình cho các đơn vị, HTX xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, chứng nhận vùng sản xuất an toàn, VietGAP, Global GAP, hữu cơ. Bà con nông dân khi đầu tư máy móc, nhà xưởng, con giống, vật tư… có cơ quan thẩm quyền xác nhận sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí (không quá 1 tỷ đồng/dự án)…

Xứ Nghệ chuyển mình với nông nghiệp xanh kết hợp du lịch sinh thái - Ảnh 1.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn “3 trong 1” của anh Nguyễn Hữu Quyền (tại xã Thạch Hạ, TP.Hà Tĩnh). Ảnh: T.T

Nhờ dám nghĩ, dám làm TP.Hà Tĩnh đã tạo đòn bẩy cho phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất, đạt 178 ha diện tích đất nông nghiệp (tính từ năm 2021 đên nay). Có 15 mô hình, dự án nông nghiệp cho hiệu quả tốt, giá trị kinh tế đạt 85 triệu đồng/ha, cao hơn 9 triệu so với năm 2020.

Được hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng, anh Nguyễn Hữu Quyền đã mạnh dạn thuê đất, phá bờ, mở rộng theo chính sách tích tụ ruộng đất để vừa trồng lúa, vừa kết hợp nuôi xen canh cá, tôm càng xanh, tạo cảnh quan cho du lịch trải nghiệm.

Anh Nguyễn Hữu Quyền chia sẻ: "Mô hình hoàn toàn không sử dụng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ. Phía dưới ruộng lúa tôi thả hơn 10 vạn con giống gồm các loại cá và tôm càng xanh, tận dụng dụng đất còn trống trên bờ, lối đi tôi trồng các loại hoa, dựng các túp lều lợp tranh trên bờ ao, để du khách đến check-in, chụp ảnh. Những ngày cuối tuần, rất đông đến nghỉ ngơi, giải trí là điểm du lịch trải nghiệm thú vị".

Tại xã Đồng Môn (TP.Hà Tĩnh), ông Trần Nhật Duật cùng con gái Trần Thị Ánh đã thuê và cải tạo đất ruộng 5ha kém hiệu quả tại thôn Liên Công xây dựng trang trại nuôi trai lấy ngọc. Đây là mô hình nuôi trai lấy ngọc đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh. Ngọc trai được bán với giá từ 300 nghìn đồng -1 triệu đồng/viên (tùy chất lượng), đặc biệt có những viên to, đẹp có thể lên đến 10 triệu đồng. Sau 4 năm tìm hiểu, học hỏi, hiện nay mô hình nuôi trai lấy ngọc của ông con Trần Nhật Duật và chị Trần Thị Ánh (trú tại xã Đồng Môn, TP.Hà Tĩnh) đã có những thành công bước đầu. Mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn viên ngọc có chất lượng đẹp, bỏ túi hàng trăm triệu đồng.

Theo đó, TP.Hà Tĩnh có chủ trương tập tạo lập hệ sinh thái về cây sen phát kinh tế cộng đồng bền vững, đa giá trị, cải tạo cảnh quan môi trường, hướng đến khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế (UBND TP.Hà Tĩnh) cho biết. "Theo đánh giá, các sản phẩm từ sen mang lại giá trị kinh tế cao. Bởi thế, hiện nay chúng tôi đẩy mạnh sản xuất các loại như: Rượu sen, trà lá sen, các món ẩm thực từ cây sen. Đặc biệt, sản phẩm trà sen đã được chứng nhận OCOP 3 sao, thị trường đón nhận nhiệt tình".

Lãnh đạo TP.Hà Tĩnh chia sẻ: "Chúng tôi đang xây dựng khu bảo tàng sen, súng gắn với ẩm thực, quán cà phê ngắm sen và trải nghiệm phong cảnh trên sông Rào Cái (phường Đại Nài). Đây được xem như là hệ sinh thái du lịch trải nghiệm về sen, du khách có thể thưởng thức các sản phẩm từ sen, chụp ảnh cùng sen, được hướng dẫn viên giới thiệu về quá trình chăm sóc sen và văn hóa sen tại TP.Hà Tĩnh"- vị lãnh đạo nói.

Xứ Nghệ chuyển mình với nông nghiệp xanh kết hợp du lịch sinh thái - Ảnh 3.

Mô hình trồng sen trong TP.Hà Tĩnh mang lại nguồn thu lớn. Ảnh: T.T

Tại xã Thạch Hạ (Hà Tĩnh) dự kiến thực hiện dự án liên kết nuôi trồng thủy sản, diện tích khoảng 126ha điều này góp phần khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát theo quy mô hộ gia đình, cá nhân. Tại đây có mô hình lúa ST25 trên diện tích 12ha; trồng dứa trên 5ha; thuần hóa, nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt dưới diện tích trồng dứa, lúa; nuôi cua trong hộp nhựa; trồng cau tứ quý, và các loại sen để phát triển du lịch sinh thái.

Theo đánh giá của lãnh đạo TP.Hà Tĩnh, chúng tôi mong muốn thu được giá trị cao nhất trên cùng đơn vị diện tích. Ví dụ mô hình "5 trong 1" này, phần đất cao chúng tôi trồng cau; thấp hơn trồng dừa xiêm, dừa sáp, diện tích dưới gốc trồng rau; dưới ao thì trồng lúa, thả cá, cua và trồng hoa, trang trí để làm du lịch.

Cả hệ thống cùng chuyển mình

Trong xây dựng nông thôn mới, TP.Hà Tĩnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố và phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn được xem là nội dung "cốt lõi".

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hà Tĩnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phương hướng: Ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp đô thị. Tỷ trọng nông nghiệp-thủy sản dưới 1%; giá trị trên ha sản xuất 130 triệu đồng. Sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, TP. Hà Tĩnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị. Năm 2021, TP.Hà Tĩnh xác định thực hiện là năm của phát triển nông nghiệp đô thị; còn năm 2022 tiếp tục đi vào thực chất là kinh tế nông nghiệp, phát triển đa mục tiêu kế thừa kết quả đạt được năm 2021. Để thực hiện những nội dung trên, trong thời gian qua TP.Hà Tĩnh đã tập trung nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở; Ban Thường vụ Thành ủy ngay đầu nhiệm kỳ đã làm việc với các địa phương có tiềm năng về phát triển nông nghiệp; xây dựng kế hoạch cho từng năm.

Ban hành cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp đô thị; tổ chức các hội nghị xúc tiến sản xuất, tọa đàm phát triển chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tìm các mô hình, giống cây con vào thử nghiệm. Xây dựng các vùng nông nghiệp sinh thái của thành phố; kêu gọi thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; phát triển HTX theo hướng liên kết; thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất...

Đây cũng làm tiền đề cho nông nghiệp đô thị thành phố chuyển mình thành hệ nông nghiệp sinh thái với những dự định lớn cho tương lai. Đưa thành phố thành trung tâm của nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; vùng du nhập và trồng thành công các loại sen quý để trở thành vùng trồng sen lớn của tỉnh, tạo dựng phục dựng Văn hóa Thành Sen.

Xây dựng vùng rau, hoa, quả công nghệ cao gắn với công nghệ sau thu hoạch; trung tâm của cây dược liệu gắn với chế biến sản phẩm; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp truyền thống các loại rau thơm, hành lá, các loại rau vùng trũng. Hình thành các vùng nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm của thành phố.

Trao đổi với PV Báo NTNN, vị lãnh đạo TP.Hà Tĩnh, cho biết: "Chúng tôi hướng tới xây dựng TP Hà Tĩnh trở thành "Thành phố công viên xanh" trong việc phát triển nông nghiệp. Để thực hiện bền vững, hiệu quả thì yếu tố kiên quyết là phải dựa vào lợi thế yếu tố tự nhiên để phát triển, không được vì xây dựng mô hình cố thay đổi chúng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem