Giữ mãi tiếng khèn Mông ở vùng cao Pác Nặm (kỳ 1): Nỗi niềm “cao nhân”

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 13/08/2021 06:24 AM (GMT+7)
Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, nam thì phải có khèn, cũng giống như nữ thì nhất định phải có lù cở (gùi) - đó là lời giới thiệu tâm huyết của một nghệ nhân khèn gần 80 tuổi với chúng tôi trong một chiều mưa như trút nước ở Bản Nghè (xã Cổ Linh, Pác Nặm, Bắc Kạn).
Bình luận 0

Ông lo lắng, nếu ông mất đi, liệu có cách nào để giữ tiếng khèn Mông mãi réo rắt trên những rẻo cao Bắc Kạn…

Dù các "nghệ nhân" chơi khèn ở Bắc Kạn đang rất nỗ lực để bảo tồn, vậy nhưng nghệ thuật múa khèn của đồng bào Mông nơi đây vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ mai một.

Thung sâu vọng tiếng khèn bè

Giữ mãi tiếng khèn Mông ở vùng cao Pác Nặm (kỳ 1): Nỗi niềm “cao nhân” - Ảnh 1.

Thầy trò thầy Lý Hồng Quân tập khèn bên suối, tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

"Huyện Pác Nặm đã có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật múa khèn của người Mông cũng như khuyến khích, động viên những người đang tâm huyết trong việc bảo tồn, truyền dạy nghệ thuật múa khèn như ông Lý Hồng Quân (xã Nghiên Loan) và ông Hoàng Văn Tân - Chủ nhiệm CLB khèn Mông thôn Bản Nghè (xã Cổ Linh)".

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm

Sau 15 phút lần theo vết chân, chúng tôi cũng tìm được nơi thầy trò Lý Hồng Quân (xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) luyện khèn. Từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi chỉ thấy hai chấm đen thoăn thoắt, cuồng mê, thể như hai chú khiếu đang căng lửa bung mình múa bên dòng thác.

Tiếng khèn cất lên rộn ràng, nhịp nối nhịp với những thanh âm khi trầm, khi bổng, như nhả, như nuốt, lúc lại dập dồn theo nhịp bước chân. Có thể cảm nhận được trong đó có cả ngàn vạn tiếng gió reo, tiếng thác đổ, có tiếng người già nghiêm nghị trầm tư và tiếng lòng người Mông nơi lũng núi này.

Dứt tiếng khèn, "giảo" Quân trìu mến nhìn cậu học trò nhỏ rồi đưa tay xoa đầu khích lệ. Lúc này anh mới nhận biết sự có mặt của chúng tôi. Mẹ cuả cậu học trò - cô gái Mông có làn da trắng như bông lê ngồi cạnh khẽ giật mình, chớp mi gật đầu e thẹn chào khách đường xa.

"Giảo" Quân là cách gọi thầy giáo của người dân địa phương, bởi Lý Hồng Quân vốn theo nghề dạy học. Anh bảo, dạy chữ dễ hơn dạy khèn, nên học trò theo học khèn anh không nhiều. Số học trò chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, mà thành tài lại càng thật hiếm hoi. Nói rồi, anh ôm khèn ngồi trên mom đá, dõi mắt nhìn lên ngọn núi cao tít mờ xa buông tiếng thở dài. Cậu học trò ngồi bên yên lặng.

Giữ mãi tiếng khèn Mông ở vùng cao Pác Nặm (kỳ 1): Nỗi niềm “cao nhân” - Ảnh 3.

Em Dương Văn Minh ở thôn Lủng Vài, xã Nghiên Loan, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

"Để chinh phục được những đỉnh non, người Mông không chỉ cần đến sức mạnh, kinh nghiệm, cơ trí mà còn cần đến những âm thanh núi rừng trong tiếng khèn của những chàng trai Mông, cần những câu hát, tiếng kèn lá của các cô gái Mông đợi bước chân người. Tiếc rằng, người Mông mình giờ không còn mấy ai hứng thú với những tâm huyết mà cha ông đã dày công vun đắp, truyền dạy. Nếu không để tâm, chẳng mấy nữa đâu, tiếng khèn, tiếng sáo, lời đàn môi, kèn lá, những bài dân ca, dân vũ của người Mông ở Bắc Kạn sẽ không còn" - "giảo" Quân nói với học trò mà cũng như đang nói với chính mình vậy.

Tiếng thở dài sau vai núi

Đam mê với nghệ thuật khèn từ bé, vậy nhưng mãi khi trở thành thầy giáo, Lý Hồng Quân mới có điều kiện để học khèn. Anh bảo, anh học chưa được bao lâu thì người Mông ở Bắc Kạn bỗng quay lưng lại với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

"Nhiều người lặng lẽ mang khèn, mang sáo cho vào bếp lửa hoặc đưa lên núi, bỏ trong hang đá. Nhìn cảnh đó mà xót xa. Mình muốn tập khèn cũng phải đóng cửa mà tập để tránh những ánh mắt khó chịu. Thực sự khi đó rất cô đơn và lạc lõng, cảm giác như rơi xuống vực sâu, một mình một vực. Huyện Pác Nặm cho đến tận bây giờ cũng chỉ còn lại 3 nơi còn khèn là Bản Nghè (xã Cổ Linh quê anh - PV), bản Hồng Mú, xã Giáo Hiệu và thôn Nặm Khiếu của xã Nhạn Môn thôi"- "giảo" Quân cho biết thêm.

Giữ mãi tiếng khèn Mông ở vùng cao Pác Nặm (kỳ 1): Nỗi niềm “cao nhân” - Ảnh 4.

Trong câu chuyện của mình, "giảo" Quân nói nhiều đến những người thầy đã truyền dạy cho anh. Trong đó, có thầy Đức khèn nức tiếng không chỉ ở tỉnh Bắc Kạn, còn có ông Hoàng Văn Tân - Chủ nhiệm CLB khèn Mông thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh, nhờ đó mà tiếng khèn của anh dần có thêm hồn thêm vía.

Ngày đó, ngoài học thổi các bài khèn, anh còn tập luyện múa khèn. Động tác khó, có khi tập cả năm, thậm chí vài năm như múa khèn trên cột cao, cõng nhau khèn ngửa trên lưng hay trồng cây chuối, đứng trên vai nhau khèn… Gần đây, anh cùng học trò tập luyện múa khèn trên dây.

Còn nhớ, lần đầu tiên tiếng khèn "giảo" Quân xuất hiện là tại Hội Xuân Hồ Ba Bể vào năm 2014. Cả một góc hồ như nghiêng theo bởi những bước chân của người đến hội dồn về, tất thảy đều háo hức, trầm trồ. Có người bảo, "cao nhân" đấy, người lắc đầu, không phải, là "thánh khèn" mới đúng. Biệt danh thì nhiều, nhiều lắm, nhưng Lý Hồng Quân không để tâm. Điều anh đau đáu nhất là làm sao tìm được những người có đam mê với khèn để truyền dạy, với hy vọng tiếng khèn quê anh không bị mai một.

Chỉ tay vào cậu bé mặc áo pủ, đội mũ nồi, chân đi hài bata cạnh đó, "giảo" Quân bảo, đây là học trò mới của mình, Dương Văn Minh, là người Mông ở Lủng Vài, năm nay Minh lên lớp 5. Minh mới học được một năm nhưng rất có tố chất. Giờ tìm được người có tố chất và đam mê như Minh khó lắm. Cạnh đó, cô gái Mông có đôi má hồng như cánh đào phai vẫn đang lấy tay áo lau những giọt mồ hôi trên trán cậu học trò Dương Văn Minh. Hoàng Thị Đâư là mẹ Minh.

"Nhiều người Mông đang quay lưng với khèn, vì sao Đâư vẫn quyết định cho con học?" - tôi hỏi. Đâư bảo, bản sắc văn hóa của dân tộc mình thì mình phải giữ, nghĩ vậy nên mình mới cho con trai học khèn.

Ngồi trên mom đá, "giảo" Quân thi thoảng lại đưa khèn lên môi chỉnh âm, ánh mắt "giảo" Quân đục buồn da diết. Có lẽ "giảo" Quân đang nghĩ về số phận của những nhạc cụ dân tộc Mông trên non cao này, rồi bất chợt vô thức buông tiếng thở dài. Tiếng thở dài của "giảo" Quân như vắt qua vai núi, nơi in dấu những bước chân của biết bao người trai Mông đang quay lưng với khèn ở chốn non cao này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem