Con gái mẹ Nhu và hồi ức về “7 dũng sĩ Thanh Khê”

Nam Cường Thứ sáu, ngày 02/09/2022 14:30 PM (GMT+7)
Như một sự tình cờ hay sắp đặt của số phận, người con gái thứ 5 của mẹ Nhu, có khuôn mặt hao hao như bức tượng nổi tiếng ở cửa ngõ vào thành phố Đà Nẵng - tượng mẹ Nhu, một điểm nhấn gợi nhớ ký ức hào hùng và bi tráng trong những ngày dải đất dưới chân đèo Hải Vân sôi sục ý chí đấu tranh.
Bình luận 0

Ký ức về 7 dũng sĩ Thanh Khê

Ngôi nhà nhỏ của bà Phạm Thị Lan nằm nép mình trên đường Dũng sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ nhân của nó, bà Lan cũng dè dặt khi lần đầu tiên tiếp xúc với nhà báo. "Cô không quen lắm", nhưng rồi, người con gái thứ năm của mẹ Nhu, dần cởi mở lòng mình khi đắm chìm về những hồi ức của mùa đông 54 năm trước. Đó là mờ sáng ngày 26/12/1968 định mệnh. Ngày ra đi của mẹ Nhu và là huyền thoại về 7 dũng sĩ Thanh Khê sau này.

gop/ Con gái mẹ Nhu và hồi ức về “7 dũng sĩ Thanh Khê” - Ảnh 1.

Bà Lan bên cạnh những bức ảnh mẹ Nhu trong ngôi nhà tưởng niệm Mẹ. Ảnh: N.C

Bà Lan sinh 1954, tức vừa tròn 14 tuổi khi mẹ Nhu anh dũng hy sinh trong sự kiện ngày 26/12/1968, đó là ký ức hào hùng và bi thương nhất trong cuộc đời bà, cho đến bây giờ vẫn như một thước phim quay chậm. "Đó là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi và cũng là ngày không quên đối với người dân quận Nhì, nhất là dân quanh vùng Thanh Khê Đông, Thanh Lộc Đán, hay Thanh Khê Tây. Tôi còn nhớ như in, chiều ngày 25/12, mẹ tôi nói tôi phải đi hái củi trên rừng Nam Ô, không ngờ đó là những lời nói cuối cùng của mẹ với tôi" - bà Lan ngậm ngùi nhớ lại.

gop/ Con gái mẹ Nhu và hồi ức về “7 dũng sĩ Thanh Khê” - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Lan dưới chân tượng đài Mẹ Nhu. N.C

Ít ai biết, "lên rừng hái củi" đó là một cụm từ ám hiệu của mẹ Nhu khi nói với con, bởi lẽ, dù mới 14 tuổi, đang là học sinh nhưng bà Lan đã là một giao liên cừ khôi núp mình trong lòng quân địch, thường xuyên đưa thư liên lạc cho các cán bộ kháng chiến thời ấy. "Mẹ tôi dường như cũng cảm nhận được điều gì đó về cơ sở nuôi giấu cán bộ kháng chiến sẽ bị lộ, và để bảo vệ tính mạng cho con gái nên đã giục tôi đi khỏi nhà". Để rồi, buổi sáng ngày 26/12/1968, linh tính mách bảo, bà Lan vội vã trở về nhà, nhưng khi đến gần nhà thì thấy người vây kín, cảnh sát, quân Mỹ - ngụy được chỉ điểm đã tổ chức vây ráp và đánh vào hầm bí mật.

"Tôi chỉ biết đứng từ đằng xa và nuốt nước mắt vào trong, nhìn cảnh chúng tra tấn rồi sau đó bắn chết mẹ. Anh hai tôi bị địch bắt và tra tấn, nhưng anh ấy cũng như mẹ, rất ngoan cường. Hồi đó, việc nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí ngay giữa lòng thành phố phải được ngụy trang cẩn thận, kỹ lưỡng. Sau này, mấy người kể lại, khi quân địch bao vây mấy vòng và lôi mẹ tôi tra hỏi về hầm cất giấu cán bộ, vũ khí, mẹ tôi biết đã bị lộ nên dù bị tra tấn đau đớn, vẫn hét to: "Nhà tao không có giấu ai hết, nếu như nhà tao mà có giấu ai thì chúng mày chỉ là đồ ăn hại". Mục đích mẹ hét to như vậy là để đánh động cho những cán bộ ở dưới hầm biết" - bà Lan nhớ lại.

gop/ Con gái mẹ Nhu và hồi ức về “7 dũng sĩ Thanh Khê” - Ảnh 4.

Bà Lan bên chiếc áo đẫm máu của Mẹ Nhu.

"Tôi chỉ biết đứng từ đằng xa và nuốt nước mắt vào trong, nhìn cảnh chúng tra tấn rồi sau đó bắn chết mẹ. Anh hai tôi bị địch bắt và tra tấn, nhưng anh ấy cũng như mẹ, rất ngoan cường".

Bà Phạm Thị Lan

Sau khi không thể moi được thông tin từ mẹ Nhu, quân địch đã bắn chết bà rồi chôn xác trong vườn nhà. Câu chuyện phía sau thì như lịch sử đã ghi nhận về sự ra đời của sự kiện huyền thoại 7 dũng sĩ Thanh Khê. Đó là cuộc chiến đấu ác liệt của mấy biệt đội quân Mỹ - ngụy nhưng vẫn thất bại nặng nề dưới sự chiến đấu ngoan cường và anh dũng của nhóm biệt động quân, gồm: Nguyễn Văn Trung, Đào Ngọc Huề, Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Văn Phương, Ngô Văn Mười, Nguyễn Văn Chi và Võ Văn Năm. Sự kiện chấn động hồi đó, phía Mỹ - ngụy chết khoảng 80 người và nhiều người khác bị thương. Bên này, là sự hy sinh anh dũng của biệt động Đào Ngọc Huề và đặc biệt là bà Nguyễn Thị Dảnh, tức mẹ Nhu.

Bà Phạm Thị Lan lúc đó 14 tuổi, sau đó cũng bị địch bắt lên đồn cùng với mấy người anh để tra hỏi, nhưng không khai thác được gì nên sau đó được thả về. Mấy anh em khi về nhà thì đào thi thể mẹ Nhu và an táng ngay trong vườn nhà. Chiếc áo đẫm máu của mẹ Nhu khi mặc vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Lần đầu… chụp ảnh dưới tượng đài Mẹ Nhu

Tỉ mẩn chỉ những khuôn mặt thân quen trên từng bức ảnh đen trắng trong ngôi nhà tưởng niệm Mẹ Nhu, nay đã là khu chứng tích hào hùng về 7 dũng sĩ Thanh Khê, bà Lan ngậm ngùi nhớ về những năm tháng làm giao liên, lúc còn đi học.

"Những năm đó, cả gia đình tôi đều theo cách mạng, người nhỏ đấu tranh theo kiểu làm giao liên. Tôi lúc đó đi học, thường xuyên mang cặp lên Nam Ô, rồi gùi củi, khoai lang, sắn… từ trên đó về nhà. Thư từ mật thì giấu trong lai áo. Nếu bị phát hiện thì nhai nuốt ngay" - bà Lan kể, từ Nam Ô về quận Nhì (nay là quận Thanh Khê) qua tới 5 bốt (trạm) kiểm soát, có những lúc trong gùi chứa cả lựu đạn, phía trên là khoai sắn. Đến một trạm gác gần ngã ba Huế ngày nay, lính gác hỏi gùi cái gì mà đi oằn lưng. Cô bé giao liên là bà Lan nhanh trí và liều lĩnh tháo gùi nhờ tên lính cõng gùi qua một đoạn. "Tên lính đó cười khẩy và bảo mau đi đi, nó không rảnh. Nhờ đó tôi đã thoát nạn. Đến bây giờ ngồi kể lại, tôi vẫn thấy hồi hộp" - bà Lan cười.

Người anh thứ 4 của bà Lan, ông Phạm Phú Lý, cùng bà Lan bần thần ngồi trên nắp hầm trong ngồi nhà mẹ Nhu, kể: "Căn hầm này mẹ cùng mấy anh em tôi đào gần nửa tháng, lúc đầu là để tránh bom đạn, sau này là nơi cất giấu vũ khí và cán bộ biệt động quân".

Trưa Đà thành nắng gắt, tôi cùng bà Phạm Thị Lan đứng dưới tượng đài Mẹ Nhu, tượng đài Mẹ sừng sững giữa nền trời trong vắt. Tôi khá bất ngờ khi bà Lan thổ lộ, đã rất nhiều lần bà ra tượng đài Mẹ, ngồi dưới chân tượng nhớ về những ký ức của hơn 50 năm trước, nhưng đây là lần đầu tiên có người dẫn bà ra để chụp ảnh. "Tôi không nói, vì cũng không muốn kể nên bây giờ rất ít người biết tôi là con gái Mẹ"- bà Lan cười buồn.

Tôi để ý tới khuôn mặt và bất ngờ là những nét trên mặt bà Lan thấy hao hao khuôn mặt tượng Mẹ Nhu. Đem thắc mắc này hỏi, bà Lan tiết lộ: "Hồi đi tù (bà Lan là tù yêu nước, bị địch bắt vì hoạt động giao liên những năm 1970) về rồi đi làm ở Cảng Đà Nẵng, mấy người trong cơ quan cứ hay hỏi là sao mặt tôi giống khuôn mặt tượng Mẹ Nhu thế. Mà hồi đó anh Hạng (kiến trúc sư Phạm Văn Hạng, người tạc tượng Mẹ Nhu - PV) làm tượng cũng có đến thăm tôi và mấy người con của mẹ".

Còn KTS Phạm Văn Hạng thì chia sẻ với tôi, hồi đó, khi được Đà Nẵng đặt hàng làm tượng đài Mẹ Nhu, ông có tới thăm, khuôn mặt tượng là khuôn mặt của bà mẹ Việt Nam, bà mẹ miền Trung, khắc khổ, bao dung, hiền hòa chịu đựng nhưng toát lên sự trung dũng kiên cường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem