Độc đáo lễ hội Khai hạ ở Hòa Bình: Hàng nghìn người dân xin nước, cúng rước mạ tại ruộng

Phạm Hoài - Tuệ Linh Thứ năm, ngày 14/03/2024 06:17 AM (GMT+7)
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc của người Mường, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Bình luận 0

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường ở Hòa Bình

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn có tên gọi khác như: Khuống mùa, Thuống tồông (xuống mùa, xuống đồng) - là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh Việt cổ.

Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động. Mỗi địa điểm nơi diễn ra lễ hội đều gắn liền với lịch sử của các vị thần là người có công lập đất, lập mường.

Độc đáo lễ hội Khai hạ ở Hòa Bình: Hàng nghìn người dân xin nước, cúng rước mạ tại ruộng- Ảnh 1.

Nghi thức rước kiệu trong phần lễ của Lễ hội khai hạ của người Mường Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hoài.

Nói về nguồn gốc Lễ hội Khai hạ Mường Bi, thầy mo Bùi Hồng Bào (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) cho biết: Từ nhiều đời nay, người Mường Bi lưu truyền truyền thuyết kể lại rằng Vua Bà đi từ núi Tản sông Đà đến cầu bến Mảng (suối Mảng, thuộc xã Phong Phú) gặp lũ to, Vua Bà giả trang thành kẻ nghèo đói, rách rưới.

Lúc đó trên cánh đồng có hai gia đình đang bừa ruộng. Vua Bà đến thử lòng một gia đình đang bừa bằng 1 con trâu. Bà nhờ người này đưa qua con suối, người này trả lời bận quá không đưa được. Vua Bà lại sang ruộng nhà bên đang bừa bằng 8 con trâu nhờ đưa qua suối, dứt lời nhà này cử người đưa Bà sang luôn.

Độc đáo lễ hội Khai hạ ở Hòa Bình: Hàng nghìn người dân xin nước, cúng rước mạ tại ruộng- Ảnh 2.

Hàng năm vào dịp Xuân về, người dân xứ Mường đều tổ chức Lễ hội Khai hạ. Ảnh: Phạm Hoài.

Khi qua suối xong, Bà truyền một câu: "Từ nay nhà ta, giàu thêm có thặm đấy". Nghĩa là: Từ nay nhà giàu có, rồi lại càng giàu có thêm. Thế là từ đó, nhà này luôn giàu có hơn các gia đình khác, ăn nên làm ra, cầu gì được nấy.

Vua Bà tiếp tục đi đến xóm Khung, xã Địch Giáo cũ (nay là xã Phong Phú). Bà ghé vào một nhà trong xóm, gia đình chủ nhà tiếp đón Bà rất tử tế, chu đáo. Thấy vậy, Bà thưởng cho nhà đó một thửa ruộng gọi là nà Mằn (ruộng Mằn), cấy trồng 2 vụ lúa tốt bời bời, không năm nào đói. Vua Bà đi tiếp đến một nhà cùng xã, nhà này không có con. Bà hỏi có muốn có con không Bà cho một đứa.

Nhà này rất mừng và Bà ban cho 1 đứa con trai, sau đặt tên là Ngãi. Một năm sau, Bà về thăm mang theo một túi vàng. Bà thử lòng treo túi vàng ngoài cổng và đi vào nhà. Bà vợ ông Ngãi có lòng tham giấu mất túi vàng. Sau Bà không cho con nữa và lấy mất thằng Ngãi, thằng Ngãi bị chết. Từ đó dân trong vùng có câu "tham vàng bỏ Ngãi... ".

Độc đáo lễ hội Khai hạ ở Hòa Bình: Hàng nghìn người dân xin nước, cúng rước mạ tại ruộng- Ảnh 3.

Màn hoà tấu chiêng Mường của các nghệ nhân tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường. Ảnh: Phạm Hoài.

Trước sự linh ứng của Vua Bà, ông lang Cun Pi đã lập miếu thờ Bà và tôn Bà làm Thành Hoàng của làng. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày mùng 7 và mùng 8 tháng giêng (tức ngày 6, 7 tháng tư theo lịch Mường Bi), Nhân dân trong vùng Mường Bi mang lễ vật đến thắp hương cho Bà, cầu mong Bà phù hộ cho dân làng an cư lập nghiệp, mưa thuận gió hoà, tránh khỏi mọi thú dữ, thiên tai, dịch bệnh, đất nước thanh bình.

"Để tưởng nhớ công ơn của Bà, sau này nhà lang và dân làng lập miếu thờ Bà. Xưa kia, nhà lang cho phép mỗi làng được lập 1 miếu thờ Bà, sau này các miếu đó không còn nữa, hiện nay cả vùng Mường Bi chỉ có 1 miếu thờ chung tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú. Lễ cúng Bà được tổ chức vào ngày 7 - 8 tháng giêng âm lịch, lúa gạo được gặt từ nà Mằn. Sau ngày mùng 8, Nhân dân trong vùng mới được cày cấy nên gọi là lễ khuống (xuống) mùa" - thầy mo Bào kể.

Nét văn hóa đặc sắc, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình

Ông Bùi Văn Tinh - Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho hay, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trải qua quá trình phát triển và những thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Khai hạ đã in sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Mường Hòa Bình. 

Cho đến nay, người dân vẫn còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, là nơi kết tinh, hội tụ những di sản văn hóa lịch sử thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách. Đây là nét văn hóa đặc sắc của người Mường Hòa Bình và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Độc đáo lễ hội Khai hạ ở Hòa Bình: Hàng nghìn người dân xin nước, cúng rước mạ tại ruộng- Ảnh 4.

Nghi lễ xuống đồng trong Lễ hội Khai hạ. Ảnh: Phạm Hoài.

"Việc Lễ hội Khai hạ của người Mường được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được tỉnh quyết định là lễ hội truyền thống hàng năm của tỉnh đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, để văn hóa thực sự là mạch nguồn, là động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh", Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc nhấn mạnh.

Trao đổi với PV, ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL tỉnh Hoà Bình cho biết: " Trước kia, ở phần lễ của Lễ hội Khai hạ các vùng Mường đều có nghi thức rước kiệu hoặc cúng tại mó nước và xin rước nước, cúng tại ruộng xin rước mạ hoặc cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên. Nhưng ngày nay, phần rước kiệu chỉ còn ở lễ hội ở Mường Bi và Mường Thàng, Mường Động; cúng tại ruộng để xin làm lễ cày, bừa đầu tiên chỉ còn diễn ra tại huyện Tân Lạc và huyện Lạc Sơn.

Cùng với đó, phần hội sẽ diễn ra các hoạt động vui chơi, thi các trò chơi dân gian được tổ chức ngay sau khi kết thúc phần lễ như: Hội đánh chiêng, hội ném còn, thi bắn nỏ, giã gạo, đánh cù, đánh mảng, kéo co, thi hát đối, hát sắc bùa và phần thi đấu các môn thể thao…".

Độc đáo lễ hội Khai hạ ở Hòa Bình: Hàng nghìn người dân xin nước, cúng rước mạ tại ruộng- Ảnh 5.

Lễ hội Khai hạ là dịp để người Mường cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ảnh: Phạm Hoài.

Lễ hội Khai hạ là nét đẹp văn hóa đặc đặc sắc của người Mường ở Hòa Bình mỗi dip Xuân về. Lễ hội được các cấp chính quyền địa phương tổ chức thường niên góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Qua đó, tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; quảng bá sản phẩm du lịch Hòa Bình đến với du khách trong nước, quốc tế.

Với ý nghĩa và giá trị sâu sắc đó, năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đầu năm 2023 và năm 2024, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tổ chức với quy mô cấp tỉnh tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem